Nhà máy In tiền Quốc gia (trực thuộc Ngân hàng Nhà nước) vừa công bố báo cáo tài chính 6 tháng năm 2019 và báo cáo tài chính năm 2018.
Kết thúc năm 2018, Nhà máy In tiền Quốc gia đạt 63,8 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 14% so với năm trước đó. Lợi nhuận sau thuế đạt 51 tỷ đồng, tăng 15% và cũng là mức cao nhất từ trước đến nay. Năm 2013, Nhà máy In tiền Quốc gia lãi ròng 21 tỷ đồng; 25,4 tỷ đồng lãi ròng ghi nhận vào năm 2014; 23,5 tỷ đồng năm 2015; 42 tỷ đồng năm 2016 và năm 2017 là 44,4 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau thời kỳ dài tăng trưởng đều, tình hình kinh doanh của Nhà máy In tiền Quốc gia lại bất ngờ đi xuống trong nửa đầu năm 2019.
Theo đó, doanh thu nửa đầu năm nay của Nhà máy In tiền Quốc gia ở mức 906 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ đi gần 887 tỷ đồng giá vốn, lợi nhuận gộp của Nhà máy in tiền Quốc gia chỉ còn gần 20,3 tỷ đồng, chỉ bằng 23% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cùng kỳ năm nay, doanh thu hoạt động tài chính cũng giảm từ 17 tỷ xuống chỉ còn 10 tỷ đồng, chi phí tài chính giảm một nửa.
Điểm đáng lưu ý là chi phí quản lý doanh nghiệp kỳ này lại tăng lên từ mức 29 tỷ đồng lên 32 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ nên kết thúc nửa đầu năm 2019 tính ra Nhà máy In tiền Quốc gia chịu lỗ trước thuế 6,3 tỷ đồng, sau khi trừ đi thuế, mức lỗ sau thuế tăng gần gấp đôi lên gần 11,2 tỷ đồng.
Tính đến hết ngày 30/6/2019, tổng tài sản của Nhà máy In tiền quốc gia là 2.266 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,7% so với hồi đầu năm. Phần lớn tài sản tập trung ở hàng tồn kho với 950 tỷ đồng (tăng hơn gấp đôi cùng kỳ); tài sản cố định với 548 tỷ đồng và tiền cùng các khoản tương đương tiền với 331 tỷ đồng (giảm 1,3 lần so với nửa đầu năm 2018).
Về nguồn vốn, vốn chủ sở hữu của nhà máy đến hết ngày 30/6/2019 ở mức 1.907 tỷ đồng, giảm nhẹ 0,6% so với đầu năm. Đồng thời, nợ phải trả tăng thêm 50 tỷ, lên 359 tỷ đồng.
Do đó, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh nửa đầu năm 2019 cũng âm 438 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm trước.
Giải trình về biến động kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, Nhà máy In tiền Quốc gia cho biết, Nhà máy In tiền Quốc gia là công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm 100% vốn điều lệ và ngành nghề kinh doanh duy nhất hiện nay là in, đúc tiền. Nhà máy là doanh nghiệp công ích, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận và Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước không giao chỉ tiêu lợi nhuận đối với Nhà máy.
Số lượng, doanh thu và chi phí từ hoạt động in đúc tiền của Nhà máy là hoàn toàn phụ thuộc vào cung cầu tiền mặt trong nền kinh tế, việc điều hành chính sách tiền tệ và theo đúng kế hoạch do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giao.
Là đơn vị sản xuất cung cấp sản phẩm, dịch vụ công, Nhà máy thực hiện cơ chế quyết toán giá với Nhà nước. Theo đó, toàn bộ các chi phí sản xuất có liên quan được tập hợp, trình Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính duyệt quyết toán giá sau khi kết thúc năm tài chính. Do đó, kết quả chênh lệch thu chi giữa kỳ chỉ là số liệu tạm tính, không thể hiện đầy đủ tình hình hoạt động của Nhà máy.
Thực tế, Nhà máy vẫn đang hoạt động ổn định, theo đúng mục tiêu, kế hoạch giao nộp sản phẩm được Ngân hàng Nhà nước giao.
Tuy nhiên, có thể nói việc Nhà máy In tiền Quốc gia báo lỗ sau thuế 11,2 tỷ đồng là bất ngờ lớn đối với giới tài chính bởi cùng kỳ, Nhà máy vẫn đạt lợi nhuận 60 tỷ đồng. So với cùng kỳ, doanh thu và lợi nhuận của Nhà máy giảm lần lượt 9,1% và 118%. Trong khi những năm gần đây, Nhà máy In tiền Quốc gia đều có lãi.
Chẳng hạn, năm 2017, Nhà máy đạt đoanh thu 2.337 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 51 tỷ đến năm 2018 doanh thu giảm xuống 2.113 tỷ.
Nhìn vào kết quả kinh doanh của Nhà máy In tiền Quốc gia cho thấy, cả doanh thu và lợi nhuận đang có chiều hướng lao dốc, trong khi doanh thu giảm nhẹ thì lợi nhuận lao dốc mạnh.