Theo trang South China Morning Post, Việt Nam đang nhanh chóng trở thành thị trường đầu tư BĐS “nóng” nhất trong khu vực châu Á, lọt vào tầm ngắm của các nhà đầu tư địa ốc đến từ Hồng Kông và Trung Quốc khi giá nhà ở tại đây liên tục tăng vượt trần trong thời gian qua.
Anh Alex Shen, một nhân viên trong ngành tài chính tại Hồng Kông cho biết, tháng trước, anh vừa đồng ý ký kết hợp đồng mua lại một căn hộ cao cấp ba phòng ngủ tại một quận nội thành TP.HCM với giá 8,75 tỷ đồng. Anh Shen cũng kỳ vọng rằng trong tương lai giá trị của căn hộ mà anh đã mua sẽ tăng nhanh.
“Giá nhà ở tại Việt Nam vẫn được coi là khá thấp nếu so với giá nhà ở tại Hồng Kông hay Trung Quốc. Bên cạnh đó, chính phủ Việt Nam cũng có nhiều biện pháp kích thích, thu hút khách hàng và nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy, tôi nghĩ cơ hội thành công của tôi với khoản đầu tư tại Việt Nam là rất lớn”, anh Shen chia sẻ.
Được biết, trước đó, anh Shen đã từng mua một căn hộ tại Hồng Kông và có ý định mua tiếp, thế nhưng hiện tại giá nhà ở tại thị trường này đang “leo thang” khiến anh “dè dặt” hơn với túi tiền của mình.
Shen chỉ là một trong số rất nhiều nhà đầu tư đang dần “rời bỏ" thị trường địa ốc Hồng Kông và Trung Quốc đại lục để tìm kiếm những khoản đầu tư với giá cả “phải chăng” hơn ở các quốc gia khác trong khu vực Châu Á, trong đó Việt Nam được coi là “điểm đến” hấp dẫn nhất để “kiếm lời”.
Là một thành viên của ASEAN, thị trường BĐS Việt Nam đã thực hiện chính sách “cởi mở” hơn với các nhà đầu tư nước ngoài kể từ năm 2015, chỉ sau Thái Lan và Malaysia. Hầu hết các dự án nhà ở đều dành ra khoảng 30% để tập trung hướng tới các đối tượng khách hàng là người nước ngoài.
Được thúc đẩy bởi tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ cùng chi phí đầu vào thấp, Hà Nội và TP.HCM là hai thị trường địa ốc “nóng nhất” hiện nay với số lượng các nhà đầu tư nước ngoài đông đảo.
Theo Hiệp hội BĐS TP.HCM, ước tính từ tháng 7/2015 cho đến cuối quý 1 năm 2016 đã có khoảng 700 khách hàng là người nước ngoài thực hiện giao dịch mua bán nhà ở tại thành phố này. Lượng đầu tư nhiều, giá nhà ở tại hai thành phố “đầu tàu” này cũng đã “nóng” lên đáng kể trong những năm gần đây.
Các khách hàng là người nước ngoài khá đa dạng, tuy nhiên, nhiều nhất và sẽ tăng nhanh trong thời gian tới được dự đoán là các nhà đầu tư đến từ Hồng Kông và Trung Quốc. Theo ông Kingston Lai, nhà sáng lập đồng thời là CEO của Câu lạc bộ các Ngân hàng Châu Á (Asia Bankers Club), có khoảng hơn 300 nhà đầu tư cá nhân đã tham dự Hội thảo đầu tư BĐS Việt Nam được tổ chức vào Hồng Kông hồi tháng trước. Trước đây, chỉ có những “ông lớn” tầm cỡ mới “rót tiên” vào thị trường địa ốc Việt Nam, tuy nhiên qua hội thảo, thấy được rằng ngày càng nhiều nhà đầu tư, kể cả những nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng đang “rục rịch” tìm kiếm những cơ hội sinh lời tại thị trường được coi là phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á này.
Câu hỏi đặt ra là tại sao các nhà đầu tư Hồng Kông và Trung Quốc ưa chuộng BĐS Việt Nam hơn các nước khác trong khu vực.
Thứ nhất là bởi lượng khách hàng tiềm năng lớn. Ông Lai cho biết, mới đây, “ông lớn” ngành công nghệ Samsung đã thực hiện một chiến dịch mở rộng thị trường quy mô lớn tại Hà Nội. Khoảng 45.000 nhân công và lao động được đưa đến làm việc tại đây, tất yếu kéo theo số lượng người Hàn sống tại thành phố này ngày càng tăng nhanh. Đây là lượng khách hàng vô cùng tiềm năng đối với cả thị trường cho thuê và bán.
Thứ hai là giá cả nhà ở thấp. Theo số liệu thống kê cho thấy, ngay cả ở những khu vực trung tâm của TP.HCM, giá cả của những sản phẩm BĐS cao cấp cũng chỉ dao động từ 68 triệu đồng cho đến 113,6 triệu đồng/m2. Con số này thấp hơn rất nhiều so với giá cả tại thị trường Thái Lan (khoảng từ 159 triệu đồng đến 204,5 triệu đồng/m2).
Thứ ba là tỷ lệ lợi nhuận từ việc cho thuê lại cao. Theo VinaCapital, lợi nhuận cho thuê lại các căn hộ ở những thành phố lớn của Việt Nam hiện nay dao động trong khoảng 7-8%, cao hơn từ 1,5-2,5% so với các khu vực khác như Thái Lan, Hồng Kông, Singapore.
Hà Nội và TP.HCM là những điểm đến ưa thích của các nhà đầu tư Hồng Kông và Trung Quốc. Ông Stephen Wyatt, Giám đốc của JLL Việt Nam cho biết: “Khách hàng nước ngoài thường thích các quận nội thành mới như Quận 2 và Quận 7 của TP.HCM. Họ kỳ vọng hai quận này sẽ đạt được sự tăng trưởng như Thượng Hải và Bắc Kinh”. “Bên cạnh những thành phố lớn, các nhà đầu tư ngoại cũng có xu hướng đầu tư tại các thành phố thuộc khu vực duyên hải như Đà Nẵng”, ông nói thêm.
Tuy có tiềm năng “sinh lời” khá tốt, tuy nhiên các nhà đầu tư cũng tỏ ra khá thận trọng khi giá cả nhà ở tại Việt Nam đang có xu hướng tăng nhanh. Theo dữ liệu từ JLL, tại TP.HCM, giá cả các căn hộ mới chào bán đã tăng 6,9% trong quý đầu tiên của năm 2017, còn tại Hà Nội là 7,3%.