Aa

Viện trưởng Viện KSND Tối Cao: “Cẩn trọng không hình sự hóa các quan hệ kinh tế”

Ngọc Quang
Ngọc Quang ngocquangbc@gmail.com
Thứ Ba, 08/11/2022 - 10:50

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý trong báo cáo của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, do Viện trưởng Lê Minh Trí trình bày sáng 8/11/2022 tại Quốc hội.

Ông Lê Minh Trí - Viện trưởng Viện KSND Tối cao cho biết, năm 2022 tình hình an ninh chính trị được bảo đảm nhưng tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều lĩnh vực, trong đó tội phạm kinh tế nổi lên các sai phạm trong các lĩnh vực chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, hoạt động đấu thầu, đấu giá tài sản, đấu giá, mua sắm công, cổ phần hóa, đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tài chính, ngân hàng, thuế, lợi dụng chính sách phát triển kinh tế - xã hội...

Theo Viện trưởng VKSND Tối cao, công tác giải quyết các vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế tiếp tục đạt kết quả tích cực; đã khởi tố, điều tra, truy tố nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng; phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra trong việc áp dụng các biện pháp thu hồi tài sản trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế. Cụ thể, đã thu hồi hơn 9.533 tỷ đồng; thu 50.000 USD; phong tỏa 32.110.71 USD; kê biên 116 Bất động sản và 159,565 cổ phần, cổ phiếu; 175 lượng vàng SJC; thu hồi 393.115,3 m2 đất…

Toàn ngành Kiểm sát nhân dân đã có nhiều nỗ lực, đảm bảo các hoạt động theo chức năng nhiệm vụ, góp phần giữ vững tình hình an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng đấu tranh, phát hiện, khởi tố mới 81.756 vụ án hình sự, giảm 4.276 vụ so với năm 2021 (4,9%), trong đó các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, sở hữu và môi trường giảm nhiều nhất, đã khởi tố 31.711 vụ, giảm 2.628 vụ (7,6%), đáng lưu ý đã khởi tố điều tra nhiều hành vi vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý thị trường chứng khoán với thủ đoạn tinh vi, phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của thị trường tài chính, chứng khoán Việt Nam và hành vi phát hành trái phiếu trái quy định nhằm chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn.

Một số loại tội phạm có số vụ khởi tố mới tăng như: Tội phạm về tham nhũng, chức vụ tăng nhiều nhất, đã khởi tố mới 501 vụ, tăng 137 vụ (37,6%), chủ yếu xảy ra trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quản lý đất đai, đầu tư các dự án...

Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao tiếp tục tăng cường trách nhiệm công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm, kết quả đạt và vượt các chỉ tiêu công tác của Quốc hội

“Xác định chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm và chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của Ngành, Viện trưởng VKSND tối cao đã chỉ đạo tập trung kiểm sát điều tra, truy tố các vụ án tham nhũng theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực; nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, truy tố, tranh tụng của Kiểm sát viên tại các phiên tòa; thực hiện nghiêm nguyên tắc suy đoán vô tội, “trọng chứng hơn trọng cung”, “án tại hồ sơ”, không được suy đoán, chứng cứ đến đâu xử lý đến đấy. Cẩn trọng không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, tạo điều kiện cho người vi phạm khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật”, ông Lê Minh Chí cho biết.

Ngoài ra, Viện KSND Tối cao kiến nghị Quốc hội xem xét chỉ đạo rà soát và kịp thời ban hành, bổ sung điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật, đáp ứng các yêu cầu: Kỷ cương, đồng bộ, chặt chẽ, thống nhất, đầy đủ và có hành lang pháp lý an toàn, hạn chế rủi ro cho người thực hiện để đảm bảo năng động, sáng tạo nhằm tạo động lực phát triển đất nước.

Ông Lê Minh Trí nói: “Tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu xây dựng chính sách xử lý hình sự theo hướng xử lý nghiêm người chủ mưu cầm đầu, có động cơ vụ lợi để răn đe, giáo dục chung; đồng thời phân hóa, tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả, giảm nhẹ cho người vi phạm do chấp hành mệnh lệnh, không vụ lợi nhằm làm tốt hơn việc thu hồi tài sản Nhà nước bị tham nhũng, thất thoát; bảo đảm hiệu quả phòng chống tội phạm, vừa có trọng tâm, trọng điểm, có răn đe, giáo dục, vừa nhân văn, thuyết phục”.

Theo Viện trưởng Viện KSND Tối cao, hiện nay trong thực tế cán bộ vi phạm pháp luật không chỉ là tội phạm tham nhũng mà nhiều trường hợp là tội phạm kinh tế, chức vụ nhưng không có yếu tố vụ lợi (cụ thể Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí và Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng) nên trong chính sách hình sự cần phân định, có chính sách xử lý phân hoá như trên sẽ hiệu quả, thuyết phục.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top