Aa

Vì sao Công ty Alibaba có thể lừa hơn 6.700 khách hàng, thu hàng nghìn tỷ?

Chủ Nhật, 22/09/2019 - 06:30

Kết quả điều tra ban đầu, Công ty Alibaba lừa hơn 6.700 khách hàng, thu hơn 2.500 tỷ đồng. Những con số lên tới hàng nghìn khiến dư luận đặt ra câu hỏi, điều gì khiến “vòi bạch tuộc” của Alibaba lại vươn dài như vậy?

Kết quả điều tra ban đầu, Công ty Alibaba và các công ty thành viên đã thu mua số lượng lớn đất nông nghiệp với tổng diện tích hơn 600ha giao cho các cá nhân đứng tên, tự "vẽ" ra 40 dự án “ma” tại Đồng Nai (29 dự án), Bà Rịa - Vũng Tàu (9 dự án), Bình Thuận (2 dự án).

40 dự án này của Công ty Alibaba đều chưa làm thủ tục pháp lý, chưa được cơ quan thẩm quyền phê duyệt và cấp phép cho dự án. Theo kết quả điều tra, các dự án đất nền Alibaba bán tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu là đất nông nghiệp, đất quy hoạch nghĩa địa, đường cao tốc. 

Thế nhưng, chỉ với chiêu bài quảng cáo hoành tráng, xây dựng một hình ảnh đầy quy mô và chuyên nghiệp, Alibaba đã kí hợp đồng đất nền với 6.700 khách hàng và thu về 2.500 tỷ đồng, tính đến ngày 30/06/2019.

Điều ngạc nhiên rằng, trước đó vào năm 2017, Alibaba bị chính quyền TP.HCM và Đồng Nai tuýt còi, công an điều tra và báo chí cũng đã phanh phui về việc công ty này bán các “dự án ma” cho khách hàng. Nhưng 2 năm qua, Alibaba vẫn tiếp tục mở rộng quy mô và trở thành doanh nghiệp “thành công” trong bán đất nền với lượng giao dịch "khủng". Điều gì khiến cho một doanh nghiệp chỉ với “bánh vẽ” mà có thể lừa đảo được 6.700 khách hàng và thu tới 2.500 tỷ đồng. Một con số khổng lồ!

Công an khám xét chi nhánh Công ty Alibaba chiều 20/9. Ảnh: Vnexpress

Bất cập về pháp lý

Theo luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM, một trong lý do khiến Công ty Alibaba vẫn bành trướng xuất phát từ những bất cập trong hành lang pháp lý. Trước hết, đó chính là quy định “đặt cọc” và “giữ chỗ” trong hệ thống quy định pháp luật của Việt Nam vẫn còn chưa rõ ràng. Đây là lối lách luật dễ dàng cho nhiều công ty đưa ra “bánh vẽ” dự án dễ dàng mà vẫn huy động được nguồn vốn lớn.

Buông lỏng quản lý doanh nghiệp địa ốc

Tất yếu sự bành trướng của Công ty Alibaba còn đến từ chính việc buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương. Rõ ràng, năm 2017, Alibaba đã bị chính quyền “tuýt còi”. Nhưng sự việc chỉ dừng lại ở “tuýt còi” mà chưa hề có động thái quản lý chặt chẽ, xử phạt nghiêm doanh nghiệp địa ốc này.

Điều đáng nói, Alibaba đã tự "vẽ" ra 40 dự án “ma” mà vẫn ngang nhiên hoạt động. Ở Đồng Nai, con số dự án ma lên tới 29 và ở Bà Rịa – Vũng Tàu là 9 dự án. Một công ty với hàng nghìn nhân viên, quảng cáo rầm rộ, số lượng dự án không hề ít, hoạt động mua bán cũng hoành tráng nhưng… sự can thiệp của chính quyền lại mờ nhạt.

Tâm lý sính đất nền

Đất nền luôn được đánh giá là dòng sản phẩm có tính thanh khoản tốt trên thị trường. Tâm lý sở hữu tài sản lâu dài và số lượng người dồn vào nhà đất nhiều là căn nguyên khiến đất nền luôn được chuộng ở mọi giai đoạn và giá biến động tăng. Đó là lý do các sản phẩm mở bán của Công ty Alibaba đều là dự án đất phân lô bán nền. Ngoài ra, đây cũng là một trong những loại hình pháp lý xác định khá phức tạp. Chỉ bằng việc đánh vào tâm lý thích đất nền, đưa ra cam kết lợi nhuận lên tới 28%, Alibaba đã dễ dàng “xóa bỏ” đi thông tin mập mờ về tính pháp lý của các dự án này.

Bức tranh người người nhà nhà đầu tư bất động sản

Sự phục hồi của thị trường bất động sản vào năm 2014 đã bắt đầu kéo theo cuộc đổ dồn đầu tư vào lĩnh vực này. Đặc biệt từ năm 2016 - 2018, đây được coi là giai đoạn tăng trưởng vàng của bất động sản. Với sức tăng trưởng mạnh mẽ, bất động sản được truyền thống “nâng cấp” trở thành kênh đầu tư sinh lời đầy hấp dẫn. Chính bởi quan điểm này mà bức tranh người người nhà nhà rót vốn vào các sản phẩm bất động sản. Giới quan sát cho rằng, với chiến thuật quảng cáo tốt cùng cách tạo dựng hình ảnh hoành tráng, Alibaba đã đánh đúng vào tâm lý khách hàng muốn làm giàu nhanh chóng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top