Aa

Thị trường chứng khoán Việt Nam biến động tiêu cực trong tuần từ 25 - 29/1

Chủ Nhật, 31/01/2021 - 06:00

Nhìn lại cổ phiếu BĐS tuần cuối cùng của tháng 1/2021 trong đó, đa số các cổ phiếu bất động sản đều giảm giá.

Thị trường chứng khoán tuần từ 25 - 29/1 tiếp tục có sự điều chỉnh với áp lực bán rất mạnh ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. VN-Index trong tuần có phiên giảm kỷ lục về mặt tuyệt đối hôm 28/1. Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index đứng ở mức 1.056,61 điểm, tương ứng giảm 110,17 điểm (-9,4%) so với tuần trước đó. HNX-Index giảm 25,91 điểm (-10,8%) xuống 214,21 điểm. UPCoM-Index giảm 5,52 điểm (-7,1%) xuống 72,08 điểm.

Hầu hết các nhóm ngành cổ phiếu đều giảm so với tuần trước và bất động sản cũng chung xu thế này. Thống kê 113 cổ phiếu bất động sản giao dịch trên thị trường chứng khoán thì trong tuần qua có đến 87 mã giảm giá so với tuần trước đó, trong khi chỉ có 18 mã tăng giá.

Cổ phiếu bất động sản giảm mạnh nhất tuần từ 25-29/1 là DLR của Địa ốc Đà Lạt với 32,2%. Tuy nhiên, đà giảm của cổ phiếu này không đến từ xu thế chung, DLR trong tuần chỉ có duy nhất 1 phiên xuất hiện giao dịch (29/1) và biên độ phiên đó lên đến 40% do cổ phiếu này không có giao dịch trong 25 phiên liên tiếp. Thông tin khiến DLR giảm sâu ở phiên 29/1 khả năng đến từ việc Tổng Giám đốc Lê Thị Kim Chính và người có liên quan đăng ký bán ra một lượng lớn cổ phiếu. Cụ thể, bà Chính đăng ký bán toàn bộ 479.100 cổ phiếu DLR (tỷ lệ 10,65%).

Bên cạnh đó, bà Đặng Thị Thanh Vân (Con gái bà Chính) cũng đăng ký bán hết 242.600 cổ phiếu DLR (tỷ lệ 5,39%). Cuối cùng là CTCP Đầu tư Nguyên Giáp – Nơi bà Chính là Tổng Giám đốc cũng đăng ký bán toàn bộ 145.600 cổ phiếu (tỷ lệ 3,24%). Cả 3 giao dịch dự kiến được thực hiện từ 29/1 đến 26/2.

20 cổ phiếu bất động sản giảm giá mạnh nhất.

Đứng thứ 2 trong danh sách giảm giá ở nhóm bất động sản là cổ phiếu PWA của CTCP Bất động sản Dầu khí với 26%. Trong tuần PWA chỉ có duy nhất 1 phiên tăng điểm cùng chiều với sự hồi phục của thị trường chung. Trong khi đó, cả 4 phiên còn lại cổ phiếu này đều giảm trên 2%.

Bên cạnh đó, các cổ phiếu bất động sản thanh khoản cao như PFL của CTCP Dầu khí Đông Đô, PVL của CTCP Đầu tư Nhà đất Việt, VRC của Bất động sản và Đầu tư VRC, HQC của CTCP Tư vấn-Thương mại-Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân, ITA của CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo, DIG của Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng…. cũng đồng loạt lao dốc.

DIG giảm 18,6% dù kết quả kinh doanh mới được công bố là hết sức tích cực. Lãi sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 506 tỷ đồng, tăng 54% so với quý IV/2019. Lợi nhuận cả năm ở mức 631 tỷ đồng, tăng 49% so với năm trước. So với kế hoạch năm, tổng công ty hoàn thành 99,7% kế hoạch 650 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu HIZ của CTCP Khu công nghiệp Hố Nai gây bất ngờ khi tăng đến 51,7% bất chấp thị trường chứng khoán lao dốc. Trong tuần HIZ vẫn có đến 3 phiên tăng trần, nhưng cổ phiếu này nằm trong diện thanh khoản rất thấp và 2 phiên cuối tuần thậm chí còn không có giao dịch khớp lệnh.

10 cổ phiếu bất động sản tăng giá mạnh nhất.

Cổ phiếu SJS của CTCP Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu Công nghiệp Sông Đà cũng gây bất ngờ khi tăng 21,8%. Bên cạnh đó, một số cái tên đáng chú ý cũng tăng tốt trong tuần qua ở nhóm bất động sản là HPX của CTCP Đầu tư Hải Phát, FLC của Tập đoàn FLC…

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2020, FLC lãi sau thuế hơn 2.500 tỷ gấp gần 5 lần so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế cả năm 2020, lợi nhuận sau thuế đạt 183 tỷ, trái ngược với kế hoạch lỗ 1.957 tỷ đồng mà cổ đông thông qua tại đại hội thường niên.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top