Aa

Xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 còn vướng ở đâu?

Thứ Ba, 22/10/2019 - 06:30

Mặc dù nợ xấu theo Nghị quyết 42 đã xử lý được một bước quan trọng nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến tài sản bảo đảm...

Phần lớn tài sản bảo đảm cho các khoản nợ đều bị kê biên, liên quan đến các vụ án, hồ sơ pháp lý chưa hoàn chỉnh đã khiến cho việc xử lý, thu hồi nợ và tài sản bảo đảm gặp không ít khó khăn.

Bình quân mỗi tháng có 9.600 tỷ đồng nợ xấu được xử lý

236,8 nghìn tỷ đồng nợ xấu theo Nghị quyết 42 được xử lý

Số liệu được Thống đốc Ngân hàng Lê Minh Hưng cập nhập tại báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết về hoạt động chất vấn của Quốc hội cho thấy, tính từ năm 2012 đến cuối tháng 8/2019, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 968,89 nghìn tỷ đồng nợ xấu.

Riêng về kết quả xử lý nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42, lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 8/2019, toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được 236,8 nghìn tỷ đồng (không bao gồm sử dụng dự phòng rủi ro và khoản nợ bán cho VAMC thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt).

Trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng đạt 137,7 nghìn tỷ đồng; xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán xác định theo Nghị quyết 42 là 47,97 nghìn tỷ đồng; xử lý các khoản nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 51,12 nghìn tỷ đồng.

Như vậy, tính trung bình, mỗi tháng toàn hệ thống xử lý được khoảng 9,6 nghìn tỷ đồng, cao hơn 4,7 nghìn tỷ đồng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực.

Bên cạnh đó, đến thời điểm cuối tháng 8/2019, các tổ chức tín dụng đã sử dụng 123,89 nghìn tỷ đồng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu nội bảng.

Còn tại một hội nghị gần đây về Nghị quyết 42 do Ngân hàng Nhà nước tổ chức, ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng Giám đốc Agribank chia sẻ: "Sau 2 năm Nghị quyết 42 ra đời, Agribank đã xử lý được gần 110 nghìn tỷ đồng. Đến nay, ngân hàng đã mua lại 100% nợ xấu đã bán cho VAMC. Đây là kết quả rất lớn và vượt xa so với trước khi Nghị quyết 42 ra đời".

Khó khăn trong triển khai

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu theo Nghị quyết 42 đã xử lý được một bước quan trọng nhưng vẫn gặp phải không ít khó khăn trong việc triển khai.

Cụ thể, về áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm và xử lý tài sản bảo đảm, ngày 15/5/2018, Hội đồng Thẩm phán đã ban hành Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm, tranh chấp về quyền xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu...

Tuy nhiên, hiện nay, số lượng các vụ việc xử lý nợ xấu thông qua thủ tục rút gọn tại Tòa án còn hạn chế, phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả thu hồi nợ.

Về việc hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự, hiện chưa có văn bản quy phạm pháp luật giải thích cụ thể về việc "ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án" theo quy định tại Điều 14 Nghị quyết số 42.

Do đó, việc có hoàn trả vật chứng trong vụ án hình sự là tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu hay không sẽ phụ thuộc nhiều vào quan điểm của cơ quan tiến hành tố tụng.

Về cơ chế tiếp cận thông tin về tình trạng tài sản bảo đảm, hiện Tòa án, Thống đốc cho biết, Cơ quan thi hành án dân sự không có hệ thống dữ liệu cho phép các tổ chức tín dụng trích xuất, tra cứu thông tin tài sản có liên quan đến vụ việc đang được thụ lý giải quyết.

Đồng thời, chưa có hướng dẫn về cơ chế xác định sớm hữu hiệu trong quá trình thẩm định, để xác định tài sản nào đang tranh chấp, tài sản nào đang phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, dẫn đến cách hiểu về tài sản tranh chấp giữa các cơ quan tố tụng tại nhiều nơi, nhiều cấp khác nhau, gây khó khăn khi áp dụng các biện pháp xử lý tài sản theo Nghị quyết số 42.

Với loạt khó khăn trên, Ngân hàng Nhà nước đề xuất Quốc hội yêu cầu Tòa án nhân dân tối cao sớm có văn bản gửi cơ quan tòa án địa phương yêu cầu các đơn vị này ưu tiên áp dụng các thủ tục rút gọn được quy định tại Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP khi giải quyết các vụ án liên quan đến xử lý nợ xấu.

Tòa án nhân dân tối cao xem xét, phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp (Tổng cục Thi hành án dân sự) sớm có văn bản chỉ đạo về việc hoàn trả các tài sản bảo đảm là vật chứng của vụ án hình sự sau khi đã hoàn tất các thủ tục xác minh chứng cứ quy định tại Nghị quyết 42.

Đồng thời, yêu cầu Tòa án nhân dân tối cao phối hợp với Cơ quan thi hành án dân sự sớm xây dựng hệ thống dữ liệu liên quan đến các vụ việc đang được thụ lý giải quyết và cho phép các tổ chức tín dụng được tra cứu, trích xuất các thông tin liên quan từ hệ thống dữ liệu này.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top