Aa

Việt Nam cam kết tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn

Thứ Ba, 27/11/2018 - 06:01

Phát biểu trước các chuyên gia kinh tế, các nhà đầu tư lớn tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á Horasis 2018 sáng 26/11, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, Việt Nam hiện có vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng của thế giới mà không phải quốc gia nào cũng có được.

 

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Diễn đàn - Ảnh: VGP/Xuân Tuyến

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Diễn đàn - Ảnh: VGP/Xuân Tuyến

Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á Horasis 2018 do UBND tỉnh Bình Dương phối hợp với Tập đoàn Horasis và Tập đoàn Becamex tổ chức.

Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á Horasis là một tổ chức xúc tiến đầu tư quốc tế được thành lập từ năm 2005, với sứ mệnh kết nối các nhà đầu tư là các tập đoàn đa quốc gia trên toàn thế giới. Thông qua các diễn đàn trao đổi thẳng thắn, trực tiếp, Horasis tạo nền tảng kết nối và giúp các địa phương, các nhà đầu tư là các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới cùng quảng bá và tìm kiếm cơ hội, đối tác phát triển toàn cầu, đưa ra những giải pháp cho những thách thức quan trọng nhất đối với các tập đoàn ngày nay cùng những tiên đoán chiến lược mang tầm quốc tế.

Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á Horasis 2018 đặc biệt chú trọng thảo luận về châu Á, những cơ hội, thách thức và tầm nhìn cho các tổ chức trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư - xu thế thành phố thông minh, với sự quy tụ khoảng 350 khách mời cao cấp từ 60 quốc gia trên toàn thế giới cùng 350 đại biểu từ các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp của Việt Nam.

Diễn đàn năm nay bao gồm 1 phiên khai mạc chính thức, 4 phiên họp toàn thể, 35 phiên đối thoại song song và các sự kiện bên lề diễn ra từ ngày 25-26/11.

Tham dự sự kiện có nhiều chuyên gia kinh tế hàng đầu thế giới như Tiến sĩ Frank Jürgen Richter, Chủ tịch Horasis, Thuỵ Sĩ, cựu Giám đốc Diễn đàn Kinh tế thế giới WEF 2001-2004; ông Supachai Panitchpakdi, Cựu Tổng Thư ký Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), Cựu Tổng Giám đốc của Tổ chức Thương mại thế giới cùng lãnh đạo nhiều doanh nghiệp toàn cầu.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và các đại biểu tại lễ khai mạc Diễn đàn - Ảnh: VGP/Xuân Tuyến

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và các đại biểu tại lễ khai mạc Diễn đàn - Ảnh: VGP/Xuân Tuyến

Vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng của thế giới

Thông báo với các nhà đầu tư về kết quả phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, sau hơn 30 năm kể từ khi tiến hành Đổi mới, Việt Nam đạt tăng trưởng kinh tế rất ấn tượng, được cộng đồng quốc tế đánh giá như một hình mẫu của nền kinh tế chuyển đổi có nhiều thành công.

Tăng trưởng kinh tế bình quân của Việt Nam trong giai đoạn 1986-2017 đạt 6,63%/năm. Năm 2017, tăng 6,81%, năm 2018 dự báo tăng trên 6,7%, nằm trong số những quốc gia có tăng trưởng kinh tế cao trên thế giới.

Phó Thủ tướng khẳng định, không chỉ quan tâm đến tốc độ tăng trưởng kinh tế, Việt Nam cũng rất chú trọng nâng cao chất lượng tăng trưởng.

“Chính phủ Việt Nam kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao hiệu quả đầu tư, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường, thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm các quyền con người, quyền tài sản và quyền tự do kinh doanh, khuyến khích mạnh mẽ sự sáng tạo và năng động của người dân và doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng nói.

Nhờ đó, môi trường chính trị-xã hội và kinh tế vĩ mô của Việt Nam luôn ổn định, môi trường kinh doanh được cải thiện không ngừng.

Xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam năm 2018 theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới đứng vị trí 77/140 quốc gia. Xếp hạng môi trường kinh doanh (DB) theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới đứng thứ 69/190 nền kinh tế. Chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) theo đánh giá của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới đứng thứ 45/127 quốc gia.

Việt Nam hiện là một trong những công xưởng của thế giới, một điểm tựa cho các tập đoàn đa quốc gia cung ứng hàng hóa và dịch vụ trên toàn cầu. Hiện nay, gần 26.000 doanh nghiệp FDI đến từ gần 130 quốc gia và đối tác đang hoạt động ở Việt Nam với số vốn cam kết đầu tư trên 330 tỷ USD.

Việt Nam hiện là đối tác thương mại tin cậy, năng động; có quan hệ thương mại với trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam là thành viên của WTO, đã tham gia 12 hiệp định thương mại tự do (FTA), bao gồm 6 FTA giữa ASEAN với các đối tác lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Việt Nam cũng vừa phê chuẩn Hiệp định CPTPP và đang cùng EU nỗ lực hoàn tất rà soát pháp lý để tiến tới sớm ký và phê chuẩn FTA Việt Nam-EU. Các hiệp định FTA này đang mở rộng cánh cửa của hơn 50 nền kinh tế cho xuất khẩu và đầu tư của Việt Nam, tạo cơ hội lớn cho Việt Nam kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu.

“Với nền tảng kinh tế mở và hội nhập như vậy, giờ đây Việt Nam đã trở thành nước có vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng của thế giới mà không phải quốc gia nào cũng có được. Có thể nói, tham gia thị trường Việt Nam, quý vị sẽ có cơ hội tiếp cận hầu hết các thị trường lớn của thế giới”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định với các nhà đầu tư.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Tiến sĩ Frank Jürgen Richter, Chủ tịch Horasis - Ảnh: VGP./Xuân Tuyến

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Tiến sĩ Frank Jürgen Richter, Chủ tịch Horasis - Ảnh: VGP./Xuân Tuyến

Thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ

Chia sẻ nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng thách thức an ninh phi truyền thống, nhất là biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng nặng nề. Làn sóng công nghệ đột phá trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động mạnh mẽ trên nhiều phương diện, vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với sự phát triển của các quốc gia, doanh nghiệp và người dân.

“Chúng tôi hiểu rằng, Việt Nam cần nỗ lực nhiều hơn, đặc biệt là phải thúc đẩy khởi nghiệp, phải sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ hơn, tận dụng thời cơ tiếp cận làn sóng công nghệ mới nhằm tạo ra các xung lực mới cho phát triển”, Phó Thủ tướng nói.

Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định trọng tâm đầu tiên mà Chính phủ kiến tạo phát triển của Việt Nam đang triển khai là kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia, an ninh tiền tệ.

“Chính phủ điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp đồng bộ, hiệu quả với chính sách tài khóa và các chính sách khác và phù hợp với tín hiệu của thị trường”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Cùng với đó, Chính phủ sẽ tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, tháo gỡ rào cản cho doanh nghiệp, phấn đấu sớm đưa Việt Nam vào nhóm các nước dẫn đầu ASEAN và hướng đến tiêu chuẩn của các nước OECD về năng lực cạnh tranh.

“Sẽ tập trung rà soát, hoàn thiện các cơ chế chính sách tạo đột phá mạnh mẽ hơn nữa, bảo hộ quyền tài sản, thí điểm các mô hình kinh doanh mới, hiệu quả, nhất là những ngành, lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu đổi mới công nghệ trong Các mạng công nghiệp 4.0”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nghe quy hoạch phát triển thành phố thông minh Bình Dương - Ảnh: VGP./Xuân Tuyến

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nghe quy hoạch phát triển thành phố thông minh Bình Dương - Ảnh: VGP./Xuân Tuyến

Đồng thời, Chính phủ sẽ tiếp tục ưu tiên nguồn lực để thực hiện tốt 3 khâu đột phá chiến lược đã được xác định. Cụ thể, sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật, quy hoạch để phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm, có sức lan tỏa cao; khuyến khích mạnh mẽ khu vực tư nhân đầu tư vào cơ sở hạ tầng theo hình thức đối tác công tư (PPP). Có chính sách phù hợp, hiệu quả để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia trong đó doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới, sáng tạo.

Chính phủ cũng triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo chuyển biến thực chất trong cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển mạnh sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, dựa vào đầu tư, xuất khẩu và thị trường trong nước trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại, tăng năng suất lao động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực và nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế.

Để mở rộng thị trường, Việt Nam sẽ tiếp tục làm sâu sắc và thực chất hơn quan hệ với các đối tác theo tinh thần là bạn, đối tác tin cậy và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

“Chúng tôi thực hiện nghiêm túc các cam kết WTO, tự do hóa thương mại trong ASEAN và các FTA đã ký, trong đó có Hiệp định CPTPP. Việc triển khai các cam kết này mở ra cơ hội lớn về tiếp cận thị trường cho doanh nghiệp, đồng thời sẽ thúc đẩy môi trường kinh doanh của Việt Nam thuận lợi hơn và phù hợp hơn với cơ chế thị trường”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng mong muốn Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á Horasis hôm nay tại Bình Dương sẽ xác định rõ hơn tầm nhìn cho châu Á, xác định rõ hơn những nhân tố tác động đến sự phát triển, đến tương lai của châu Á; xác định rõ các quốc gia, các doanh nghiệp cần phải pàm gì cho một châu Á hoà bình, hạnh phúc, phát triển, thịnh vượng; đặc biệt là quan tâm hỗ trợ các quốc gia đang phát triển.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top