Nằm trong khuôn khổ của Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì, Hội thảo chuyên đề du lịch đã được tổ chức vào sáng nay (2/5). Một vấn đề nóng hiện nay mà ngành du lịch đặc biệt quan tâm đó là thực trạng khách du lịch đến Việt Nam ngắn ngày hơn hẳn nhiều quốc gia trong khu vực, và khi đến chi tiêu lại càng ít hơn.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Ngô Văn Tuấn, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhận định, trong 3 năm trở lại đây, ngành du lịch đang thể hiện sự tăng trưởng mạnh mẽ khi số lượt khách du lịch quốc tế không ngừng gia tăng và nguồn thu từ du lịch cũng tăng trưởng liên tục.
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp kết hợp từ nhiều ngành, 99% doanh nghiệp du lịch là tư nhân, do đó đóng góp to lớn. Tuy nhiên, để phát triển ngành du lịch, các rào cản cần được tháo gỡ để tăng tính chuyên nghiệp cho người lao động trong ngành du lịch.
Ông Tuấn cho hay: “Chính phủ kỳ vọng năm 2020, Việt Nam sẽ thu hút từ 17 - 20 triệu khách quốc tế, 80 triệu khách nội địa, đạt doanh thu 35 tỷ USD. Tới năm 2030, phấn đấu để du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Trong thời gian tới, ngành du lịch sẽ đẩy mạnh phát triển thị trường khách chi trả cao, phát triển các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch golf, du lịch ẩm thực...”.
Với chủ đề thu hút khách chi trả cao và lưu trú dài ngày tới Việt Nam, bốn vấn đề được thảo luận trong Hội thảo sẽ bao gồm: Cải thiện chính sách thị thực, cơ sở hạ tầng, năng lực cạnh tranh của ngành và chiến lược quảng bá du lịch Việt Nam.
Tại Hội thảo, ông Lê Quang Tùng, Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch khẳng định Việt Nam có vị thế đặc biệt về du lịch. Theo thống kê, Việt Nam đứng thứ 32 toàn cầu về số lượng và sự hấp dẫn của tài nguyên thiên nhiên, văn hoá với 8 di sản thế giới được UNESCO công nhận.
Chính phủ đang ưu tiên du lịch thành kinh tế mũi nhọn tạo động lực cho các ngành khác. Năm 2018, Việt Nam đón gần 15,5 triệu lượt khách quốc tế, thu 620.000 tỷ đồng chiếm 8% GDP (từ 328.000 tỷ đồng năm 2015).
Các dịch vụ đi kèm được quan tâm đầu tư, nhiều dự án đã được đưa vào khai thác, chất lượng điểm đến được quan tâm, xúc tiến du lịch giữa Nhà nước và tư nhân. Ngành du lịch chú trọng tới các yếu tố công nghệ gia tăng quảng bá.
“Tuy nhiên, để du lịch thực sự phát huy vai trò là một ngành kinh tế mũi nhọn quốc gia, phát huy đúng vai trò ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp thì còn có rất nhiều việc cần tiếp tục làm, tiếp tục cải thiện, cần sự đầu tư mạnh mẽ, tập trung với quyết tâm cao của tất cả các bên để giải quyết các vấn đề cả trước mắt và lâu dài”, ông Tùng khẳng định.
Ông Tùng phân tích, theo các số liệu thống kê và đánh giá của chuyên gia cho thấy, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đang tăng trưởng nhanh, nhưng năm 2018 tổng số du khách quốc tế vẫn thấp so với một số nước trong khu vực như Thái Lan (38 triệu), Malaysia (25 triệu), Singapore (18,5 triệu), Indonesia (15,8 triệu).
Tuy nhiên, dù có lượng khách quốc tế tăng trưởng nhanh nhưng thực tế, khách chi tiêu còn khiêm tốn. Tỷ trọng của các thị trường chi tiêu cao có xu hướng giảm dần từ 2015. Khách Bắc Mỹ từ 7,6% đến 5,8%, châu Âu 14,6% xuống 13,1% trong khi khách châu Á tăng mạnh.
Các thị trường ngách chi tiêu cao như golf vẫn chưa đủ sức cạnh tranh với các nước trong khu vực. Khách quốc tế đến Việt Nam nghỉ lâu hơn nhưng chi tiêu ít hơn so với các nước trong khu vực. Khách chi tiêu 96 USD một ngày nhưng ở Sing là 330 USD mỗi ngày.
Ông Tùng nhấn mạnh: “Thách thức lớn nhất đã được nhận diện qua các số liệu trên là thị phần khách quốc tế đến Việt Nam chưa phù hợp. Nếu không được giải quyết thì sẽ là trở ngại để ngành du lịch nước ta phát triển xứng đáng với tiềm năng và đạt được những kỳ vọng.
Dự kiến đóng góp 10% GDP cả nước trong thời gian tới, ngành du lịch cần tập trung khai thác các thị trường chi trả cao, du lịch chuyên đề, tăng tỷ trọng khách du lịch tự trải nghiệm thay vì trọn gói”.
Theo đó, Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch đã đề xuất các giải pháp để phát triển ngành du lịch:
Thứ nhất, phải đa dạng hoá và nâng cao chất lượng sản phẩm, cần thúc đẩy các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, công tác kết hợp du lịch cao cấp, cá nhân hoá cao. Đa dạng thị trường nguồn, phát triển thị trường chi tiêu cao như Nhật, Bắc Mỹ, Bắc Âu, Trung Quốc và Hàn Quốc đồng thời hướng tới phân khúc thị trường cao cấp.
Thứ hai, ngành du lịch cần tạo điều kiện visa thuận lợi, thu hút khách chi trả cao, du lịch tàu biển.
Thứ ba, cần tập trung khả năng kết nối hàng không, nâng cao năng lực vận tải hành khách của các hãng.
Thứ tư, tập trung công tác quản lý điểm đến, môi trường, an toàn an ninh cho du khách.
Thứ năm, chú trọng đào tạo kỹ năng ngoại ngữ, chuyên nghiệp cho nhân lực ngành du lịch từ cấp thấp đến quản lý cao cấp.
Thứ sáu, cần đối thoại, tập trung trí tuệ tìm các giải pháp hữu hiệu cho chủ đề chung, chia sẻ thẳng thắn cởi mở.
Nhiều phát hiện từ Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam diễn ra vào 6/12/2018 trở thành chủ đề bàn luận nóng của ngành du lịch. Ví dụ, trong khi khách đến Thái Lan chi tiêu trung bình 163 USD mỗi ngày, đến Việt Nam con số này là 96 USD. Nhiều người đến Việt Nam rồi một đi không trở lại, trong khi Thái Lan đón những vị khách đều đặn ghé thăm mỗi năm. Trong khi các quốc gia chi hàng chục triệu USD quảng bá du lịch, ở Việt Nam con số này là 2 triệu USD. Trên bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới về hiệu quả quảng bá du lịch, Việt Nam chỉ đứng thứ 80 trong tổng số 136 quốc gia, thậm chí sau Lào, Campuchia. |