Aa

VIC và VHM tăng trần trong phiên VN-Index lên hơn 40 điểm

Thứ Tư, 03/02/2021 - 06:00

Nhóm cổ phiếu bất động sản vốn hóa lớn có phiên giao dịch tích cực hôm 2/2, trong đó VIC và VHM tăng trần, tạo động lực rất lớn giúp VN-Index bứt phá.

Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục đi theo cách khiến nhà đầu tư bối rối. Thị trường liên tục có những phiên tăng, giảm điểm mạnh đan xen nhau với biên độ rất lớn. Sau phiên giảm sâu hôm 1/2, thị trường chứng khoán phiên 2/2 lại hồi phục rất mạnh trở lại với sự bứt phá của nhiều cổ phiếu trụ cột.

Đà tăng của thị trường chỉ thực sự mạnh vào khoảng thời gian cuối phiên sáng, lực cầu bất ngờ tăng vọt và giúp nhiều cổ phiếu trụ cột bứt phá. Tâm điểm của phiên 2/2 là bộ 3 cổ phiếu họ Vingroup gồm VIC, VHM và VRE. Trong đó, VIC và VHM đều được kéo lên mức giá trần với lần lượt 105.900 đồng/cp và 94.400 đồng/cp. Đây cũng là 2 cổ phiếu có đóng góp lớn nhất vào đà tăng của VN-Index với lần lượt 6,49 điểm (0,63%) và 5,58 điểm (0,54%). Còn đối với VRE, cổ phiếu này tuy không được kéo lên mức giá trần nhưng kết phiên vẫn tăng đến 6,5% lên 31.950 đồng/cp.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index. Nguồn: Fialda

Bên cạnh đó, các cổ phiếu trụ cột như VCB, VNM, HPG, CTG, TCB, VPB hay SAB cũng tăng giá rất mạnh và giúp củng cố vững sắc xanh của VN-Index.

Ngoài bộ 3 cổ phiếu họ Vingroup, các cổ phiếu bất động sản vốn hóa lớn như BCM, NVL, THD… cũng giữ được sự tích cực. THD tăng mạnh 1,9% lên 164.000 đồng/cp. IDC tăng 5,2% lên 36.400 đồng/cp.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index. Nguồn: Fialda

Còn đối với các cổ phiếu bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ, sự tích cực cũng quay trở lại, trong đó, các mã giảm sàn nhiều phiên vừa qua như FLC hay KBC được bắt đáy mạnh dù đầu phiên vẫn còn bị bán xuống mức giá sàn. Chốt phiên, FLC và KBC đều tăng kịch trần và trắng bên bán. Bên cạnh đó, DXG sau phiên giảm sàn trước đó cũng tăng trần trở lại lên 19.500 đồng/cp. Ngoài ra, HDG cũng tăng 6,2% lên 37.450 đồng/cp, HDC tăng 6,1% lên 36.700 đồng/cp, NDN tăng 5,3% lên 20.000 đồng/cp, CRE tăng 3,9% lên 23.900 đồng/cp, DIG tăng 3,4% lên 27.700 đồng/cp.

Ở chiều ngược lại, vẫn còn nhiều cổ phiếu bất động sản đi ngược xu hướng tăng của thị trường chung như ITA, FIT, ASM… vẫn bị kéo xuống mức giá sàn. Như vậy, ITA đang có chuỗi 6 phiên giảm liên tiếp trong đó có 4 phiên giảm sàn. ITA mới công bố BCTC quý IV/2020 với việc lỗ 10 tỷ đồng. Luỹ kế cả năm 2020, lợi nhuận sau thuế đạt 177,3 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ, trong đó lợi nhuận sau thuế công ty mẹ là 174 tỷ đồng.

Trong khi đó, FIT đã giảm sàn 8 phiên liên tiếp và thị giá rơi từ 21.750 đồng/cp xuống chỉ còn 12.350 đồng/cp.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 40,02 điểm (3,86%) lên 1.075,53 điểm. Toàn sàn có 331 mã tăng, 130 mã giảm và 30 mã đứng giá. HNX-Index tăng 6,51 điểm (3,12%) lên 215,36 điểm. Toàn sàn có 105 mã tăng, 67 mã giảm và 56 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,58 điểm (0,82%) lên 71,66 điểm.

Thanh khoản trên hai sàn niêm yết tiếp tục giảm nhẹ so với phiên trước đó và thấp hơn mức trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 14.664 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch 713 triệu cổ phiếu, trong đó giao dịch thỏa thuận chiếm 1.621 tỷ đồng.

Vẫn có đến 4 cổ phiếu bất động sản nằm trong top 10 mã khớp lệnh mạnh nhất toàn thị trường. FLC đứng đầu nhóm ngành này với 26,8 triệu cổ phiếu, tiếp theo là ITA với 20 triệu cổ phiếu. HQC và KBC khớp lệnh lần lượt 14,6 triệu cổ phiếu và 14,3 triệu cổ phiếu.

10 cổ phiếu có giá trị mua/bán ròng của khối ngoại lớn nhất. Nguồn: Fialda.

Khối ngoại duy trì đà mua ròng trên HoSE trong khi bán ròng trên 2 sàn còn lại. Dù vậy tính chung toàn thị trường, dòng vốn này mua ròng hơn 85 tỷ đồng. Trong top 10 mã được khối ngoại mua ròng mạnh nhất có đến 5 mã bất động sản là VHM, KBC, VIC, DXG và PDR. Chiều ngược lại, VRE bị bán ròng mạnh nhất với 54 tỷ đồng. NVL và KDH là 2 cổ phiếu bất động sản cũng nằm trong danh sách bị khối ngoại bán ròng mạnh.

Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), VN-Index dự báo sẽ tiến đến thử thách vùng kháng cự 1.085 - 1.100 điểm trong phiên 3/2. Tuy nhiên, diễn biến hồi phục của thị trường có thể sẽ không còn diễn ra trên diện rộng mà thay vào đó là sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu. Kỳ nghỉ lễ dài ngày đang đến gần có thể sẽ khiến cho dòng tiền vào thị trường bị hạn chế trong giai đoạn này. Về tổng thể, chỉ số đang bước vào nhịp hồi phục ngắn hạn nhưng diễn biến thị trường có thể sẽ bắt đầu có sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top