Cùng với những áp lực bán mạnh từ nhà đầu tư trong nước, khối ngoại đã có phiên bán ròng thứ 11 liên tiếp và với danh mục tập trung chủ yếu là bluechip, giá trị bán ròng trong phiên 13/12 đạt hơn 860 tỷ đồng. Trong 6 tháng nửa cuối năm tính đến ngày 13/12, giá trị bán ròng của nhà đầu tư ngoại lên tới 20.262 tỷ đồng, vượt xa giá trị bán ròng của năm 2020 (-15.741 tỷ đồng).
Việc khối ngoại bán ròng liên tục không phải là điều quá lạ, việc chốt lời cuối năm là điều dễ hiểu nhưng với tần suất và khối lượng cao đột biến như vậy thì không nhiều đã buộc các nhà đầu tư phải đặt câu hỏi vì sao? Liệu có phải đến từ nội tại kinh tế Việt Nam hay vì lý do nào khác.
Theo giới chuyên gia, xu hướng rút ròng vốn từ các thị trường mới nổi về đang là xu hướng chung của các quỹ đầu tư có thể đến từ các lý do sau:
Thứ nhất, lạm phát tại Mỹ có xu hướng giảm từ đỉnh về mức mục tiêu của Fed. Dự báo cho năm 2024, các ngân hàng đầu tư lớn đều cho rằng lạm phát đã đạt đỉnh và đi dần về mức khoảng 2,3%. Điều đó kỳ vọng việc Fed sẽ sớm giảm lãi suất tăng lên.
Lý do thứ hai, Moody’s - một tổ chức đánh giá tín dụng uy tín hàng đầu trên thế giới thành lập năm 1914 đã nhận định tăng trưởng toàn cầu trong năm 2024 sẽ chậm lại. Do đó, xu hướng chung của đầu tư sẽ là lạm phát thấp và tăng trưởng thấp.
Tăng trưởng thấp kéo theo kỳ vọng về thị trường chứng khoán sẽ giảm sút, trước bối cảnh đó, các nhà đầu tư hoặc nhà quản lý quỹ sẽ chuyển dịch đầu tư sang trái phiếu vì nó sẽ có mức lãi suất tốt và họ bắt đầu đón đợi thời điểm Fed cắt giảm lãi suất thì giá của trái phiếu cũng sẽ tăng.
Bên cạnh đó, cũng có không ít nhà đầu tư lo ngại, lý do bán ròng mạnh của khối ngoại đến từ nội tại của kinh tế Việt Nam. Hiện nay, kinh tế Việt Nam vẫn còn khó khăn chung nhưng vẫn được đánh giá là tích cực hơn so với các nước trong khu vực khi các vấn đề về tỷ giá, pháp lý, thuế quan... đang được Nhà nước kiểm soát tốt.
Không riêng Việt Nam, các nước thuộc dạng thị trường mới nổi trong khu vực thậm chí còn bị rút ròng vốn mạnh hơn nữa. Trong 11 tháng của năm 2023, Indonesia bị rút ròng (822 triệu USD), Malaysia (569 triệu USD), Phillippines (856 triệu USD), Thái Lan (5,5 tỷ USD).
Có thể thấy, nhà đầu tư cá nhân trong nước chiếm tới 90% tổng giao dịch chứng khoán nhưng việc nhà đầu tư nước ngoài liên tiếp bán ròng cổ phiếu tác động đáng kể tới thị trường, đặc biệt là vấn đề tâm lý./.