Lực chờ mua mạnh mẽ
Với việc tầng lớp trung lưu ngày càng tăng và dân số được trẻ hóa, nhu cầu nhà ở tại Việt Nam liên tục tăng, đặc biệt tại các đô thị lớn. Bộ Xây dựng cho biết, tỷ lệ dân số đô thị hiện nay vào khoảng 40% và sẽ tăng lên 45% vào năm 2030, do đó mỗi năm phải tăng thêm khoảng 70 triệu mét vuông nhà ở đô thị. Đặc biệt, hai thành phố có sức hút dân số cao, đòi hỏi gia tăng nhanh diện tích nhà là Hà Nội và TP.HCM sẽ chiếm khoảng 2/3 lượng cầu nhà ở hàng năm.
Bên cạnh đó, thói quen chuộng tích luỹ bất động sản cũng là tâm lý chủ đạo của người dân châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng.
Một khảo sát của batdongsan.com.vn với 1.000 khách hàng được thực hiện ở cả 3 miền mới đây cho kết quả: Gần một nửa những người chưa có nhà muốn mua nhà trong vòng 1 năm tới. Con số này càng tăng lên với nhóm người giàu. 79% người đang có 2 bất động sản cho biết họ sẽ mua thêm bất động sản trong tương lai gần, tỷ lệ tương ứng ở những người đã làm chủ 3 bất động sản lên đến 87%.
Theo Phó Tổng giám đốc batdongsan.com.vn Nguyễn Quốc Anh, ước tính cả nước hiện có gần 470 dự án, tương ứng với 300.000 căn hộ đang trong quá trình xây dựng hoặc chưa được cấp phép. Tuy nhiên cả năm 2022, chỉ có 19 dự án được cấp phép và mở bán, cung cấp khoảng 18.000 căn hộ. Trước bối cảnh lực cầu cao nhưng nguồn cung thiếu hụt, vị này nhận định, mặt bằng giá chung cư ở hai đô thị lớn không suy giảm thậm chí đang tiếp tục đà tăng.
“Lực chờ mua luôn hiện hữu tạo thành hàng rào hỗ trợ tự nhiên trên biểu đồ bất động sản, khiến giá giao dịch thực tế khó giảm bất chấp biến động chung của nền kinh tế”, anh Hoàng Anh, một nhà đầu tư lâu năm cho biết.
Động lực quan trọng của nền kinh tế
Thị trường bất động sản Việt Nam bắt đầu trầm lắng kể từ cuối năm 2022 khi room tín dụng bị siết chặt, việc phát hành trái phiếu riêng lẻ gặp khó khăn. Tuy nhiên, Chính phủ gần đây đã có một loạt động thái hỗ trợ thị trường, đặc biệt là tháo gỡ khó khăn về pháp lý và chỉ đạo các ngân hàng hạ lãi suất.
Riêng việc Chính phủ liên tục mở các cuộc họp lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp bất động sản lớn cũng là tín hiệu mạnh mẽ cho thấy cơ quan chức năng muốn tìm kiếm giải pháp hiệu quả để thúc đẩy thị trường phát triển theo hướng tích cực, không để bất động sản rơi vào khủng hoảng.
Với việc bất động sản dần phục hồi, các chuyên gia nhận định nhiều lĩnh vực của nền kinh tế cũng sẽ khởi sắc. Nguyên nhân là do bất động sản trực tiếp đóng góp 15% tỷ trọng GDP của Việt Nam và có tác động lan tỏa tới 40 ngành nghề chủ chốt của nền kinh tế như: Xây dựng, ngân hàng - tài chính, chứng khoán… Theo một nghiên cứu của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, khi ngành bất động sản tăng thêm 1.000 tỷ đồng sẽ kích thích giá trị sản xuất của những nhóm ngành còn lại 1.192 tỷ đồng; lan tỏa giá trị tăng thêm 311 tỷ đồng.
Ngoài ra, số việc làm trong ngành kinh doanh bất động sản và ngành xây dựng (đa phần là xây dựng các dự án bất động sản) ở Việt Nam chiếm gần 10% tổng số việc làm (49 triệu vào năm 2021). Nếu tính tất cả số việc làm ở hệ sinh thái bất động sản gồm: Phát triển quỹ đất, xây dựng, vận hành, cải tạo, nâng cấp và tái phát triển, đặc biệt cả các nhà phát triển bất động sản, đơn vị vận hành chủ chốt… thì con số chắc chắn lớn hơn rất nhiều.
Có thể nói, vĩ mô ổn định chính là động lực quan trọng để thị trường bất động sản nhanh chóng hồi phục, đóng góp vào việc tăng thu nhập của người dân và GDP năm 2023. Ngược lại, với vai trò là lĩnh vực đầu tàu, bất động sản sẽ luôn được quan tâm, thúc đẩy, tạo nên một lực kéo đưa cả nền kinh tế phát triển đi lên. Mối quan hệ hữu cơ đó khiến thị trường này luôn ấm nóng và giá nhà sẽ giữ vững xu thế đi lên./.