Aa

Vì sao GDP 2017 tăng trưởng "thần kỳ", vượt mọi dự báo trong nước và quốc tế?

Thứ Năm, 28/12/2017 - 07:21

GDP năm 2017 cán đích 6,81% theo thông báo của Tổng cục Thống kê, cao nhất kể từ năm 2011. Tổng cung và tổng cầu trong nước đều rất tốt, tăng trưởng ở tất cả các lĩnh vực đều có sự cải thiện, đại diện của đơn vị này lý giải.

Sau con số GDP năm 2017 đầy bất ngờ, ông Dương Mạnh Hùng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) đã giải thích một số lý do chính.

“Tăng trưởng ở tất cả các lĩnh vực đều có sự cải thiện”, ông Hùng nói.

Đối với nông nghiệp, điểm sáng của lĩnh vực này là có sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi theo hướng tích cực. Đồng thời, hiệu quả sử dụng từng hecta đất nông nghiệp đã được tăng lên. Việc xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp, thuỷ sản cũng thu được những kết quả khả quan.

Khu vực công nghiệp và xây dựng ghi nhận kết quả phát triển mạnh mẽ mà ngoạn mục nhất phải kể đến ngành chế biến chế tạo. Giá trị của ngành này tăng cao với mức 14,5% giúp cho khu vực công nghiệp tăng khá cao, lên 9,4% so với năm 2016.

Điểm sáng trong ngành chế biến chế tạo là các sản phẩm điện tử, máy tính, quang học với mức tăng 32,7%; sản phẩm kim loại tăng 17,6%; sản phẩm từ cao su, plastic tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu của các sản phẩm này cũng đạt ngưỡng cao.

Theo ông Hùng, ngành sản xuất công nghiệp đã có sự bứt tốc vào cuối năm nếu nhìn vào những gì đã diễn ra trong nửa đầu 2017. Cụ thể, nếu chỉ số công nghiệp 2 quý đầu năm chỉ tăng 6,1% thì trong quý 3 đã tăng 9,7% và quý 4 tăng đột biến 14,4%.

Khu vực dịch vụ vẫn duy trì được mức tăng trưởng cao trong năm 2017. Theo đó, các thành phần của ngành đều có mức phát triển cao hoặc bằng so với năm 2016.

Lượng khách quốc tế cũng đóng góp một phần trong mức tăng GDP của năm với con số kỷ lục gần 13 triệu khách. Đại diện Tổng cục Thống kê cho rằng dù đóng góp trực tiếp của ngành này tuy nhỏ nhưng phần lan toả của nó đến các ngành khác như thương mại, vận tải, ngân hàng, khách sạn, vui chơi giải trí là rất lớn.

Bên cạnh đó, hoạt động của ngành ngân hàng, bảo hiểm cũng đạt kết quả rất tốt và ấn tượng. Cụ thể, tổng phương tiện thanh toán tăng 14,19%, huy động vốn từ các tổ chức tín dụng là 14,5% và tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 16,96%.

“Năm nay lợi nhuận các ngân hàng đạt kết quả tốt, ẩn tượng”, ông Hùng nói.

Đối với bảo hiểm, năm 2017 tiếp tục ghi nhận đà tăng trưởng hai con số của thị trường này với tổng phí bảo hiểm ước đạt 105,6 tỷ đồng tăng 21,2% so vs 2016.

Ngoài ra, xét về góc độ sử dụng GDP năm 2017, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,35% so với năm 2016, đóng góp 5,52 điểm phần trăm (trong đó tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư đóng góp 5,04 điểm phần trăm); tích lũy tài sản tăng 9,8%, đóng góp 3,3 điểm phần trăm; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ ở tình trạng nhập siêu làm giảm 2,01 điểm phần trăm của mức tăng trưởng chung.

Cuối cùng, ông Hùng cho rằng việc sử dụng các yếu tố đầu vào một cách hiệu quả đã giúp cho tăng trưởng kinh tế được cải thiện.

“Động lực của tăng trưởng năm nay nếu đứng về sản xuất thì là xuất khẩu còn về phương pháp sử dụng là tiêu dùng”, ông Hùng nhận xét.

Bổ sung vào phần giải thích của ông Dương Mạnh Hùng, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết tổng cầu và tổng cung trong nước đều tăng. Điều này thể hiện qua các con số “đẹp” của tổng mức bán lẻ, xuất nhập khẩu cũng nhu việc chuyển đổi cơ cấu của các ngành kinh tế cũng như trong nội bộ từng ngành.

Bên cạnh đó, ông Lâm cũng nhấn mạnh các kết quả trên có được là nhờ vào vai trò của Nhà nước kiến tạo đã xây dựng được môi trường kinh doanh tốt, huy động và phát huy được nguồn lực xã hội.

“6,81% là kết quả tính toán hoàn toàn tin cậy”, ông Lâm nói và nhắc đến kết quả nâng GDP Việt Nam lên 6,7% trước đó của ADB và giải thích dự báo của ADB luôn thấp hơn tăng trưởng thực của Việt Nam 0,2 điểm phần trăm.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top