Aa

Vì sao các ngân hàng đua nhau tất toán nợ xấu tại VAMC?

Thứ Bảy, 28/12/2019 - 10:46

Bên cạnh những ngân hàng vẫn đang có nợ xấu bán cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) khá lớn, năm 2019 có không ít ngân hàng đã tất toán trước hạn toàn bộ nợ xấu bán cho công ty này trước đây.

Động lực phía sau xu hướng này là gì? 

Việc mua lại trước hạn nợ đã bán cho VAMC có thể mang lại nhiều lợi ích hơn cho các ngân hàng. Ảnh minh họa: Thành Hoa.

Từ việc phải đáo hạn theo quy định

Trước hết, chúng ta cần phải nhìn lại 5 năm về trước, thời điểm năm 2014, tức chưa đầy một năm sau ngày VAMC được thành lập, là giai đoạn mà các tổ chức tín dụng (TCTD) bán nợ xấu dồn dập cho công ty này, nhằm hướng đến mục tiêu sớm kéo tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn ngành về dưới 3% theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Cụ thể, nếu như năm 2013 VAMC mới mua 37.100 tỷ đồng nợ xấu từ các TCTD, thì bước sang năm 2014 giá trị mua lên đến gần 96.500 tỷ đồng. Năm 2015 là giai đoạn cao điểm các ngân hàng bán nợ cho VAMC do đây cũng là thời hạn được chỉ định phải kéo tỷ lệ nợ xấu về dưới 3%, với giá trị bán nợ gần 109.800 tỷ đồng. Ba năm sau đó, việc bán nợ đã chậm lại khi mục tiêu đã hoàn thành, theo đó năm 2016 VAMC chỉ mua gần 42.200 tỷ đồng, 2017 là gần 32.400 tỷ đồng và 2018 là hơn 30.900 tỷ đồng.

Cũng cần biết rằng lượng nợ xấu bán cho VAMC trong giai đoạn 2013 - 2014 để nhận về trái phiếu đặc biệt hầu hết là ở kỳ hạn năm năm. Kể từ năm 2015 VAMC mới bước đầu phát hành các trái phiếu đặc biệt kỳ hạn 10 năm. Như vậy, năm 2019 cũng là thời điểm mà phần lớn lượng trái phiếu năm 2014 bước vào thời kỳ đáo hạn, do đó việc các TCTD phải tất toán với VAMC theo đúng thời hạn quy định cũng là điều bình thường, vì vậy chúng ta mới thấy trong hai năm qua số lượng ngân hàng tất toán nợ với VAMC ngày một nhiều hơn.

Đáng lưu ý là với việc tất toán nợ đã bán cho VAMC đến hạn và sử dụng luôn dự phòng đã trích lập cho trái phiếu đặc biệt từ trước đến nay để xử lý rủi ro, thì đây được xem là của để dành cho các ngân hàng trong tương lai.

Mặc dù theo Thông tư 08/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC ban hành vào năm 2016 cho phép các TCTD có thể gia hạn thời hạn của trái phiếu đặc biệt tối đa lên đến 10 năm, tuy nhiên quy định mới này chỉ áp dụng cho TCTD đang thực hiện phương án cơ cấu lại theo đề án đã được phê duyệt hoặc TCTD gặp khó khăn về tài chính mà việc trích lập dự phòng rủi ro cho trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành có thể dẫn đến lỗ trong năm tài chính.

Do đó, không phải ngân hàng nào muốn gia hạn cũng được. Thực tế cho thấy, những ngân hàng nào đã trích lập dự phòng đầy đủ tỷ lệ 20% mỗi năm theo quy định trong suốt bốn năm qua, thì áp lực trích lập cho năm cuối cùng này không phải là quá lớn.

Vì vậy, các ngân hàng này có lẽ cũng không cần phải xin gia hạn, nhất là trong bối cảnh lợi nhuận của ngành ngân hàng đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ trở lại trong suốt hai năm qua, do đó đủ nguồn lực để xử lý các khoản nợ bán cho VAMC đến hạn phải thanh lý.

Đáng lưu ý là với việc tất toán nợ đã bán cho VAMC đến hạn và sử dụng luôn dự phòng đã trích lập cho trái phiếu đặc biệt từ trước đến nay để xử lý rủi ro, thì đây được xem là của để dành cho các ngân hàng trong tương lai. Cụ thể, thời gian tới nếu ngân hàng nào thu được các khoản vay VAMC trả về và cũng đã được xử lý rủi ro, thì phần nợ thu được đó sẽ góp thẳng vào lợi nhuận của các ngân hàng.

Đến tất toán trước hạn

Bên cạnh việc phải thanh lý khi đến hạn, một số ngân hàng thời gian qua cũng chủ động tất toán trước hạn nợ đã bán cho VAMC nhằm mục tiêu sạch nợ tại VAMC. Khi tất toán trước hạn, các ngân hàng sẽ đứng trước hai lựa chọn: đưa lại về nội bảng hoặc xử lý rủi ro luôn và đem ra theo dõi ngoại bảng.

Tuy nhiên, với phương án xử lý rủi ro thì các ngân hàng cần phải trích lập dự phòng đầy đủ để có nguồn xử lý, việc này sẽ gây áp lực lên chi phí trích lập dự phòng hiện tại. Do đó, khả năng các ngân hàng sẽ đưa vào nội bảng trở lại, dù điều này có thể làm nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu nội bảng gia tăng.

Tuy nhiên, với việc dư nợ cho vay những năm qua của các ngân hàng đã tăng trưởng mạnh, công tác thu hồi nợ xấu cũng có nhiều tích cực, nếu mua lại nợ xấu từ VAMC và để ở nội bảng thì các ngân hàng cũng đã phải lường trước được khả năng vẫn phải giữ được tỷ lệ nợ xấu nội bảng không vượt mức quy định 3%. Cần biết rằng, trước đây việc bán nợ xấu sang VAMC là giải pháp để kéo tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống mức thấp dưới quy định, nhằm làm đẹp sổ sách.

Thật ra, việc mua lại trước hạn nợ đã bán cho VAMC có thể mang lại nhiều lợi ích hơn cho các ngân hàng. Thứ nhất, nếu vẫn để nợ xấu tại VAMC, định kỳ mỗi năm các ngân hàng phải trích lập chi phí dự phòng 20% giá trị trái phiếu đặc biệt đối với kỳ hạn năm năm và 10% đối với kỳ hạn 10 năm.

Áp lực chi phí trích lập như trên là khá lớn đối với một số ngân hàng đang có lợi nhuận khiêm tốn. Thay vì vậy, việc mua lại hay tất toán trước hạn nợ xấu bán cho VAMC sẽ giúp các ngân hàng có điều kiện, đánh giá, xem xét lại chất lượng khoản vay để đưa về nhóm phù hợp hơn.

Ngoài ra, việc sở hữu lại nợ xấu đã bán trước đây cũng tạo cơ hội cho các ngân hàng định giá lại tài sản bảo đảm theo giá thị trường mới nhất. Cần lưu ý phần lớn các khoản vay bán cho VAMC trước đây đều có tài sản bảo đảm là bất động sản. Với diễn biến thị trường nhà đất đã tăng mạnh trong ba năm qua, việc định giá lại có thể giúp nhiều ngân hàng giảm được chi phí trích lập dự phòng đáng kể.

Điều quan trọng hơn là với thực tế tình trạng xử lý nợ của VAMC đang khá chậm do nguồn lực bị hạn chế, thì việc mua ngược lại nợ xấu đã bán cho VAMC trước đây sẽ giúp các ngân hàng có thể chủ động xử lý các khoản nợ xấu này nhanh hơn, nhất là khi hàng loạt quy định về giải pháp xử lý nợ xấu đột phá đã được chính thức ban hành qua Nghị quyết 42 của Quốc hội từ tháng 7/2017.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top