Nguồn thu ngân sách từ thuế đang thất thu
Tại Diễn đàn Chính sách tài khóa và phát triển Việt Nam: Hướng tới một hệ thống thuế công bằng, bà Nguyễn Thu Hương, Quản lý Chương trình cấp cao về Quản trị Oxfam Việt Nam đã cho biết, nguồn thu ngân sách từ thuế qua các năm đang giảm dần.
Cụ thể, thu ngân sách đã giảm từ mức 27,3% GDP (2010) xuống 23,7% (năm 2016). Một trong những lý do giảm thu ngân sách và thâm hụt ngân sách của Việt Nam trong những năm qua là do sụt giảm nguồn thu từ thuế và giảm sụt giá dầu thô. Thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp giảm mạnh từ năm 2006, từ 6,9% GDP năm 2010 xuống còn 4,3% GDP năm 2017. Điều này đặt ra những thách thức lớn cho Việt Nam.
Ước tính từ năm 2012 - 2016, tổng ưu đãi thuế Thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam cho các doanh nghiệp bằng 7% tổng thu ngân sách Nhà nước, tương ứng với 5% tổng chi ngân sách Nhà nước và luôn cao hơn số tiền mà ngân sách Nhà nước chi cho y tế, cao nhất là năm 2012 với con số bằng 1,4 lần chi cho y tế.
Đánh giá từ đại diện của Oxfam cho rằng, với việc thất thu thuế, Việt Nam đã mất đi một nguồn lớn ngân sách có thể đầu tư cho lĩnh vực y tế, trong khi số tiền túi mà người dân Việt Nam bỏ ra để khám chữa bệnh chiếm 44,6 % (2016) tổng chi tiêu cho ngành y tế. Tức là gánh nặng chịu thuế đã chuyển từ các doanh nghiệp lớn sang cho người dân, thông qua các chính sách thuế, đặc biệt là ưu đãi thuế.
Bà Nguyễn Thu Hương cũng đưa ra nhận định rằng, hiện nay, ưu đãi thuế của Việt Nam đang được tập trung vào nhóm doanh nghiệp có quy mô lớn, thuộc ngành công nghiệp (nhất là ngành chế biến và chế tạo), có vốn đầu tư nước ngoài, nằm trong khu công nghiệp. Năm 2016, thuế suất phổ thông là 20% thì thuế suất thực nộp của các doanh nghiệp nộp thuế trong nhóm này chỉ khoảng 10%.
“Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam đã tạo ra những phí tổn tài khóa đáng kể và làm gia tăng hơn nữa khoảng cách thu nhập giữa các tầng lớp dân cư”, bà Hương nhấn mạnh.
Cũng tại Diễn đàn, ông Johan Langerock, chuyên gia về chính sách thuế, tổ chức Oxfam đã nhận định, các số liệu hiện đang cho thấy sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua không song hành với sự gia tăng của tổng thu ngân sách từ thuế. Trên thực tế, trong những năm qua, tổng thu ngân sách từ thuế đã và đang giảm so với quy mô của nền kinh tế. Thực trạng này nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng không tốt tới sự bền vững của quốc gia.
Ông Johan Langerock lý giải, việc thu ngân sách từ thuế bị giảm xuống là một xu hướng đáng lo ngại vì nhiều lý do. Trong đó, lý do đáng nói nhất là xu hướng này đồng nghĩa với hệ thống thuế hiện tại đang thất bại trong việc nắm bắt và phân phối lại thu nhập, tài sản của quốc gia. Một số báo cáo đã chỉ ra các lợi ích của việc phát triển kinh tế của Việt Nam đang ngày càng tập trung vào 10% dân số giàu nhất.
Trong khi đó, lý do chính của việc thu ngân sách từ thuế giảm xuống là sự tập trung vào giảm thuế suất thu nhập doanh nghiệp và tăng ưu đãi thuế cho các nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi, nguồn thu ngân sách từ thuế giảm thì chi tiếu qua thuế vẫn duy trì ở mức cao. Điều này dẫn đến việc công nghiệp hóa theo hướng xuất khẩu ngày càng phát triển trong khi phát triển nông nghiệp và doanh nghiệp nhỏ bị bỏ lại.
Việt Nam cần cắt giảm các ưu đãi thuế
Cắt giảm các ưu đãi thuế là một trong các khuyến nghị mà nhiều chuyên gia đã đặt ra tại Diễn đàn.
Theo bà Nguyễn Thu Hương, nếu cắt giảm các ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ giúp tăng thu ngân sách 20% trong khi không có tác động tiêu cực đến kinh tế vĩ mô.
“Xóa bỏ các ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp không chỉ có tác động tiêu cực đến các nhóm thu nhập cao, vốn được hưởng lợi chính từ các ưu đãi thuế. Trong trường hợp chính phủ sử dụng phần ngân sách tăng thêm một cách khôn ngoan thì việc xóa bỏ các ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ mang lại những lợi ích đáng kể cho nhóm hộ gia đình có thu nhập thấp thông qua việc tăng đầu tư phát triển hay tăng trợ cấp cho người nghèo”, bà Hương cho hay.
Trong khi đó, ông Johan Langerock cũng nhấn mạnh: “Việt Nam có thể loại bỏ ưu đãi thuế mà không làm tổn hại đến tăng trưởng hoặc khả năng cạnh tranh của quốc gia. Theo một khảo sát gần đây của Grant Thorton về triển vọng cổ phần tư nhân tại Việt Nam, 69% số câu trả lời coi sự gia tăng của thu nhập khả dụng và tầng lớp trung lưu là yếu tố quan trọng nhất để đầu tư vào Việt Nam, 60% cân nhắc tăng trưởng kinh tế cao và ổn định và chỉ 13% coi ưu đãi và trợ cấp của Chính phủ là yếu tố quan trọng nhất".
Cũng theo nhận định của TS. Nguyễn Tiến Dũng, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, chính mức độ ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp khá cao đã tạo ra những phí tổn tài khóa đáng kể. Trên phương diện phân phối thu nhập, các nhóm thu nhập cao hưởng lợi phần lớn các ưu đãi thuế và do đó bị tác động mạnh bởi việc xóa bỏ ưu đãi thuế.
Ông Dũng nhấn mạnh, việc mở rộng các ưu đãi thuế và duy trì nguồn ngân sách thông qua tăng thuế giá trị gia tăng có thể tạo ra các tổn thất cho tất cả các nhóm dân cư. “Chính phủ cần sử dụng các ưu đãi thuế một cách chọn lọc và có hiệu quả đặc biệt trong bối cảnh thâm hụt ngân sách và nợ công cao”, ông Dũng nói./.