Tại Báo cáo thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn vừa gửi đến Quốc hội, Bộ Xây dựng kiến nghị hàng loạt các giải pháp thực hiện trong thời gian tới nhằm ổn định thị trường bất động sản.
Đáng chú ý, tại báo cáo này, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết sẽ nghiên cứu, đề xuất, sửa đổi, bổ sung chính sách thuế để góp phần bình ổn thị trường, chống đầu cơ trong lĩnh vực bất động sản theo hướng giao cho Chính phủ thực hiện thẩm quyền điều chỉnh mức thuế giao dịch bất động sản để kịp thời bình ổn thị trường bất động sản khi có biến động lớn.
Bên cạnh đó, một giải pháp cũng được tính đến là tăng cường theo dõi, kiểm tra việc cấp tín dụng trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản của hệ thống ngân hàng thương mại đối với các dự án bất động sản, nhất là đối với các dự án bất động sản lớn và các chủ đầu tư bất động sản lớn có nhiều dự án nhằm nắm bắt tình hình dư nợ và kịp thời có các giải pháp phòng chống những rủi ro cho hệ thống ngân hàng.
Bộ Xây dựng cũng đề xuất kiểm soát chặt chẽ việc cho phép đầu tư mới các dự án bất động sản, đặc biệt là các dự án bất động sản cao cấp, các dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, biệt thự, căn hộ cao cấp nhằm đảm bảo cân đối cung - cầu tránh để tình trạng dư thừa tồn kho, gây bất ổn cho thị trường bất động sản, bảo đảm tuân thủ pháp luật, hiệu quả đầu tư, ngăn chặn các hành vi trục lợi, tham nhũng, làm thất thoát tài sản nhà nước, nhất là trong sử dụng đất đai cũng là giải pháp được đề cập tại báo cáo.
Bộ trưởng Hà cho biết, sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra và công bố công khai các dự án bất động sản đang thế chấp ngân hàng, các dự án không thực hiện bảo lãnh, các dự án chưa nộp tiền sử dụng đất, các dự án chậm tiến độ, các dự án chưa nghiệm thu chất lượng công trình, chưa nghiệm thu phòng cháy chữa cháy đã đưa vào sử dụng, các chủ đầu tư chậm trễ trong việc làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho người dân.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong những năm qua, cơ cấu hàng hóa bất động sản ngày càng đa dạng, phong phú cả về chủng loại và phân khúc sản phẩm, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân và xã hội, cũng như tạo lập cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ phát triển nền kinh tế.
Trong khoảng thời gian từ năm 2015 đến nay, các địa phương ven biển đã cho phép một số doanh nghiệp đầu tư kinh doanh các dự án du lịch nghỉ dưỡng có công trình căn hộ du lịch (condotel) và biệt thự du lịch (resort). Tại một số đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM và một số địa phương khác đã cho phép một số doanh nghiệp đầu tư kinh doanh loại hình công trình văn phòng làm việc kết hợp lưu trú (officetel).
Theo số liệu của 71 dự án bất động sản do Bộ Xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở từ đầu năm 2015 đến nay thì đã có khoảng 25.639 căn hộ condotel, officetel, tập trung chủ yếu ở Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng. Ngoài ra, còn có hàng chục nghìn căn condotel, officetel do các địa phương thẩm định, cấp phép theo thẩm quyền, Bộ trưởng cho biết cụ thể hơn.
Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cũng thừa nhận, thời gian qua tại một số khu vực ngoại thành Hà Nội, khu vực vùng ven TP.HCM và một số tỉnh phía nam như Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai... thị trường đất nền có nhiều diễn biến phức tạp, hiện tượng nhiều dự án đất nền phân lô trên diện tích đất nông nghiệp, đất trồng cây, đất rừng không đủ cơ sở pháp lý được thực hiện giao dịch, mua bán gây bất ổn đối với thị trường bất động sản tại các địa phương này.
Về nguồn cung nhà ở, hạn chế là thị trường dư thừa sản phẩm nhà ở cao cấp, diện tích lớn, giá bán cao, nhưng lại thiếu sản phẩm nhà ở bình dân phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận dân cư đô thị.
Bên cạnh đó, trong thời gian qua, có nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng được cấp phép, nguồn cung loại hình bất động sản này lớn và đa dạng. Trong khi đó, các điều kiện của hợp đồng không chặt chẽ, rõ ràng, minh bạch dẫn đến tiềm ẩn rủi ro cho cả nhà đầu tư và người mua.
Giá cả hàng hóa bất động sản, nhất là giá nhà ở, theo nhận định của Bộ Xây dựng là chưa ổn định, không phản ánh đúng giá trị thực của bất động sản, cũng như không phù hợp với khả năng chi trả của số đông người dân (theo cách đánh giá chung hiện nay là: giá nhà ở là vừa phải nếu lợi nhuận cho thuê đạt xấp xỉ lãi suất tiền gửi ngân hàng).
Một số đối tượng đầu cơ bất động sản vẫn hoạt động công khai, lợi dụng các yếu tố xã hội như chuẩn bị quy hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị... để đẩy giá lên cao thu lợi bất chính làm bất ổn thị trường.
"Thị trường bất động sản phát triển còn thiếu minh bạch. Việc kiểm soát thị trường bất động sản của các cơ quan nhà nước chưa hiệu quả, nhất là tại các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương", báo cáo nêu.