Aa

Việt Nam đang ở đâu trên con đường nâng hạng thị trường chứng khoán?

Thứ Hai, 16/04/2018 - 06:01

Tính tới hết quý I/2018, quy mô TTCK Việt Nam đã gia tăng nhanh chóng và đạt 191 tỷ USD, tương đương 95% GDP năm 2016, tăng 24,7% so với cuối năm 2017.

Con số này gần bằng UAE, Philippines và vượt qua nhiều thị trường Emerging markets như Qatar (131 tỷ USD), Pakistan (82 tỷ USD), Ai Cập (58 tỷ USD). Thanh khoản thị trường cũng tăng mạnh đạt mức bình quân 8.800 tỷ đồng/phiên trong Quý I/2018, tăng 80% so với mức trung bình năm 2017.

Theo ước tính, ở thời điểm hiện tại, đã có 5 cổ phiếu thỏa mãn các điều kiện yêu cầu của MSCI và có thể được thêm vào bộ chỉ số Emerging Markets Indexes trong trường hợp Việt Nam được nâng hạng. Nhưng nhìn rộng hơn, có thêm 9 cổ phiếu có thể thỏa mãn các điều kiện này trong tương lai không xa.

Các cổ phiếu này đều có giá trị vốn hóa cao trên 2 tỷ USD và có mức thanh khoản tốt, tuy nhiên chưa đạt yêu cầu về giá trị vốn hóa tự do chuyển nhượng do tỷ lệ free-float (tỷ trọng cổ phiếu tự do chuyển nhượng) thấp.

Trong tương lai, với các kế hoạch thoái vốn Nhà nước được đẩy mạnh thực thi và khả năng nới room nước ngoài ở một số cổ phiếu gần kín room, 9 cổ phiếu này sẽ là những lựa chọn tiềm năng để MSCI đưa vào danh mục các chỉ số EM indexes.

Quy mô TTCK Việt Nam so với các thị trường lân cận

Về cơ bản, Việt Nam đã thỏa mãn các điều kiện định lượng liên quan tới quy mô thị trường và quy mô giao dịch. Các điều kiện định tính là những rào cản cuối cùng để MSCI cũng như các tổ chức phân loại thị trường khác như FTSE và S&P cân nhắc khả năng nâng hạng.

Trong đó, nền tảng công nghệ và cơ sở hạ tầng dần được cải thiện với sự nỗ lực của các cơ quan quản lý thị trường. Sự ra mắt thị trường phái sinh đã cung cấp cho nhà đầu tư công cụ cần thiết để phòng ngừa rủi ro.

Hoạt động công bố thông tin bằng tiếng Anh không phải trở ngại lớn nhưng cần thực hiện sớm để tạo sự bình đẳng với nhà đầu tư nước ngoài. Quá trình nới room ngoại và thoái vốn Nhà nước ở các doanh nghiệp niêm yết cần đẩy nhanh để gia tăng hơn nữa quy mô đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài.

Việc duy trì ổn định các cân đối vỹ mô đang được Chính phủ và NHNN thực hiện tốt, giúp tạo niềm tin cho cộng đồng đầu tư quốc tế. Quan trọng hơn, thị trường ngoại hối cần được tổ chức linh hoạt hơn để đáp ứng nhu cầu lưu chuyển dòng vốn của nhà đầu tư ra vào lãnh thổ Việt Nam.

Ở kịch bản thuận lợi nhất, Việt Nam có thể được MSCI nâng hạng lên Emerging Markets vào năm 2020, trước đó cần ít nhất 1 năm để MSCI xin ý kiến tư vấn đánh giá từ cộng đồng đầu tư quốc tế, thêm 1 năm để các quỹ đầu tư chuẩn bị cho các thay đổi và tái cơ cấu các danh mục đầu tư. Theo lịch định kỳ, tháng 6 tới đây sẽ là thời điểm MSCI công bố kết quả đánh giá phân loại thị trường hàng năm và chuẩn bị danh sách các thị trường cần tư vấn đánh giá cho kỳ tiếp theo.

Như vậy, giả định Việt Nam được MSCI nâng xếp hạng lên Emerging Markets, 5 cổ phiếu đã đạt điều kiện có tổng giá trị vốn hóa (điều chỉnh free float) đạt 14 tỷ USD và ước tính có thể chiếm tỷ trọng 0,25% trong rổ chỉ số MSCI Emerging Markets Index. Ước tính sơ bộ, 5 cổ phiếu này có thể thu hút 4 tỷ USD trong tổng số 1.600 tỷ USD giá trị tài sản đầu tư vào bộ chỉ số MSCI Emerging Markets Indexes.

Nếu cộng thêm 9 cổ phiếu tiềm năng, tổng giá trị vốn hóa (điều chỉnh free float) của nhóm này có thể đạt 30 tỷ USD, tương đương mức tỷ trọng 0,54% và ứng với 8,7 tỷ USD vốn ngoại vào thị trường Việt Nam. Con số chắc chắn sẽ còn thay đổi nhanh bởi trong tương lai gần sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp lớn lên niêm yết.

Động lực nào để thị trường vượt đỉnh thành công?

Bức tranh thị trường chứng khoán Việt Nam riêng tháng 3 khá tích cực với xu hướng đi lên được giữ vững bất chấp những biến động trên thị trường thế giới.

Sau đợt sụt giảm khá mạnh của chứng khoán toàn cầu vào đầu tháng 2, đã có một sự thay đổi lớn trong tâm lý nhà đầu tư. Từ chỗ lạc quan và tăng trưởng mạnh mẽ trong cả năm 2017, nhà đầu tư toàn cầu nhận ra những rủi ro hiện hữu bao gồm rủi ro lạm phát và lãi suất gia tăng, các gói kích cầu kinh tế dần đảo ngược và nguy cơ về một cuộc chiến thương mại toàn cầu mà trung tâm là sự đối đầu Mỹ - Trung.

Tâm lý thận trọng bao trùm khiến các thị trường chứng khoán chưa thể lấy lại mức đỉnh vào cuối tháng 1. Trong khi đó, VN-Index vẫn có 16 phiên tăng điểm và chỉ giảm 6 phiên trong tháng, chính thức vượt mức đỉnh lịch sử 1.170 điểm thiết lập cách đây 11 năm. Chỉ số VN-Index kết thúc tháng 3 đạt 1.174,46 điểm, tăng +4,72% so với tháng 2 và tăng +19,33% so với cuối năm 2017, là thị trường có mức tăng trưởng cao nhất thế giới trong Quý I/2018.

Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ hơn thì diễn biến thị trường tháng 3 không hề dễ dàng. VN-Index nỗ lực thử thách các ngưỡng cản mạnh là vùng đỉnh cũ 1.130 và 1.170 điểm với kịch bản kéo xả lặp đi lặp lại và hướng tới mốc 1.200 điểm, sức ép từ bên bán là rất lớn mỗi khi điểm số nhích tăng.

Thanh khoản hai sàn đạt mức bình quân phiên gần 8.400 tỷ đồng, cải thiện nhẹ so với tháng 2 nhưng vẫn khá thấp so với tháng 1 với hơn 9.900 tỷ đồng/phiên. Thị trường giao dịch cầm chừng và tỏ ra rất thận trọng trước các diễn biến trên thị trường thế giới trong bối cảnh giá cổ phiếu trong nước đã được đẩy lên vùng giá rất nhạy cảm với định giá P/E lên tới 21.2x, vượt qua nhiều nước trong khu vực và cao hơn cả Mỹ.

Tâm lý nhà đầu tư toàn cầu cũng ảnh hưởng trực tiếp tới dòng vốn ngoại vào Việt Nam. Dòng tiền đầu tư của khối ngoại đã bắt đầu đảo chiều từ đầu tháng 2 cùng với đợt sụt giảm mạnh. Tháng 3 là tháng bán ròng đầu tiên của khối ngoại với giá trị 782 tỷ đồng sau 4 tháng mua ròng liên tiếp.

Xu hướng dòng vốn được thể hiện rõ nhất qua giao dịch của các ETFs. Ba ETFs lớn nhất tập trung vào thị trường Việt Nam đã liên tục thu hồi chứng chỉ quỹ (chủ yếu ở quỹ VFM VN30 ETF giảm 835 tỷ đồng; quỹ VanEck Vectors Vietnam ETF giảm 103 tỷ đồng) với tổng giá trị ròng là giảm 938 tỷ đồng trong tháng 3, sau khi đầu tư gần 5000 tỷ đồng vào Việt Nam trong 4 tháng trước đó. Nhà đầu tư nước ngoài không còn giữ vai trò nâng đỡ thị trường như ở giai đoạn trước mà ngược lại gây sức ép không nhỏ lên giá cổ phiếu.

Đâu là động lực kéo thị trường tăng điểm trong tháng 3?

Mặc dù thị trường chung có xu hướng tăng, số mã giảm điểm lại chiếm đa số. Tâm lý tích cực chưa lan tỏa rộng và động lực tăng điểm chỉ đến từ các yếu tố riêng của từng doanh nghiệp có câu chuyện hấp dẫn. Một số ít cổ phiếu trụ cột đạt mức tăng ấn tượng trong thời gian ngắn đã dẫn dắt chỉ số chung vượt đỉnh.

Đáng chú ý là ba cổ phiếu VIC (+23,5%), GAS (+15,36%) và MSN (+27,24%) đều đang giao dịch ở mức giá cao nhất và đóng góp tổng cộng 44 điểm trong 53 điểm gia tăng của VN-Index. Bên cạnh đó, nhóm Bất động sản (NVL, DXG, NLG, PDR, SCR, LHG), Chứng khoán (SSI, VCI, VND, MBS, VDS), Thủy sản (VHC, FMC, ABT) có diễn biến khá tích cực trong tháng.

Dòng vốn ngoại có mối liên hệ khá sát với diễn biến giá cổ phiếu. VIC, GAS và MSN cũng là 3 cổ phiếu được khối ngoại mua ròng khá mạnh, với giá trị tương ứng 970 tỷ, 242 tỷ và 186 tỷ, trong khi cả thị trường chung bị bán ròng. Các nhóm ngành tăng tích cực ở trên cũng phần lớn được khối ngoại mua ròng. Ở chiều ngược lại, các mã kéo giảm thị trường mạnh nhất là VCB, HPG và PLX đều bị bán ròng trong tháng. Tuy vậy, nhiều cổ phiếu được khối ngoại mua vào khá mạnh vẫn không tránh được đà giảm như VRE, PVD, PVS.

Sự tham gia của khối ngoại khá cao, với tỷ trọng 14,2% trong Quý I/2018 so với mức bình quân 13,5% trong năm 2017, đã tác động đáng kể tới dòng tiền và cả tâm lý nhà đầu tư trong nước. Tuy nhiên, nhà đầu tư nội vẫn là lực lượng chính tác động tới giá cố phiếu với tỷ trọng giao dịch chiếm 86% toàn thị trường.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top