Không sai...
Như đã thông tin ở bài viết trước, nếu hoàn thành việc chuyển nhượng cổ phần, Công ty cổ phần Cromit Nam Việt sẽ trở thành tổ chức kinh tế có 100% vốn đầu tư nước ngoài.
Về pháp lý, việc Công ty hữu hạn thương mại và công nghiệp Thanh Long Giang Tô thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào Công ty cổ phần Cromit Nam Việt là phù hợp với quy định Điều 46 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư (việc góp vốn mua cổ phần, phần vốn góp dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài nắm giữa 51% vốn điều lệ trở lên của tổ chức kinh tế, nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục đăng ký vốn, mua cổ phần, phần vốn góp theo quy định tại Khoản 2, Điều 26 Luật Đầu tư cho Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi tổ chức kinh tế đặt trụ sở chính).
Ngoài ra, Công ty cổ phần Cromit Nam Việt được Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hóa cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp công ty cổ phần số 28011720029 đăng ký lần đầu 23/9/2008, đăng ký thay đổi lần thứ 5 ngày 20/12/2012 với 4 ngành nghề gồm: Sản xuất sắt, thép, gang; sản xuất kim loại màu và kim loại quý; khai thác quặng kim loại khác không chứa sắt; kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.
Theo cơ quan có thẩm quyền, các ngành nghề sản xuất của Công ty cổ phần Cromit Nam Việt không thuộc phạm vi điều chỉnh của Biểu cam kết thương mại dịch vụ của Việt Nam trong WTO, đồng thời ngành nghề này không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.
Nhưng phải cẩn trọng
Tại Thanh Hóa, thời gian vừa qua, việc giải quyết thủ tục đầu tư cho một số trường hợp nhà đầu tư nước ngoài đăng ký đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong tổ chức kinh tế đã phát sinh một số hiện tượng, vấn đề bất cập trong quá trình tiếp nhận thẩm định dự án.
Theo đó một số nhà đầu tư nước ngoài đã thông qua một số cá nhân Việt Nam để thành lập mới các tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp (theo hình thức TNHH một thành viên, 2 thành viên trở lên, công ty cổ phần) với một số ngành nghề không có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài, sau đó đề nghị mua lại 100% phần vốn góp bên Việt Nam ngay sau khi đăng ký thành lập doanh nghiệp để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Luật Đầu tư năm 2014 về việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong tổ chức kinh tế là rất thông thoáng. Cơ quan có thẩm quyền chỉ thẩm định điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo các ngành nghề đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp, không có cơ sở yêu cầu nhà đầu tư bổ sung các hồ sơ, tài liệu khác để thẩm định về xuất xứ công nghệ, năng lực tài chính, phương án sử dụng lao động, phương án sản xuất kinh doanh.
Do đó, trong một số trường hợp cụ thể, cơ quan có thẩm quyền rất khó khăn trong việc phát hiện hiện tượng “núp bóng” đầu tư, hoạt động rửa tiền, đặc biệt là việc rửa tiền thông qua “núp bóng” đầu tư vào các dự án hạ tầng bất động sản tại các vị trí “nhạy cảm”.
Thực tế, thời gian vừa qua, có một số tình trạng nhà đầu tư nước ngoài lợi dụng sự thông thoáng của pháp luật về đầu tư, quy định của Chính phủ về góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong tổ chức kinh tế, đã thông qua một số cá nhân người Việt Nam để thành lập doanh nghiệp hoặc mua lại phần vốn góp của bên Việt Nam tại các dự án đất được cho là “nhạy cảm”, ít nhiều ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng.
Có tình trạng doanh nghiệp, cá nhân Trung Quốc “núp bóng” người Việt mua bán bất động sản tại các khu vực ven biển hoặc vị trí liên quan đến an ninh quốc phòng sau đó chuyển mục đích sử dụng đất ở sang thương mại, dịch vụ, hoặc đầu tư thuê diện tích đất dọc ven biển, khu vực biên giới biển, biên giới đất liền cũng là vấn đề đáng lưu tâm.
Ngoài ra, không ít doanh nghiệp có quốc tịch nước ngoài bằng cách hay hay cách khác thực hiện việc mua bán cổ phần của công ty dự án và đầu tư trực tiếp vào các dự án sau đó chuyển nhượng ở nước ngoài để trốn tránh nghĩa vụ tại Việt Nam; có dấu hiệu trốn thuế hoạt động chuyển giá trốn thuế tại một số dự án lớn gây thất thu ngân sách...
Quay trở lại vụ việc doanh nghiệp Trung Quốc trên đà thâu tóm Cromit Nam Việt, nhiều ý kiến băn khoăn rằng, đây là khu vực khá "nhạy cảm" về an ninh quốc phòng, bởi vị trí nhà máy Ferocrom gần trường bắn tổng hợp của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh với quy mô 200ha, được bổ Tổng Tham mưu - Bộ Quốc phòng phê duyệt. Vị trí này hiện đang được UBND huyện Triệu Sơn giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, vị trí nhà máy này tiềm ẩn nguy cơ khiếu kiện, gây phức tạp tình hình an ninh trật tự địa phương bởi doanh nghiệp này có “tiền sử” gây ô nhiễm môi trường.
Như vậy, việc đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế, xã hội gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong trường hợp này cần được cơ quan có thẩm quyền tính toán, cân nhắc thật kỹ trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.