Aa

Vì sao nhiều doanh nghiệp địa ốc lớn "tháo chạy" khỏi thị trường Bình Dương?

Thứ Bảy, 22/07/2017 - 14:45

Từ năm 2005, thị trường nhà đất tỉnh Bình Dương khá hấp dẫn đối với người mua từ các tỉnh/ thành khác, đặc biệt là từ Tp.HCM và Hà Nội. Hầu hết người mua là các nhà đầu tư dài hạn nhằm kiếm lời từ nhà đất tăng giá hoặc cho thuê.

Trước đây, Bình Dương thường được đánh giá là thị trường nhiều cơ hội đầu tư nhất so với những tỉnh ven TP.HCM như Đồng Nai, Long An cho những ai muốn bỏ vốn vào bất động sản. Bởi Bình Dương được quy hoạch tốt, hệ thống giao thông và hạ tầng xã hội hiện đại và đồng bộ, trung tâm chính là thành phố mới Bình Dương.

Ngoài ra, tỉnh Bình Dương còn là địa phương có nhiều khu công nghiệp, khu công nghệ kỹ thuật cao hiện đại bậc nhất cả nước, thu hút đông đảo các tập đoàn đa quốc gia đến đầu tư nhà xưởng sản xuất như Khu công nghệ cao Maple Tree hay VSIP Bình Dương.

Tuy nhiên, trái ngược với kỳ vọng về một thành phố sinh động và đáng sống với hàng loạt dự án BĐS tầm cỡ, có dự án được "vẽ" ra với quy mô hàng tỷ đô la, hiện Bình Dương mới chỉ có số ít dự án được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại, còn lại nhiều khu đô thị hơn 10 năm qua vẫn còn dang dở, bỏ hoang không người ở.

Một xu hướng thấy rõ, có nhiều doanh nghiệp địa ốc lớn đã tính chuyện bán đứt dự án, rút khỏi thị trường Bình Dương, hoặc bắt tay hợp tác cùng đối tác khác để cầm cự, và cũng có tình trạng chủ dự án ký gửi toàn bộ tài sản của mình cho các sàn môi giới muốn làm gì thì làm, thu từng đồng bạc lẻ nếu số sản phẩm còn lại bán được.

Từ năm 2005, thị trường nhà đất tỉnh Bình Dương khá hấp dẫn đối với người mua từ các tỉnh/ thành khác, đặc biệt là từ Tp.HCM và Hà Nội. Hầu hết người mua là các nhà đầu tư dài hạn nhằm kiếm lời từ nhà đất tăng giá hoặc cho thuê.

Ảnh minh họa 

Đơn cử như Tập đoàn Đất Xanh, được biết đến như một nhà môi giới đi lên từ Bình Dương thì nay công ty này gần như rút khỏi thị trường này, nhằm đẩy mạnh đầu tư ở các địa phương khác như TP.HCM, Đà Nẵng, Phú Quốc, Long An và Đồng Nai.

Theo lý giải của Giám đốc một công ty BĐS, Bình Dương được quy hoạch rất bài bản, đồng bộ và đầu tư hạ tầng khá tốt nên đã thu hút được khá nhiều DN địa ốc lớn, và những nhà môi giới lớn như Đất Xanh đến làm ăn. Tuy nhiên, cũng vì sự phát triển "nóng" trước đây nên hiện cung - cầu đất nền ở Bình Dương đang có sự lệch pha. Giai đoạn 2003-2006 nhà đất Bình Dương luôn ở tình trạng "sốt" nên những nhà môi giới lớn như Đất Xanh hoạt động rất tốt, và họ cũng đã dự đoán được đó là thời đỉnh điểm nên đã dần rút khỏi thị trường này để chuẩn bị cho chiến lược mới ở nơi khác.

Hay như một doanh nghiệp khác là Công ty Tổ chức phát triển nhà quốc gia (N.H.O) cũng đã từng công bố nhiều dự án hợp tác với các nhà đầu tư Singapore sẽ được xây dựng tại đây. Tuy nhiên, khi thị trường "ảm đạm" kéo dài, doanh nghiệp này đã bán lại dự án nằm ngay mặt tiền Quốc lộ 13 cho một đối tác trong nước. Nhà đầu tư Nhật Bản đang đầu tư vào dự án Tokyu Bình Dương bằng việc hợp tác với Becamex cũng đang tìm cách thoái vốn.

Nhiều dự án điển hình như Ecolakes Mỹ Phước đang là nơi sa lầy của rất nhiều nhà đầu tư. Đã nhiều năm qua họ chấp nhận cắt lỗ rao bán biệt thự, nền đất nhưng cũng không tìm được người mua. Có khá nhiều dự án BĐS hoành tráng được đầu tư xây dựng cả khu biệt thự cao cấp nhưng thiếu người ở. Nhiều dự án đô thị mới với hàng loạt dãy nhà bị bỏ hoang,, nhiều con đường vắng lặng người dân, cỏ dại mọc len lỏi, mặt đường đầy rác thải,...

Theo nhiều chuyên gia nhận định, chính việc quy hoạch bài bản và đồng bộ thành phố mới Bình Dương quy mô 1.000ha, sẽ là trung tâm đã tạo nên sự kỳ vọng rất lớn của các doanh nghiệp BĐS trong vào ngoài nước không ngần ngại rót vốn đầu tư vào các dự án.

Có thể kể tới nhiều dự án "khủng" đã được đăng ký và cấp phép đầu tư như Tokyu Bình Dương với vốn đầu tư 1,2 tỷ USD, do Công ty TNHH Becamex Tokyu, liên doanh giữa Tập đoàn Tokyu Nhật Bản và Tập đoàn Becamex IDC của Việt Nam đầu tư. Ngoài ra, còn phải kể đến hàng loạt dự án khác như Khu công nghệ kỹ thuật cao Mapletree của Singapore; phố Golden Town, dự án Aroma; dự án khách sạn cao cấp và căn hộ của công ty N.H.O…

Tuy nhiên, khi cơn khủng hoảng thị trường bất động sản "càn quét" liên tiếp từ các năm 2008-2013, hàng loạt dự án nhà ở tại tỉnh này đều rơi vào tình trạng "đóng băng" mãi cho đến tận thời điểm hiện nay. Nhiều năm qua, rất nhiều chủ đầu tư lớn nhỏ, ngay cả các công ty môi giới thứ cấp cũng đã phải "khóc ròng" trên đống tài sản không thể nào bán được.

Nhiều công ty đã đổ ra hàng tỷ đồng để chạy chiến lược quảng bá, vực dậy dự án nhưng đến nay mọi thứ vẫn rất "im ắng". Tại đây, hàng ngày vẫn diễn ra hiện tượng người rao bán nhà đất thì nhiều nhưng người mua thì không nhiều!

Theo ông Ngô Quang Phúc, Phó tổng giám đốc Him Lam Land, Bình Dương hơn 10 năm qua được quy hoạch rất tốt, từ chính sách quản lý, hệ thống giao thông đến cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, do các loại hình bất động sản phần lớn không phải đáp ứng nhu cầu ở thực, dẫn đến nhiều khu vực "nhà thì có, người ở thì không", đô thị để hoang.

Theo ông Phúc, mức sống của người dân Bình Dương không cao, đa phần là công nhân lao động nên nhu cầu mua BĐS cao cấp không nhiều. Trong khi đó, nhiều chủ đầu tư trước đây lại phát triển nhiều dự án khá cao cấp. Chỉ xây lên rồi bán chứ không chú trọng phát triển hạ tầng xã hội, tiện ích thì không ai về sinh sống là điều dễ hiểu.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top