Aa

TP.HCM gỡ khó cho dự án nhà ở xã hội phục vụ công nhân

Thứ Tư, 22/11/2017 - 00:00

UBND TP.HCM vừa có văn bản giao Sở Xây dựng theo dõi, kiểm tra tiến độ thực hiện các dự án nhà ở xã hội phục vụ cho công nhân, kịp thời đề xuất UBND TP giải quyết vướng mắc, khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện các dự án.

TP.HCM đã đề ra kế hoạch, đến năm 2020, thành phố phải có thêm 200.000 chỗ ở cho công nhân với diện tích nhà ở bình quân là 19,8m2/người, nhằm giải quyết nhu cầu về nhà ở cho người lao động. Tuy nhiên đến nay, việc triển khai phát triển các dự án nhà ở cho công nhân trên địa bàn rất chậm so với kế hoạch.

trong khi nhà ở xã hội cho công nhân không thể phát triển được thì hàng chục ngàng căn hộ tái định cư lại bị TP.HCM bỏ hang phí.

Trong khi nhà ở xã hội cho công nhân không thể phát triển được thì hàng chục ngàn căn hộ tái định cư lại bị TP.HCM bỏ hoang phí.

Trong khi đó, số liệu mà Ban quản lý Khu chế xuất – Khu Công nghiệp (KCX – KCN), TP.HCM đưa ra về số lượng công nhân mỗi năm đều tăng cao, hiện TP.HCM là nơi có số lượng người lao động nhập cư vào hàng đông nhất cả nước (khoảng 1,2 triệu người), trong đó 245.000 người hiện đang là công nhân tại các KCN - KCX có nhu cầu về nhà ở.

Trước sự chậm trễ trong việc phát triển các dự án nhà ở xã hội cho công nhân, ông Võ Văn Hoan Chánh văn phòng Sở Xây dựng TP.HCM cho biết TP giao Sở Xây dựng tìm hiểu khó khăn của các chủ đầu tư dự án, sau đó báo cáo với Chủ tịch UBND TP. Từ đó UBND TP sẽ căn cứ trên đề xuất của Sở Xây dựng để điều chỉnh Quy chế quản lý nhà cho công nhân, người lao động thuê để ở trên địa bàn TP, đảm bảo phù hợp với quy định hiện hành; đồng thời điều chỉnh chính sách cho vay vốn và hỗ trợ lãi vay ưu đãi kích cầu cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội phục vụ cho công nhân trên địa bàn TP.

Trước văn bản của UBND TP, đại diện Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, thành phố vẫn luôn nỗ lực thực hiện chương trình xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, đặc biệt là công nhân. Từ năm 2006 đến nay, TP.HCM đã hoàn thành được 5.514 căn hộ với 39.500 chỗ ở và hiện nay thành phố đang tiếp tục thực hiện triển khai 39 dự án xây dựng nhà ở xã hội với gần 43.700 căn hộ. Ngoài ra, có 94 dự án phát triển nhà ở thương mại có dành quỹ đất để xây nhà ở xã hội với số lượng 157.000 căn.

“Từ nhu cầu thực tế của người lao động, TP.HCM đang chủ trương khuyến khích xã hội hóa nhà ở dành cho công nhân bằng việc kêu gọi các nhà đầu tư là tư nhân xây nhà trọ cho thuê. Dự kiến đến năm 2020, TP.HCM sẽ phát triển những dự án nhà ở xã hội cho công nhân với giá bán thấp nhất, đáp ứng khoảng 200.000 chỗ ở cho người lao động, cụ thể là công nhân đang làm việc tại các KCN – KCX của thành phố”, ông Võ Văn Hoan cho biết thêm.

Đại diện các doanh nghiệp địa ốc trên địa bàn TP.HCM đang tham gia xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân thì cho rằng, tuy Nhà nước đã có chính sách miễn giảm thuế sử dụng đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, cho vay với lãi suất ưu đãi để phát triển nhà ở xã hội nhưng trên thực tế, các quy trình, thủ tục để triển khai một dự án nhà ở xã hội lại vô cùng phức tạp, mất nhiều thời gian, ít nhất là 2 năm. Đó là lý do khiến đa số doanh nghiệp, chủ đầu tư thờ ơ với phân khúc nhà ở xã hội.

Ông Châu Thanh Hãn, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Phú Cường cho biết, quy trình thủ tục rất chậm có khi đến vài năm. Nếu làm nhà ở xã hội tập trung vào 1 đầu mối, thời gian làm thủ tục chỉ 6 tháng sẽ rất thuận lợi cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, công tác giải tỏa đền bù, hồ sơ quy hoạch, hồ sơ xin giấy phép xây dựng cho đến khi hoàn thành dự án nhà ở xã hội để bán cho đúng người có thu nhập thấp tại TP.HCM rất nan giải. Ngoài việc bị khống chế về diện tích (từ 25-72m2), mức lợi nhuận không quá 10%, chủ đầu tư còn phải liên kết với ngân hàng, Sở xây dựng và chính quyền địa phương để xác minh hồ sơ của người mua.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành cho rằng, UBND TP.HCM cần thành lập một Ban, hoặc một Văn phòng phát triển nhà ở xã hội trực thuộc Ủy ban, từ đó mới giảm được các thủ tục và giải quyết nhanh chóng yêu cầu của các doanh nghiệp.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top