Aa

Vì sao sân bay Vân Đồn được chọn là nơi đón người Việt từ vùng dịch về?

Thứ Năm, 26/03/2020 - 15:30

Một quy trình đặc biệt chưa từng có đón người Việt từ vùng dịch về nước đã được người Sun Group xây dựng tại sân bay Vân Đồn để đảm bảo an toàn tối đa, tránh mọi nguy cơ lây nhiễm.

Đó là chia sẻ của Giám đốc Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn Phạm Ngọc Sáu.

Quy trình tối ưu

PV: Sau khi liên tiếp phát hiện nhiều du khách nước ngoài và người Việt về nước dương tính với Covid-19, dư luận đang rất quan tâm đến quy trình đón các chuyến bay từ vùng dịch sao cho đảm bảo an toàn, tránh lây nhiễm chéo. Tổng kết lại quy trình đón các chuyến bay từ vùng dịch tại sân bay Vân Đồn, ông rút ra những kinh nghiệm gì?

Ông Phạm Ngọc Sáu: Sân bay Vân Đồn đã xây dựng quy trình đặc biệt đón các chuyến bay từ vùng dịch. Đó là một quy trình hoàn toàn ngoài trời, tại sân đỗ máy bay, không ảnh hưởng tới hoạt động của nhà ga. Máy bay đậu ở bãi đỗ xa, sau đó xe bus chở hành khách đến khu vực làm thủ tục gồm: kiểm tra thân nhiệt, làm tờ khai y tế điện tử, thủ tục xuất nhập cảnh, hải quan, lấy hành lý, sau đó lên các xe quân sự đi thẳng đến nơi cách ly.

Thời gian làm thủ tục mỗi chuyến hiện chỉ khoảng một giờ, sau đó sẽ khử trùng tàu bay và xử lý rác thải nguy hại. Vậy nên có lần chúng tôi đón liên tiếp 3 chuyến bay về từ châu Âu chỉ mất khoảng hơn 2 giờ.

Chúng tôi có thể tin tưởng rằng quy trình hiện nay là tối ưu, hạn chế ở mức thấp nhất việc lây nhiễm chéo cho đội ngũ nhân viên cũng như giữa các hành khách với nhau.

Ông Phạm Ngọc Sáu - Giám đốc Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn

PV: Được biết, những chuyến bay “giải cứu” thường xuyên thay đổi và thông báo gấp gáp. Vậy sân bay đã chuẩn bị thế nào để đảm bảo điều kiện tốt nhất?

Ông Phạm Ngọc Sáu: Thông tin bị động nên đội ngũ nhân viên luôn phải trực sẵn. Chúng tôi đã lên kế hoạch cụ thể, bố trí từ nhân lực, phương tiện cho tới các phương án đột xuất. Thời gian qua, sân bay đã đón các chuyến bay từ vùng dịch một cách trôi chảy, đảm bảo đúng quy trình.

Chúng tôi có nhóm chia sẻ thông tin nhanh, gồm tất cả các đơn vị liên quan từ tỉnh Quảng Ninh, Sở Y tế đến các đơn vị phục vụ tại sân bay. Tất cả thông tin được chia sẻ thông suốt, thống nhất phương án rồi triển khai đồng bộ nên việc đón các chuyến bay diễn ra nhanh chóng.

PV: Thưa ông, có phải do quy trình khép kín và đưa đi cách ly luôn như vậy nên trường hợp bệnh nhân số 18 mắc Covid-19, sau khi từ Hàn Quốc về sân bay Vân Đồn đã không thể lây nhiễm cho bất kỳ ai, tránh mọi nguy cơ cho cộng đồng?

Ông Phạm Ngọc Sáu: Tránh lây nhiễm chéo cho nhân viên và hành khách là ưu tiên hàng đầu. Do đó chúng tôi đã thống nhất phương án từ đầu, tính toán từng chi tiết nhỏ nhất như làm toilet di động để khách không dừng dọc đường… Ngay sau khi khách làm xong thủ tục sẽ được đưa lên xe của lực lượng quân sự, đưa đến các điểm cách ly, tránh lộn xộn hay tiếp xúc không cần thiết.

PV: Những kinh nghiệm đã có trong việc ứng phó với các dịch bệnh như MERS-CoV, cúm A(H1N1), Ebola… đã giúp ông thế nào khi ứng dụng vào công tác chống dịch tại sân bay Vân Đồn?

Ông Phạm Ngọc Sáu: Kinh nghiệm trước đây hỗ trợ tôi rất nhiều trong chọn giải pháp. Trước khi có hướng dẫn cụ thể của Bộ Y tế, sân bay đã phát khẩu trang cũng như sử dụng chất tẩy trùng để làm sạch các bề mặt tiếp xúc trong nhà ga. Hay việc sử dụng chất khử trùng tàu bay, bằng kinh nghiệm đã có, chúng tôi nhận biết phải dùng loại nào phù hợp, cách xử lý thế nào. Rồi việc đưa ra quy trình xử lý trong thời gian nhanh nhất, hay 2 chuyến bay đến cùng lúc thì dựa trên nguyên tắc làm xong chuyến này mới đến chuyến kia, không để lây nhiễm chéo.

Hướng dẫn hành khách làm thủ tục hải quan khi nhập cảnh tại sân bay Vân Đồn

“Tuy mệt nhưng em luôn sẵn sàng”

PV: So với chuyến bay giải cứu đầu tiên từ Trung Quốc, chắc hẳn CBNV làm việc ở sân bay đã ổn định tâm lý hơn rất nhiều khi đón các chuyến bay từ Hàn Quốc, châu Âu vừa qua. Là “tư lệnh” của sân bay Vân Đồn, ông đã có cách nào giúp ổn định tâm lý cho CBNV?

Ông Phạm Ngọc Sáu: Trong hoàn cảnh nguy hiểm, ai cũng lo lắng. Với vai trò lãnh đạo, chúng tôi không yêu cầu nhân viên của mình dấn thân vào những công việc nguy hiểm mà không có biện pháp phòng hộ. Chúng tôi phải có trách nhiệm tìm ra giải pháp an toàn nhất, đưa ra chỉ đạo, hướng dẫn rõ ràng để họ yên tâm.

Trước tiên phải giúp anh em hiểu được cơ chế lây nhiễm. Mình vừa động viên, vừa hướng dẫn anh em tuân thủ các bước trong phòng dịch. Hơn nữa, sân bay cũng là môi trường an toàn để anh em yên tâm làm việc vì thường xuyên được khử trùng.

Tôi cũng luôn khích lệ anh em, chia sẻ đây là công việc mang ý nghĩa cộng đồng và xã hội. Sân bay Vân Đồn đang góp sức cùng cả nước trong công cuộc chống dịch, ngăn ngừa mọi nguồn lây nhiễm ra ngoài cộng đồng. Và dần dà, khi tâm lý đã ổn định, chính các anh em lại trang bị sẵn cho mình một tâm thế sẵn sàng, niềm tự hào khi tham gia vào công việc ý nghĩa này.

Xe chở hành lý được khử trùng sau khi đón chuyến bay

PV: Theo ông, tại sao một sân bay rất trẻ, chỉ hơn 1 tuổi, lại có thể thực hiện tốt trọng trách đón các chuyến bay từ vùng dịch, đảm bảo an toàn như vậy?

Ông Phạm Ngọc Sáu: Sân bay Vân Đồn là sân bay tư nhân mới được đưa vào khai thác. Quan điểm của chúng tôi là đào tạo nhân viên về tinh thần trước khi đào tạo về chuyên môn. Chuyên môn là rất cần thiết nhưng tinh thần, trách nhiệm, văn hóa là điều rất quan trọng để tạo nên một tập thể mạnh. Trước khi đón các chuyến bay, chúng tôi phải rà soát tất cả quy trình, trang thiết bị và con người có đảm bảo phục vụ hay không.

Con người, phương tiện và quy trình chính là 3 mũi nhọn tạo nên sức mạnh của chúng tôi, đảm bảo cho việc khai thác sân bay tốt nhất. Đây là lý do tại sao chúng tôi luôn phục vụ ở tâm thế tốt nhất.

CBNV sân bay có được tính kỷ luật, sự vững tin và sẵn sàng cống hiến với lòng yêu nước là nhờ văn hóa của Tập đoàn Sun Group. Chính sự vững tin, tinh thần sẵn sàng giúp đỡ đã lan tỏa đến những hành khách, làm cho họ yên tâm hơn, không còn lo lắng, sợ hãi khi tới một vùng đất xa lạ.

PV: Có câu chuyện nào khiến ông thực sự cảm động trong quá trình đón các chuyến bay từ vùng dịch về nước?

Ông Phạm Ngọc Sáu: Tôi xúc động khi thấy nhiều anh em ban ngày phục vụ các chuyến bay theo lịch, đến khi nhận thông tin chuyến giải cứu, vẫn sẵn sàng phục vụ tiếp, bất kể nửa đêm hay sáng sớm, mưa rét… Họ luôn nhiệt huyết, sẵn sàng nhận nhiệm vụ đột xuất. Nhiều khi xử lý xong việc là trời sáng, họ lại bắt đầu ngày làm việc mới. Có anh em đã chia sẻ với tôi: “Tuy mệt nhưng chúng em vẫn sẵn sàng”.

Hay hình ảnh bạn nhân viên nữ vẫn mặc nguyên đồ bảo hộ bế em bé từ Hàn Quốc về đang khát sữa, cho em bú bình, vỗ về để em khỏi khóc. Đó là những hình ảnh ấm áp tình người trong thời khắc khó khăn của dịch bệnh.

PV: Theo ông, đâu là những bài học kinh nghiệm rút ra để chúng ta có thể đảm bảo tốt nhất việc đón các chuyến bay đặc biệt đưa công dân Việt Nam từ vùng dịch trở về?

Ông Phạm Ngọc Sáu: Kinh nghiệm lớn nhất chính là sự phối hợp. Các đơn vị cần phân rõ trách nhiệm, ai làm gì và phải hoàn thành nhiệm vụ được giao, tránh chồng chéo làm chậm tiến trình, đặc biệt là tránh việc thiếu trách nhiệm. Chỉ một công đoạn không hoàn thành thì các công đoạn sau sẽ bị ảnh hưởng.

Sân bay quốc tế Vân Đồn (xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) có tổng vốn đầu tư 7.463 tỷ đồng. Đây là sân bay quốc tế tư nhân đầu tiên do Sun Group đầu tư tại Việt Nam và hoàn thành chỉ sau 2 năm thi công xây dựng.

Sân bay quốc tế Vân Đồn là cảng hàng không cấp 4E (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế - ICAO), có thể đón tất cả các loại máy bay hiện đại bậc nhất trên thế giới như Boeing 787, với 7 vị trí đỗ, trong đó 3 bãi đỗ xa và 4 bãi đỗ gần. Hiện sân bay Vân Đồn đang khai thác các chặng bay nội địa tới TP.HCM, Đà Nẵng và các đường bay quốc tế tới Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top