Hơn 10 năm kinh nghiệm trong nghề môi giới bất động sản, anh Nam giám đốc một sàn bất động sản trên phố Minh Khai (Hai Bà Trưng) cho biết, so với các dự án phía Tây thì dự án phía Nam khó bán hơn. Theo anh Nam, khách hàng lo ngại không phải vấn đề chất lượng nhà, gần hay xa trung tâm mà vì cơ sở hạ tầng ở phía Nam chưa thể phát triển bằng phía Tây Hà Nội.
Sau một thời gian dài sôi động với hàng loạt dự án lớn, thị trường bất động sản phía Tây Hà Nội bắt đầu có dấu hiệu chững lại. Thời điểm này, phía Nam Hà Nội lại trở nên sôi động hơn, minh chứng cho điều này là hàng loạt dự án chung cư cao tầng, khu đô thị cao cấp đua nhau mọc lên như: Time City, Star AD1 Lĩnh Nam, New Horizon City – 87 Lĩnh Nam, South Tower Hoàng Liệt, CT36 Định Công, Helios Tower – 75 Tam Trinh, Khu đô thị Gamuda, khu đô thị Linh Đàm …
Theo chuyên gia phân tích về bất động sản, trong mấy năm gần đây lượng dự án mở bán căn hộ ở phía Nam đang tăng cao, ở thời điểm năm 2015, các dự án phía Nam chiếm khoảng 48 đến 50% tổng lượng mở bán mới. Giá bán căn hộ giao động từ 14 triệu đến 24 triệu đồng/m2.
“Đây là mức giá khá thấp và phù hợp với mức thu nhập của nhiều cặp vợ chồng trẻ”, một chuyên gia nhận định.
Đối lập lại với sự phát triển ồ ạt của hàng loạt dự án bất động sản, cơ sở hạ tầng giao thông khu vực này lại khá ì ạch. Cho đến hiện tại, khu vực phía Nam mới chỉ đưa vào sử dụng một số dự án như: Time City, KĐT Định Công, một số tòa nhà ở KĐT Linh Đàm… Tuy nhiên mật độ dân cư tăng vọt dẫn đến tình trạng tắc đường diễn ra thường xuyên ở các tuyến đường phía Nam Hà Nội.
Ghi nhận của phóng viên Reatimes, thời gian gần đây, vào các khung giờ cao điểm, các tuyến đường như Đại La, Minh Khai, Tam Trinh, Trương Định, Định Công, thậm chí cả tuyến Vành đai 3 trên cao… cũng thường xuyên rơi vào tắc nghẽn. Nguyên nhân chính là do lượng người tham gia trên các tuyến đường này ngày một đông nhưng đường lại quá hẹp.
Tham khảo giá tại một sàn bất động sản trên phố Tam Trinh (Hoàng Mai), bà Tô Thị Lan Anh (trú quận Đống Đa) cho biết, sở dĩ bà chọn dự án ở phía Nam Hà Nội là vì giá các căn hộ ở khu vực này thấp hơn so với khu phía Tây và các quận trung tâm thành phố.
“Điều ám ảnh lớn nhất là tắc đường và bụi bặm. Như tuyến đường Lĩnh Nam và Tam Trinh, khoảng 2 đến 3 năm nữa nếu không được mỡ rộng chắc chắn tắc đường, xung đột giao thông sẽ thường xuyên diễn ra vì trên hai tuyến đường này mọc lên rất nhiều dự án chung cư cao tầng. Giá rẻ hơn nhưng nhìn vào hạ tầng giao thông tôi rất sợ”, bà Phương chia sẻ.
Theo kế hoạch, một số tuyến đường như Tam Trinh, Minh Khai, Đại La… sẽ được thành phố Hà Nội đầu tư mở rộng, nâng cấp. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong ngành bất động sản vẫn lo ngại vì không biết đến bao giờ các dự án nâng cấp,mở rộng ấy mới được thực hiện xong.
“Nếu hạ tầng giao thông được nâng cấp, đầu tư thì các dự án bất động sản phía Nam Hà Nội sẽ có điều kiện để phát triển sôi động, còn hạ tầng như hiện nay việc khách hàng lo ngại là đúng”, ông Nguyễn Văn Tiệp – Giám đốc sàn bất động sản ở Đền Lừ (Hoàng Mai) nhận định.