Đó là nhận định của ông Lars Wittig, Phó Chủ tịch Bộ phận Kinh doanh của IWG - nhà đầu tư đã có mặt 20 năm tại thị trường Việt Nam với thương hiệu Regus. Đặc biệt, đại diện nhà đầu tư đến từ Thuỵ Sỹ IWG cho rằng, Hà Nội đang là thị trường mở cho các nhà phát triển co-working. Vì lý do đó, ngày 7/5, IWG tiếp tục ra mắt thương hiệu co-working Spaces tại toà nhà Belvedere trên đường Trần Hưng Đạo, Hà Nội.
Không gian làm việc chung đã trở thành một xu hướng mới nổi và đang trên đà nở rộ trong một vài năm trở lại đây. Bởi vì tại các nước phát triển, điều quan trọng giờ đây không phải làm trong lĩnh vực nào và ở đâu mà là cách làm việc như thế nào.
Phân khúc co-working, mô hình phát triển từ thị trường mặt bằng văn phòng dịch vụ, đã và đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, đặc biệt là tại TP.HCM, Hà Nội và nay đang lan ra các thành phố khác như Đà Nẵng, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu,...
Đối với người lao động tự do, khác với làm việc tại văn phòng truyền thống hay làm việc tại nhà, mô hình co-working cho phép họ quyền lựa chọn làm việc độc lập trong không gian riêng hoặc trò chuyện, trao đổi và chia sẻ ý tưởng với những người đồng quan điểm.
Nhiều người tin rằng môi trường như vậy tạo điều kiện để bản thân người lao động phát triển và làm việc hiệu quả hơn, vì vậy mà mô hình co-working đang ngày càng được ưa chuộng.
Sáng tạo và linh hoạt là 2 giá trị đang ngày càng được đánh giá cao, và một cách tự nhiên, phân khúc co-working đã phát triển để đáp ứng nhu cầu của một thế hệ doanh nghiệp mới.
Một số người có thể hoài nghi về tốc độ tăng trưởng chóng mặt của co-working, nhưng rõ ràng là mô hình này đã và đang đáp ứng cho một nguồn cầu chưa được thỏa mãn trên thị trường văn phòng. Tại Việt Nam, mô hình này đã lan rộng tại các thành phố lớn và vẫn tiếp tục thu hút vốn đầu tư.
Dù quy mô thị trường ở Việt Nam được đánh giá còn nhỏ, song chỉ riêng Hà Nội đến nay đã có hơn 20 địa điểm co-working khác nhau với những tên tuổi tầm cỡ như Regus, Toong, Up…Tuy nhiên, Jones Lang LaSalle (JLL) dự đoán nguồn cung ở Việt Nam sẽ tăng lên theo cấp số nhân trong vài năm tới.
Cũng đồng quan điểm này, trong buổi ra mắt địa điểm co-working mới tại Hà Nội, đại diện IWG còn nhấn mạnh, Việt Nam được xem là địa điểm đầu tư ưu tiên của công ty này.
Phó Chủ tịch Bộ phận Kinh doanh của IWG cho ASEAN, Đài Loan và Hàn Quốc cho biết, tiềm năng phát triển không gian làm việc chung ở Việt Nam rất lớn, có thể nói là lớn nhất ở khu vực châu Á. “Chúng tôi đặt mục tiêu cung cấp 30 địa điểm co-working cho thị trường như ở Philippines. Với tốc độ phát triển của kinh tế Việt Nam như hiện nay thì hoàn toàn có thể bắt kịp Philippines và Thái Lan về xu hướng này”, ông Lars Wittig nhận định.
Dù Việt Nam được đánh giá là thị trường hấp dẫn và nhiều tiềm năng của co-working, nhưng các thương hiệu cũng phải có chính sách cạnh tranh khác biệt để dành khách hàng. Đặc biệt, tại thị trường mới, nhà đầu tư còn phải gây dựng ý thức của khách hàng tiềm năng về môi trường làm việc co-working.
Khó khăn của các nhà đầu tư là việc lựa chọn mặt bằng, cân đối chi phí để đem lại giá thành hợp lý hơn đối thủ nhưng vẫn phải có dịch vụ mang tính đột phá.
Khảo sát thị trường cho thấy, mức giá thuê theo gói thành viên tại các địa điểm không gian làm việc co-working trung bình ở khoảng 1,5-3 triệu đồng/tháng. Chẳng hạn như KiCoworking, mức giá cho chỗ ngồi cá nhân là 2 triệu đồng/tháng và thường có mức giảm 30% xuống còn 1,5 triệu đồng/tháng, trong khi khách hàng của GoGo phải trả 2 triệu đồng/tháng.
Còn mức giá thuê tại Spaces trong thời gian ngắn nhất là 1,6 triệu đồng/người/3 tuần, ngang với phí thuê tại Regus trong vòng một tháng. Đại diện hãng này cho biết với thẻ thành viên có thể làm việc linh động ở gần 3.300 địa điểm khác nhau mang thương hiệu Regus và Spaces trên toàn cầu.
Đối với các doanh nghiệp nhỏ, co-working là giải pháp tiết kiệm chi phí hơn so với thuê văn phòng truyền thống bởi diện tích cho thuê thường lớn hơn nhiều so với nhu cầu về mặt bằng của các công ty này.