Họp báo cập nhật tình hình kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương năm 2017 và các giai đoạn tiếp theo ngày 4/10, WB cho rằng GDP của Việt Nam sẽ ở mức 6,3% và khu vực Đông Á - Thái Bình Dương sẽ ở mức 6,4%.
Theo WB, động lực cho tăng trưởng 2017 là sản xuất nông nghiệp, ngành chế biến xuất khẩu. Áp lực lạm phát năm 2017 của Việt Nam sẽ ở mức vừa phải. Về trung hạn, dự báo triển vọng kinh tế Việt Nam là tích cực, với sự ổn định vĩ mô nói chung.
“Quá trình tái cơ cấu kinh tế sẽ giúp cải thiện tiềm lực tăng trưởng của Việt Nam. Mặc dù có sự suy giảm nhẹ trong tăng trưởng, nhất là trong quý I, kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục thể hiện đà tăng trương khá vững chắc”, trích báo cáo của WB.
Kinh tế Việt Nam phục hồi giúp bổ sung thêm 270.000 việc làm mới trong năm 2017. Hầu hết việc làm mới được tạo ra trong khu vực FDI, nhất là tại các doanh nghiệp công nghiệp chế tạo, đặt tại các vùng nông thôn.
Lao động tay nghề thấp tại địa bàn nông thôn được hưởng lợi nhiều nhất. Do vậy, WB dự kiến tỷ lệ nghèo sẽ giảm xuống, nhất là tại các khu vực nông thôn.
Ngân hàng Thế giới cũng nhấn mạnh thâm hụt tài khoá của Việt Nam, kể cả mục ngoài ngân sách.
Thâm hụt ngân sách liên tục ở mức cao làm cho nợ công của Việt Nam, bao gồm nợ của Chính phủ, nợ do Chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương ước tính đạt khoảng 63% GDP năm 2016. Nợ công Việt Nam đang có xu hướng tới mức trần quy định là 65% GDP.
Về tình hình thu ngân sách, WB đánh giá có cải thiện về phía thu, chủ yếu là tăng các khoản ngoài thuế và tăng cường kỷ cương chi.
Tuy nhiên, muốn đảm bảo tình hình tài khoá trung hạn cần có các biện pháp mang tính hệ thống thì mới có thể tăng nguồn thu và tiết kiệm chi; bảo vệ được các khoản đầu tư vào hạ tầng và nguồn nhân lực, để thúc đẩy tăng trưởng.