Nhằm tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị trong năm 2025 và giai đoạn 2025-2030, Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã giao Đảng ủy Chính phủ chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Đảng ủy Quốc hội và các cấp ủy, tổ chức đảng liên quan nghiên cứu định hướng sáp nhập một số tỉnh, thành phố.
Hiện nay, Việt Nam có 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm 57 tỉnh và 6 thành phố.

Bản đồ địa giới hành chính Việt Nam. Nguồn ảnh: Maison Office
Theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, một đơn vị hành chính cấp tỉnh phải đáp ứng các tiêu chuẩn về quy mô dân số, diện tích tự nhiên và số đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc.
Theo Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 có hiệu lực từ ngày 25/5/2016, các tiêu chí về đơn vị hành chính cấp tỉnh được quy định gồm quy mô dân số đối với tỉnh miền núi, vùng cao từ 900.000 người trở lên, đối với tỉnh khác từ 1.400.000 người trở lên, diện tích tự nhiên đối với tỉnh miền núi, vùng cao từ 8.000km2 trở lên.
Đối với tỉnh khác từ 5.000km2 trở lên, đồng thời phải có ít nhất 9 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc, trong đó có ít nhất một thành phố hoặc một thị xã.
Dựa trên các tiêu chí này, hiện có nhiều tỉnh không đạt tiêu chuẩn.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, một số tỉnh miền núi, vùng cao có dân số dưới 900.000 người bao gồm: Bắc Kạn (313.905 người), Lai Châu (460.196 người), Cao Bằng (530.341 người), Kon Tum (540.341 người), Điện Biên (598.856 người), Đắk Nông (622.168 người), Lào Cai (730.420 người), Lạng Sơn (781.655 người), Tuyên Quang (784.811 người), Yên Bái (821.030 người), Hà Giang (854.679 người).
Một số tỉnh khác có dân số dưới 1.400.000 người gồm: Ninh Thuận (590.467 người), Quảng Trị (632.375 người), Hậu Giang (733.017 người), Hà Nam (852.800 người), Hòa Bình (854.131 người), Phú Yên (872.964 người), Quảng Bình (895.430 người), Bạc Liêu (907.236 người), Ninh Bình (982.487 người), Trà Vinh (1.009.168 người), Vĩnh Long (1.022.791 người).

Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, một số tỉnh miền núi, vùng cao có diện tích dưới 8.000km2 gồm: Bắc Kạn 4.859,96km2, Tuyên Quang 5.867,9km2, Lào Cai 6.364km2, Đắk Nông 6.509,3km2, Cao Bằng 6.700,3km2, Yên Bái 6.887,7km2, Hà Giang 7.929,5km2.
Một số tỉnh khác có diện tích dưới 5.000km2 gồm Bắc Ninh 822,7km2, Hà Nam 860,9km2, Hưng Yên 930,2km2, Vĩnh Phúc 1.235,2km2, Ninh Bình 1.387km2, Thái Bình 1.570,5km2, Hải Dương 1.668,2km2, Bà Rịa - Vũng Tàu 1.980,8km2, Trà Vinh 2.358,2km2, Tiền Giang 2.510,5km2, Bình Dương 2.694,7km2, Sóc Trăng 3.311,8km2, Phú Thọ 3.534,6km2, Thái Nguyên 3.536,4km2, An Giang 3.536,7km2, Bắc Giang 3.851,4km2, Tây Ninh 4.041,4km2, Long An 4.490,2km2, Hòa Bình 4.591km2, Quảng Trị 4.739,8km2.
Qua đó, có thể thấy một số tỉnh không đạt đồng thời cả hai tiêu chí về diện tích và dân số.
Cụ thể, đối với khu vực miền núi, vùng cao, các tỉnh gồm Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Đắk Nông, Cao Bằng, Yên Bái, Hà Giang.
Đối với các tỉnh còn lại, các địa phương gồm Quảng Trị, Hậu Giang, Hà Nam, Hòa Bình, Bạc Liêu, Ninh Bình, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Phúc, Tây Ninh, Sóc Trăng, Hưng Yên, Thái Nguyên, Bến Tre, Bắc Ninh.