Aa

Việt Nam có nhiều cơ hội trở thành trung tâm trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Thứ Hai, 16/10/2023 - 12:08

Theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ KHĐT, cộng đồng quốc tế đánh giá Việt Nam có vai trò quan trọng trong thúc đẩy thương mại toàn cầu và các nhà đầu tư lớn cam kết mở rộng đầu tư vào Việt Nam thời gian tới.

Sáng 16/10, tiếp nối chuỗi hoạt động ý nghĩa được tổ chức nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, với chủ đề “Đồng hành và phát triển”. 

 

Việt Nam là một trong những quốc gia thành công trong thu hút FDI

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, khu vực ĐTNN được xác định có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, được khuyến khích phát triển bình đẳng, được đối xử công bằng, nhằm phát huy ngoại lực, khơi dậy tinh thần sáng tạo, cộng hưởng sức mạnh nội lực, kịp thời nắm bắt cơ hội, nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc: Bộ KH&ĐT cam kết tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động đầu tư kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp nói chung và ĐTNN nói riêng tại Việt Nam có hiệu quả, thành công. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Được biết, bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay đang diễn biến hết sức khó lường, phức tạp hơn nhiều so với dự báo. Cụ thể, biến đổi khí hậu, cạnh tranh giữa các nước lớn, xung đột vũ trang ở một số khu vực… đang ngày càng tác động mạnh mẽ đến chuỗi cung ứng hàng hóa, an ninh năng lượng, an ninh lương thực cũng như dòng FDI toàn cầu. Các tập đoàn đa quốc gia đang phải tái cơ cấu và tái định vị chuỗi sản xuất, dịch chuyển dòng vốn về các khu vực, các nước ổn định về chính trị, kinh tế, xã hội.

“Đứng trước những vấn đề toàn cầu và thách thức chưa từng gặp phải, với sự ứng xử kịp thời, quyết liệt, linh hoạt và hiệu quả từ quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác; tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục pháp lý trong lĩnh vực bất động sản; hỗ trợ khôi phục thị trường du lịch; áp dụng chính sách tín dụng ưu đãi nhằm tiết giảm chi phí, hạ lãi suất vay vốn…

Đồng thời xác định điểm thống nhất cốt lõi là đưa Việt Nam thành một điểm đến thân thiện, an toàn với cộng động nhà đầu tư. Đây là những tiền đề căn bản để Việt Nam đạt được nhiều kết quả khả quan trong phát triển kinh tế - xã hội”, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc nhận định. 

Cùng với đó, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cũng cho biết, trong 9 tháng năm 2023, kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.

Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 4,24%; thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, tỷ giá được điều hành linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường; mặt bằng lãi suất đã giảm mạnh, vừa giúp kiểm soát lạm phát, vừa đáp ứng yêu cầu tín dụng của nền kinh tế; bảo đảm an toàn, thanh khoản của hệ thống ngân hàng.

Cán cân thương mại xuất siêu 21,6 tỷ USD; vốn ĐTNN đăng ký đạt 20,2 tỷ USD, tăng 7,7%, trong đó số dự án mới tăng 66,3%, dự án tăng vốn tăng 21,5%. Tính lũy kế đến tháng 9/2023 đã có 144 quốc gia/vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với hơn 38,3 nghìn dự án, tổng vốn đầu tư hơn 455 tỷ USD. 

Hiện nay, Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 ASEAN với quy mô GDP trên 400 tỷ USD. Đồng thời, Việt Nam cũng được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia thành công trong thu hút FDI”, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết. 

Có thể thấy, trước những kết quả tích cực nêu trên, vị trí của Việt Nam trên các bảng xếp hạng đã có những bước tiến bộ đáng kể. Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao triển vọng tăng trưởng, môi trường đầu tư và vị thế của Việt Nam; niềm tin của các nhà ĐTNN vào chính sách điều hành của Chính phủ, Thủ tướng,

Nhiều tập đoàn kinh tế nước ngoài nhìn nhận Việt Nam có nhiều cơ hội trở thành trung tâm trong chuỗi cung ứng toàn cầu; cộng đồng quốc tế đánh giá Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy thương mại toàn cầu, nhiều nhà đầu tư lớn cam kết mở rộng đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới.

Bà Ngọc cho rằng, với phương châm chỉ đạo của Thủ tướng: "Nhìn nhận thẳng thắn, đánh giá trung thực, điều hành linh hoạt, giải pháp kịp thời", Việt Nam đã nhận diện được các thách thức, khó khăn nội tại như: Quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn; năng lực nội tại, khả năng chống chịu của nền kinh tế, chủ động thích nghi và ứng phó với biến động mới và khả năng cạnh tranh còn hạn chế. Những khó khăn, thách thức này cũng đang tạo áp lực thúc đẩy đổi mới tư duy, sáng tạo, kiến tạo tầm nhìn mới; từ đó, mở ra những cơ hội mới và động lực mới trong hợp tác phát triển. 

“Cơ hội của Việt Nam cũng là cơ hội phát triển của doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp, nhà ĐTNN. Điều này đòi hỏi phải có sự chia sẻ, đồng hành của khu vực FDI với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong nước. Chỉ có sự phối hợp mới đem lại thành công. Và thành công này sẽ chia sẻ cho cả doanh nghiệp và Việt Nam”, bà Ngọc nhìn nhận. 

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả tích cực thì Việt Nam vẫn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc đã kiến nghị một số nhiệm vụ, giải pháp, như sau:

Đối với các bộ, ngành, địa phương: Thứ nhất, phát huy tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp ngay từ quá trình nghiên cứu, xây dựng và triển khai dự án; chủ động tiếp cận, nắm bắt để tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản pháp lý đang cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.

Thứ hai, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới, đẩy mạnh xuất khẩu và thúc đẩy tiêu dùng trong nước.

Thứ ba, tập trung triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy đầu tư công để tạo động lực cho đầu tư tư nhân phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo đà tăng trưởng kinh tế.

Thứ tư, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, rút ngắn thời gian làm thủ tục cho doanh nghiệp, nhà đầu tư để tiết giảm thời gian, chi phí, nhanh chóng đưa các dự án đi vào triển khai, tạo các động lực tăng trưởng mới.

Thứ năm, chủ động chuẩn bị sẵn các điều kiện cần thiết thu hút đầu tư như: mặt bằng sạch; hoàn thiện cơ sở hạ tầng; năng lượng; nguồn cung lao động có tay nghề; nâng cao năng lực cho các DN trong nước để tham gia chuỗi giá trị.

Đối với cộng đồng các doanh nghiệp và nhà ĐTNN: Thứ nhất, tiếp tục là cầu nối giữa Chính phủ và DN để: (i) kịp thời phản ánh các vướng mắc, khó khăn trong quá trình hoạt động đầu tư kinh doanh; (ii) tham vấn, kiến nghị bổ sung, sửa đổi các chính sách, pháp luật phù hợp với tình hình thực tiễn.

Thứ hai, sự phối hợp giữa Chính phủ với doanh nghiệp FDI cần đặt trên đà phát triển mới.

Thứ ba, thúc đẩy kết nối giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa với doanh nghiệp lớn; giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp có vốn ĐTNN, doanh nghiệp ngoài nước, tạo cơ hội để cùng nhau tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu; chú trọng liên kết, hợp tác theo ngành, cụm sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị. Đồng thời, tăng cường liên kết, hợp tác giữa doanh nhân, doanh nghiệp với đội ngũ trí thức, nhất là các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, các trung tâm, viện nghiên cứu, các trường đại học… thúc đẩy doanh nghiệp tiếp cận khoa học công nghệ thông qua đội ngũ trí thức, gắn nghiên cứu với thử nghiệm, tạo đột phá trong sản xuất, kinh doanh, cải tiến kỹ thuật, đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động để doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững. 

"Qua đó, với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự đoàn kết thống nhất, chung sức đồng lòng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cùng sự hợp tác đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các nhà ĐTNN, chúng tôi tin tưởng rằng, chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội, hợp tác cùng phát triển hướng đến sự thịnh vượng chung", lãnh đạo Bộ KH&ĐT tin tưởng. 

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cam kết rằng, sẽ tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh hơn nữa vai trò tham mưu, giúp Chính phủ kiến tạo những bước đột phá trong cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, đổi mới phương thức hỗ trợ doanh nghiệp. Đồng thời, sẽ phối hợp chặt chẽ cùng các bộ, ngành và địa phương để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động đầu tư kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp nói chung và ĐTNN nói riêng tại Việt Nam có hiệu quả và thành công.

"Chính phủ Việt Nam cần xây dựng môi trường pháp lý theo các tiêu chuẩn toàn cầu"

Cũng tại Hội nghị, ông John Rockhold, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) bày tỏ sự vui mừng khi Hoa Kỳ và Việt Nam đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện trong chuyến thăm của Tổng thống Biden vào tháng trước.

Có thể nói, quyết định này mở ra nhiều cơ hội để mở rộng quan hệ thương mại song phương và củng cố cam kết của Hoa Kỳ đối với một nước Việt Nam mạnh, độc lập, thịnh vượng và tự cường.

Theo Chủ tịch AmCham, trong hai tuần nữa, sẽ diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam - Hoa Kỳ để thảo luận ưu tiên của Việt Nam trong tháo gỡ nút thắt huy động nguồn lực, sản xuất, kinh doanh; giải quyết nhu cầu phát triển năng lượng và thúc đẩy chuyển đổi sang năng lượng sạch và năng lượng tái tạo.

Cùng với đó, hội nghị sẽ thảo luận về việc đảm bảo khả năng tiếp cận, khả năng chi trả và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế; khai thác tối đa tiềm năng của nền kinh tế số; nâng hạng từ vị thế thị trường cận biên lên thị trường mới nổi; thúc đẩy đầu tư bền vững và tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng, ví dụ như tăng cường cơ hội trong lĩnh vực bán dẫn tại Việt Nam.

Ông John Rockhold, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham): AmCham mong muốn được hợp tác với Chính phủ để giải quyết những thách thức nhằm thu hút thêm đầu tư nước ngoài và không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế của Việt Nam. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Ông John Rockhold đánh giá, Hoa Kỳ và Việt Nam đã nâng cấp mối quan hệ và đây là thời điểm quan trọng, cũng là cơ hội tuyệt vời để cải thiện khung chính sách và môi trường đầu tư nhằm thu hút dòng đầu tư mới, đồng thời hỗ trợ sự phát triển của các nhà đầu tư, doanh nghiệp hiện đang hoạt động tại Việt Nam.

Tuy nhiên bên cạnh những cơ hội cùng tiềm năng phát triển mạnh mẽ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam cho rằng, Chính phủ Việt Nam có thể thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh tổng thể. 

Ghi nhận thực tế ý kiến các thành viên của Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa kỳ nói riêng và các doanh nghiệp FDI nói chung, nhà đầu tư nước ngoài đều đang nhận thấy quy trình phê duyệt tại Việt Nam còn chậm, các thủ tục hành chính gây mất nhiều thời gian, cản trở hoặc làm chậm tiến độ các dự án của doanh nghiệp cũng như ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh.  

"Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với Chính phủ xác định, tháo gỡ những nút thắt này", ông John Rockhold cho biết.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam đề xuất Chính phủ Việt Nam cần xây dựng môi trường pháp lý theo các tiêu chuẩn toàn cầu. Cụ thể, cần phải làm rõ những quy định pháp lý đang cản trở việc triển khai hiệu quả đầu tư nước ngoài cũng như xem xét thận trọng các dự thảo luật, quy định để tránh áp dụng những thủ tục tạo thêm gánh nặng hành chính.

Đồng quan điểm, ông Gaur Dattatreya, Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Bosch Global Software Technologies cũng cho rằng, Việt Nam cần thiết xây dựng, duy trì và đảm bảo một môi trường pháp lý kinh doanh ổn định, minh bạch và thuận lợi. 

"Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh trong thời gian qua, đặc biệt là trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính và loại bỏ các rào cản pháp lý cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp", ông Gaur Dattatreya nói. 

Tuy nhiên, sự thay đổi liên tục để hoàn thiện các chính sách, cơ chế quản lý ở Việt Nam, kết hợp với việc chồng chéo giữa trách nhiệm và thẩm quyền của các cơ quan chức năng rất có thể dẫn đến sự thiếu minh bạch và nhất quán trong các chính sách và quyết định của chính phủ.

Điều này có thể thấy ở nhiều lĩnh vực khác nhau như đầu tư, quy định nhập khẩu, cấp phép, với những hậu quả tiêu cực không thể tránh khỏi đối với cộng đồng doanh nghiệp.

Với tư cách là một nhà đầu tư, đối tác lâu năm tại Việt Nam, đại diện Bosch mong muốn được hợp tác với Chính phủ để làm rõ và giải quyết triệt để những vấn đề này./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top