Theo Savills Việt Nam, tính đến tháng 6/2023, Việt Nam có 2.508 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến từ các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU), với tổng vốn đầu tư đăng ký lên đến 28,91 tỷ USD. Năm 2016, con số này chỉ ở mức 18 tỷ USD từ 1.623 dự án.
Các quốc gia châu Âu đóng góp một phần quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Việt Nam thông qua FDI. Trong đó, Hà Lan dẫn đầu với 427 dự án và tổng vốn đầu tư 14,1 tỷ USD, bằng 49% vốn đầu tư của Liên minh châu Âu vào Việt Nam.
Một số nhà đầu tư Hà Lan lớn có thể đến là FrieslandCampina, De Heus, Unilever, Philips, AkzoNobel, Shell và Damen. Một nhà đầu tư khác là công ty sản xuất chip ASML Holding đã thăm Việt Nam để đánh giá khả năng thành lập các cơ sở sản xuất mới ở Đông Nam Á.
Pháp giữ vị trí tiếp theo với 3,8 tỷ USD tổng vốn đầu tư, trong đó Sanofi đã đầu tư mạnh mẽ trong ngành dược phẩm tại Việt Nam. Đức và Đan Mạch cũng đóng góp lớn với việc thúc đẩy các dự án sản xuất và đầu tư lớn. Đơn cử như LEGO đã đầu tư 1 tỷ USD vào nhà máy sản xuất đồ chơi tại Việt Nam, mở đầu cho sự gia tăng đầu tư của các nhà sản xuất châu Âu khác vào thị trường này.
Ông John Campbell, Phó Giám đốc, Trưởng Bộ phận Dịch vụ Công nghiệp Savills Việt Nam cho biết, năm 2023 có đến 3 thương vụ đội ngũ này thực hiện với các doanh nghiệp đến từ Đức là Fuchs, farmas và J. Wagner. Cùng với đó, Việt Nam đã ký kết 15 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) và đang đàm phán thêm 3 FTA khác.
"Việt Nam đang tham gia vào nhiều hiệp định thương mại hơn hầu hết các đối tác trong khu vực. EVFTA, có hiệu lực từ năm 2020, đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và các quốc gia châu Âu", ông nói.
Riêng với thị trường Hoa Kỳ, ông John Campbell cho rằng, chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden và việc Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp mối quan hệ hợp tác toàn diện, sự quan tâm của các nhà đầu tư đến từ thị trường này trong thời gian tới được kỳ vọng sẽ gia tăng.
"Sự kiện này mới chỉ diễn ra cách đây khoảng 1 tháng và mất một khoảng thời gian nữa mới có thể thấy được những tác động rõ rệt, nhưng trong thời điểm vừa qua, chúng tôi đã gặp rất nhiều nhà đầu tư Hoa Kỳ đến thăm các dự án tại Việt Nam. Trong đó, các ngành sản xuất, chế tạo, và công nghệ điện tử chiếm đa số", ông cho hay.
Đặc biệt, vị chuyên gia này cho biết, tháng 9 Apple công bố đã hoàn tất việc chuyển 11 nhà máy sản xuất các thiết bị nghe nhìn vào Việt Nam. Google cũng đưa Việt Nam vào danh sách các thị trường tiềm năng được công ty này cân nhắc đầu tư tại Đông Nam Á trong thời gian tới.
Tập trung thu hút vốn đầu tư có giá trị gia tăng cao
Giai đoạn 2016-2022, Việt Nam ghi nhận sự tăng đột biến trong doanh số xuất khẩu điện tử và điện thoại. Cụ thể, giá trị xuất khẩu của các sản phẩm điện tử, điện thoại và máy móc tăng trong giai đoạn này lần lượt là 193%, 68% và 336%.
Các chuyên gia Savills Việt Nam đánh giá, Việt Nam đã nỗ lực vươn lên trên chuỗi giá trị trong nhiều năm. Mục tiêu của Việt Nam không phải trở thành thị trường thay thế của Trung Quốc trên bản đồ sản xuất thế giới mà đang tập trung thu hút những khoản đầu tư có giá trị gia tăng cao bằng cách cải thiện lực lượng lao động và cơ sở hạ tầng.
Những nỗ lực này đã được không ít nhà đầu tư lớn công nhận và đưa Việt Nam vào kế hoạch phát triển trong tương lai. J.P Morgan ước tính đến năm 2025, Apple sẽ chuyển 65% tỷ lệ sản xuất AirPod, 20% iPad, 20% Apple Watch và 5% MacBook sang Việt Nam.
Đến năm 2025, Intel cũng đang mở rộng giai đoạn thứ 2 của nhà máy kiểm định vi mạch tại TP.HCM với khoản đầu tư lớn lên tới 4 tỷ USD. Các công ty Hoa Kỳ khác như Boeing, Google và Walmart đã công bố kế hoạch mở rộng mạng lưới nhà cung cấp và cơ sở sản xuất tại Việt Nam sau khi nghiên cứu thị trường.
Để thu hút các nhà đầu tư lớn này, chuyên gia Savills nhận định, nhà phát triển khu công nghiệp Việt Nam nên tập trung vào các dịch vụ giá trị gia tăng và các ưu đãi ngoài giá cả và giá thuê như: Dịch vụ gia nhập thị trường, hỗ trợ nhân sự và pháp lý, dịch vụ quản lý, sáng kiến bền vững...