Sáng 15/4, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị với các Chủ tịch, Tổng giám đốc của một số Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước (DNNN), nhằm thúc đẩy chuyển đổi số và tăng trưởng kinh tế. Hội nghị có sự tham dự của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, lãnh đạo các bộ, ngành và đại diện 68 DNNN hoạt động trong các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế.
Doanh nghiệp Nhà nước nộp ngân sách gần 400.000 tỷ đồng, tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt trong chuyển đổi số
Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm cho biết, tính đến năm 2024, 671 DNNN (bao gồm 473 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn và 198 doanh nghiệp có trên 50% vốn Nhà nước) đang nắm giữ tổng tài sản lên tới hơn 5,6 triệu tỷ đồng, tăng 45% so với năm 2023. Vốn chủ sở hữu đạt gần 3 triệu tỷ đồng.
Về hiệu quả hoạt động, khối DNNN cũng ghi nhận lợi nhuận trước thuế khoảng 227.500 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, số tiền nộp ngân sách nhà nước tiệm cận mốc 400.000 tỷ đồng, tăng 9%.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm trình bày báo cáo tại Hội nghị. (Ảnh VGP/Nhật Bắc)
Trong tiến trình chuyển đổi số, nhiều DNNN đã thể hiện vai trò dẫn dắt. Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm, các DNNN trong lĩnh vực công nghệ số, VNPT và Tổng Công ty Viễn thông MobiFone đã thể hiện rõ nét vai trò dẫn dắt trong chuyển đổi số, xây dựng hạ tầng số cho các cơ quan của Chính phủ và nhiều địa phương, tổ chức, doanh nghiệp; phát triển và ứng dụng thành công các sản phẩm chuyển đổi số về dịch vụ khách hàng… Viettel đã và đang thực hiện mục tiêu trở thành Tập đoàn công nghệ, kinh doanh toàn cầu, thực hiện thắng lợi chuyển đổi số, tiên phong kiến tạo xã hội số và là nòng cốt xây dựng tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao.
Bên cạnh đó, nhóm "Big 4" ngân hàng quốc doanh như Vietcombank, Agribank... cũng đang đẩy mạnh chiến lược số hóa. Các nền tảng ngân hàng số do các đơn vị này triển khai hiện tích hợp nhiều công nghệ bảo mật tiên tiến, nâng cao trải nghiệm người dùng và hiệu quả vận hành.
Tuy nhiên, dù đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm thẳng thắn chỉ ra rằng DNNN vẫn còn một số tồn tại trong việc thực hiện chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, hiệu quả hoạt động chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ; năng lực cạnh tranh, khoa học công nghệ còn hạn chế; công cụ quản trị kinh doanh còn chậm đổi mới, chưa làm chủ công nghệ lõi trong chuyển đổi số.
Phấn đấu có ít nhất 10 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm khu vực và thế giới
Trước thực trạng đó, để phát huy vai trò của DNNN tiên phong trong chuyển đổi số và thúc đẩy tăng trưởng hai con số, phát triển đất nước nhanh và bền vững, Bộ Tài chính đề xuất các cơ quan, doanh nghiệp cần tập trung một số giải pháp chủ yếu.
Đó là tạo đột phá, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới. Tập trung hoàn thiện các quy định để cụ thể hóa các cơ chế, chính sách tại Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị. Hoàn thiện pháp luật, cơ chế chính sách về chuyển đổi số; đồng bộ các quy định pháp luật, cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đầu tư vào các ngành công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao, logistic và hạ tầng thông minh...
Bên cạnh đó, tập trung thực hiện cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực; nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Cụ thể, trong lĩnh vực nông nghiệp, DNNN cần tập trung chuyển mạnh tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, ưu tiên phát triển trồng trọt tuần hoàn, phát thải carbon thấp.
Đối với ngành dịch vụ, cần phát triển các sản phẩm dịch vụ có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, có lợi thế cạnh tranh, đồng thời hình thành một số trung tâm dịch vụ du lịch chất lượng cao, mang thương hiệu Việt.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đề xuất giao nhiệm vụ cụ thể cho từng doanh nghiệp công nghệ trong nước triển khai nội địa hóa các công nghệ nền tảng như Cloud, AI, Big Data… kèm theo cơ chế chính sách hỗ trợ nghiên cứu và phát triển.
Song song với đó, xây dựng cơ chế giúp DNNN tiếp cận các Quỹ đầu tư công nghệ, Quỹ đầu tư mạo hiểm… của Nhà nước để có nguồn kinh phí triển khai thử nghiệm các công nghệ mới, đổi mới mô hình hoạt động với độ rủi ro cao.
Với các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan đại diện chủ sở hữu, Bộ Tài chính cho rằng, cần ưu tiên nguồn lực quốc gia đầu tư cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Mục tiêu là phấn đấu đến năm 2045, tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ số tương đương các nước phát triển; tối thiểu 10 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các nước tiên tiến.
Theo ông Nguyễn Đức Tâm, Bộ Tài chính sẽ sớm hoàn thiện các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đồng thời, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng được yêu cầu bố trí ít nhất 15% ngân sách chi sự nghiệp khoa học để phục vụ cho việc nghiên cứu và phát triển các công nghệ chiến lược./.