Aa

Vì sao có phong tục "đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi"?

Thứ Ba, 17/01/2017 - 01:00

Dân gian có câu "đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi" nói về một tập tục trong đời sống văn hóa của người Việt Nam ngày đầu năm mới. Vì sao lại có tập tục này, và hành động "mua muối", "mua vôi" có ý nghĩa gì?

Câu chuyện "Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi" vẫn được nhiều gia đình Việt ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ áp dụng. Vì vậy, sáng mùng 1 Tết, tại các vùng đồng bằng Bắc Bộ, nhiều người đi bán muối dạo qua khắp các đường làng, ngõ xóm. Tại các đình chùa, muối được bày bán bên cạnh hoa quả, vàng mã, đèn hương… Vào những ngày cuối năm, người ta mua vôi về để quét lại nhà, tường, cổng với hy vọng tránh được những điều không may.

Đầu năm mua muối

Người xưa quan niệm muối là thứ mặn, chống xú uế, xua đuổi tà ma và đem lại nhiều may mắn trong gia đình. Mua muối đầu năm cũng có ý nghĩa trong văn hóa ẩm thực, văn hóa tình cảm, nó mang lại sự đậm đà cho các mối quan hệ gia đình, sự hòa thuận giữa vợ chồng, con cái.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

“Đầu năm mua muối” là mua cái sự mặn mà về nhà cho cả năm. Trong đời sống hàng ngày của đồng bào Bắc Bộ, muối có một vị trí rất quan trọng và chỉ đứng sau gạo. Đầu năm thường mua một bát muối để lấy cái sự mặn mà cho cả năm. Bát muối được mua sẽ được đong đầy tới tận ngọn chứ không gạt ngang miệng bát. Đong đầy được tới đâu, mua bán tới đấy. 

Ở đồng bằng Bắc Bộ, nhiều người quan niệm đầu năm mua muối cả năm sẽ làm ăn tấn tới, mua may bán đắt, tình cảm gia đình đầm ấm, trọn vẹn như vị đậm đà của muối. Vì vậy, sáng mùng 1 Tết ở Hà Nội vẫn thấy có người rao muối dạo và người Hà Nội thường mua vài đồng muối lấy may. Người bán sẽ đong một bát đầy có ngọn chứ không gạt ngang miệng bát bởi người ta cho rằng mua muối có ngọn mới mang lại sự đầy đủ, trọn vẹn và no ấm cả năm.

Cũng có người quan niệm rằng hạt muối có sự kết tinh cao, màu trắng trong tượng trưng cho sự sạch sẽ và tinh khiết cũng là biểu trưng cho tình cảm tốt đẹp.

Hạt muối tuy nhỏ nhoi, ít giá trị kinh tế nhưng mang trong mình ý nghĩa văn hóa phi vật thể thiêng liêng. Bởi thế, người ta thường rắc muối ra đường và xung quanh nhà với mong muốn bình yên.

Tại các đình chùa, sáng mùng 1 Tết, người ta thường bày bán muối bên cạnh hoa quả, vàng mã, đèn hương… để sau khi vào lễ Phật, lúc ra về các bà, các chị mau một gói muối với hy vọng một năm mới mọi việc tốt đẹp và may mắn.

Hơn nữa ý nghĩa của việc “mua muối đầu năm” là cha mẹ nhắc nhở con cái “ăn dè, hà tiện”, tiết kiệm để dành tiền “cuối năm mua vôi” xây nhà.

Cuối năm mua vôi

Ngược lại với tục mua muối, người ta thường tránh mua vôi đầu năm bởi người xưa quan niệm vôi mà trắng biểu tượng cho sự bạc bẽo (bạc như vôi). Thế nên đầu năm phải tránh mua vôi để tránh những rủi ro trong năm mới, tránh rạn nứt và đổ vỡ trong quan hệ tình cảm gia đình cũng như công việc. Thay vào đó, sẽ mua vôi vào cuối năm.

Theo giải thích của ông Vương Duy Bảo - Cục phó Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa- Thể Thao và Du lịch), cuối năm mua vôi” là để xây nhà, ăn trầu và dùng để rải 4 góc nhà đuổi tà ma. Mua vôi cũng là để quét lại căn nhà, tường cổng cho sạch sẽ, trắng tinh tươm, chuẩn bị đón năm mới.

Vôi quét nhà – có ý nghĩa xóa đi những điều không hay trong năm cũ, thể hiện một sự khởi đầu, bắt đầu lại để sửa chữa những sai lầm, khôi phục lại những thất bát đã qua.

Đối với người Bắc Bộ, “tậu trâu, lấy vợ, làm nhà” là 3 việc quan trọng nhất của đời người, nên câu “đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” còn mang ý nghĩa cha mẹ nhắc nhở con cái “ăn dè, hà tiện”, tiết kiệm để dành tiền “cuối năm mua vôi” xây nhà.

Hiện nay, tục lệ này dần phai nhạt, không còn phổ biến. Tuy nhiên, nhiều gia đình vẫn luôn giữ gìn những thói quen và tập tục đẹp đẽ đã có từ lâu đời của người Việt ta.

Cũng có một cách giải thích khác cho rằng cuối năm phải mua vôi để tiếp vôi cho ông bình vôi.

Ông bình vôi là công cụ để vôi ăn trầu bằng sành xứ, hiện nay chưa thấy hiện vật này ở thời kỳ Đông Sơn.

Khi cho ông bình vôi ăn phải e dè, thận trọng. Khi dùng dao vôi để lấy vôi, nhất thiết không được ngoáy chìa vôi vào lòng ông vì nếu thế sẽ bị bệnh cồn cào ruột gan mà dùng chìa đưa thẳng rồi rút ra. Vì thế, miệng ông cứ mỗi ngày một đầy, thành vành khuyên, hôm trở trời tự lóc ra, người ta dùng dao khứa chân rồi đem xâu vào dây treo trước cửa mạch (cửa phụ nữ và ma quỷ hay ra vào) để trừ tà.

Một khi ông bình vôi đã đặc ruột, người ta rước ông cùng xâu miệng lên chùa để dưới chân cây hương, dưới gốc mít, gốc đa. Lâu ngày lăn lóc, sương đọng vào bụng ông, gặp con sài đẹn, hay bị sơn ăn thì người ta lấy nước đó mà uống, mà bôi. Ai bị sâu răng thì mua ngọc trai tán nhỏ hòa vào nước này uống sẽ khỏi.

Ông bình vôi là vật thiêng trong nhà người xưa, do vậy lúc nào cũng phải cho ông ăn no, ăn đủ. Tuy nhiên do “Bạc như vôi” nên người ta chỉ cho ông ăn vào cuối năm chứ không ai cho ông ăn đầu năm cả.

(Thông tin mang tính chất tham khảo)

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top