Aa

Vietcombank Thanh Xuân cùng ngành ngân hàng chuyển đổi số theo Nghị quyết số 02-NQ/ĐUK

Thứ Sáu, 15/11/2024 - 15:55

Thực hiện theo Nghị quyết số 02-NQ/ĐUK và chỉ đạo của Trụ Sở Chính, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh Thanh Xuân (Vietcombank Thanh Xuân) luôn chủ động ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh, nâng cao năng suất lao động và gia tăng hiệu quả kinh doanh.

Nghị quyết số 02-NQ/ĐUK ngày 07/06/2021 của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương ban hành nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp nhà nước thuộc Khối Doanh nghiệp Trung ương. Đây là bước đi chiến lược giúp các doanh nghiệp thích ứng với xu hướng công nghệ, cải thiện năng suất và năng lực cạnh tranh. Nghị quyết đưa ra tầm nhìn đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 với nhiều mục tiêu, nội dung cụ thể. Mục tiêu đến năm 2025 là đạt được sự chuyển đổi cơ bản trong các hoạt động cốt lõi, với việc ứng dụng công nghệ thông tin và số hóa mạnh mẽ để nâng cao năng suất, chất lượng và tính minh bạch trong hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước. Và tầm nhìn đến năm 2030 là đạt được chuyển đổi số toàn diện trong các doanh nghiệp nhà nước, nâng cao năng lực cạnh tranh và góp phần phát triển nền kinh tế số của quốc gia, hướng đến tích hợp vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nghị quyết đã tạo động lực cho các doanh nghiệp nhà nước trong khối doanh nghiệp Trung ương đưa công nghệ vào trung tâm của chiến lược phát triển và định hướng doanh nghiệp thích ứng nhanh hơn với xu hướng kinh tế số hiện nay.

Các nhóm giải pháp triển khai theo Nghị quyết như xây dựng hạ tầng số, phát triển năng lực số của nguồn nhân lực, áp dụng công nghệ hiện đại như AI, Big Data, IoT vào quy trình quản lý và sản xuất kinh doanh đã được áp dụng. Nhiều doanh nghiệp lớn thuộc Khối Doanh nghiệp Trung ương đã triển khai các dự án chuyển đổi số hiệu quả, thực hiện ứng dụng các hệ thống ERP, tự động hóa sản xuất, tối ưu hóa vận hành và quản trị doanh nghiệp qua nền tảng số. Các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số đã có những cải tiến rõ rệt trong hoạt động kinh doanh, nâng cao hiệu quả quản lý và tiết kiệm chi phí vận hành. Các mô hình kinh doanh mới xuất hiện, nhiều doanh nghiệp bắt đầu tối ưu hóa các sản phẩm và dịch vụ dựa trên dữ liệu, đáp ứng nhanh chóng hơn nhu cầu của khách hàng, từ đó nâng cao được năng lực cạnh tranh, quản lý và kiểm soát rủi ro.

Đối với ngành ngân hàng, chuyển đổi số là một trong những mục tiêu trọng tâm nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ, tối ưu hóa chi phí, và đáp ứng yêu cầu của khách hàng trong kỷ nguyên số. Các ngân hàng Thương mại cổ phần nói chung và các ngân hàng có vốn của Nhà nước nói riêng đều đang tập trung cho công tác chuyển đổi số, triển khai nhiều dự án số hóa để nâng cao năng lực cạnh tranh và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Cả nước có hơn 87% người trưởng thành có tài khoản thanh toán tại Ngân hàng và đã có nhiều ngân hàng có trên 95% giao dịch tại các ngân hàng đã được thực hiện qua các nền tảng trực tuyến (mobile banking, internet banking), giúp giảm tải cho các quầy dịch vụ tại chi nhánh và phòng giao dịch. Tăng trưởng về số lượng giao dịch thanh toán qua di động (Mobile) và QR code bình quân qua các năm 2017 - 2023 đạt trên 100%/năm.

Số lượng người dùng sử dụng dịch vụ ngân hàng số tăng lên đáng kể, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19. Hiện nay, các ngân hàng lớn đều ghi nhận tăng trưởng 40%-50% về số lượng khách hàng đăng ký dịch vụ ngân hàng số mỗi năm. Tỷ lệ khách hàng cá nhân sử dụng dịch vụ ngân hàng số ở các ngân hàng này chiếm khoảng 60% - 70% tổng số khách hàng cá nhân.

Với mục tiêu tối ưu hóa chi phí, tăng cường quản trị rủi ro, các ngân hàng đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) vào các quy trình như: phân tích hành vi khách hàng, phát hiện gian lận, và marketing. Ứng dụng AI giúp giảm tỷ lệ gian lận lên đến 30% so với trước đây, góp phần nâng cao tính an toàn của hệ thống. Chi phí hoạt động giảm từ 10% - 15% thông qua tự động hóa quy trình nội bộ và dịch vụ khách hàng. Một số ngân hàng sử dụng các giải pháp RPA (Robotic Process Automation) để tự động hóa các công việc lặp đi lặp lại, từ đó giảm thời gian và chi phí. Ví dụ, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã sử dụng AI vào các sản phẩm dịch vụ số trong ngân hàng nhằm mang đến cho khách hàng những trải nghiệm tốt hơn mỗi ngày. Trợ lý ảo VCB Digibot trên nền tảng trí tuệ nhân tạo FPT.AI đã được sử dụng để chăm sóc khách hàng. VCB Digibot có khả năng phản hồi tức thì 24/7 và gần như chính xác các câu hỏi thường gặp của người dùng ở hầu hết mảng nghiệp vụ có nhu cầu hỗ trợ như thẻ, cho vay, lãi suất, thông tin ưu đãi, tỷ giá, mạng lưới… Nếu khách hàng có yêu cầu hỗ trợ ngoài phạm vi tư vấn, VCB Digibot này có thể chuyển tiếp đến tư vấn viên để tiếp tục hỗ trợ xử lý các nghiệp vụ chuyên sâu hơn.

Vietcombank Thanh Xuân cùng ngành ngân hàng chuyển đổi số theo Nghị quyết số 02-NQ/ĐUK- Ảnh 1.

Ảnh 1: Các dịch vụ ngân hàng số Vietcombank cung cấp đến Khách hàng

Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) bên cạnh tối ưu hóa chi phí, còn làm tăng trải nghiệm tích cực từ Khách hàng. Thời gian xử lý giao dịch của các dịch vụ khách hàng được giảm trung bình khoảng 50% nhờ số hóa và tự động hóa các quy trình. Khách hàng có thể mở tài khoản, đăng ký vay hoặc thanh toán chỉ trong vài phút qua ứng dụng. Các dịch vụ chatbot tự động trả lời khách hàng đã giúp giảm 60% lượng công việc tại các trung tâm hỗ trợ khách hàng, đặc biệt trong giờ cao điểm.

Ứng dụng công nghệ và thực hiện chuyển đổi số không chỉ bó hẹp trong khu vực thành thị, đã mở rộng tới các khu vực nông thôn và vùng sâu vùng xa, giúp tăng tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng. Tính đến cuối năm 2023, các ngân hàng trong khối đã phủ sóng dịch vụ ngân hàng số tại 100% huyện và xã trên cả nước.

Các sản phẩm tài chính số như ví điện tử, thẻ ảo, và các khoản vay tiêu dùng trực tuyến đã được phát triển đa dạng, từng bước liên tục đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dùng. Tỷ lệ sử dụng sản phẩm tài chính số tăng khoảng 40% mỗi năm, cho thấy sự đón nhận tích cực từ phía khách hàng.

Chiến lược chuyển đổi số đã mang lại những kết quả tích cực cho hoạt động ngân hàng. Tỷ lệ thu nhập ngoài lãi (NFI) từ dịch vụ số đã tăng từ 25% lên đến khoảng 35% tổng thu nhập. Tăng trưởng lợi nhuận từ ngân hàng số trung bình đạt 20%-25% mỗi năm nhờ vào việc tối ưu hóa chi phí và tăng cường khả năng đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Các dịch vụ như chuyển tiền, thanh toán hóa đơn trực tuyến, và các sản phẩm đầu tư qua nền tảng số đã trở thành nguồn thu quan trọng cho các ngân hàng.

Thực hiện theo Nghị quyết số 02-NQ/ĐUK và chỉ đạo của Trụ Sở Chính, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh Thanh Xuân (Vietcombank Thanh Xuân) luôn chủ động ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh, nâng cao năng suất lao động và gia tăng hiệu quả kinh doanh. Vietcombank Thanh Xuân luôn tích cực tham vấn cho khách hàng về hiệu quả của việc chuyển đổi số để đồng hành cùng Khách hàng trong quá trình chuyển đổi số. Với việc áp dụng chuyển đổi số cùng Vietcombank Thanh Xuân, khách hàng đã nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm chi phí thông qua giảm thiểu thời gian tác nghiệp với các giao dịch ngân hàng, chi phí in ấn, vận chuyển chứng từ, nâng cao bảo mật, kiểm soát rủi ro…Bên cạnh đó, trên cơ sở nghiên cứu đặc điểm hoạt động của Khách hàng, Vietcombank Thanh Xuân đã cung cấp các dịch vụ quản lý tài khoản nâng cao, quản lý dòng tiền thu, kết nối hệ thống đưa đến các giải pháp chuyên biệt đến toàn bộ hệ sinh thái của Khách hàng (đối tác đầu vào/đầu ra, các công ty trong nhóm), các dịch vụ đối soát, quản lý vốn, nhập liệu tự động…

cid:69676ba8-2e1f-448e-ba57-066e267cd6c8@apcprd06.prod.outlook.com

Ảnh 2: Vietcombank Thanh Xuân tham dự Triển lãm quốc tế đổi mới sáng tạo Việt Nam

Bên cạnh kết quả gia tăng cung ứng các dịch vụ đến Khách hàng hiện hữu, Vietcombank Thanh Xuân liên tục nâng cao sức cạnh trạnh và là đối tác lựa chọn của các Khách hàng mới. Số lượng khách hàng cá nhân mở mới tài khoản Digibank tăng qua các năm, đạt ấn tượng trung bình đến 20.000 tài khoản mới trong năm; số lượng khách hàng tổ chức sử dụng các dịch vụ ngân hàng số tại Vietcombank Thanh Xuân đạt trung bình gần 300 khách hàng/năm, số lượng đơn vị chấp nhận thẻ tăng đều qua các năm. Kết quả là, Vietcombank Thanh Xuân đã dịch chuyển tăng tỷ trọng thu ngoài lãi và cơ cấu nguồn vốn khi tỷ trọng tiền gửi không kì hạn liên tục gia tăng.

Ban Giám đốc Chi nhánh và tập thể cán bộ công nhân viên của Vietcombank Thanh Xuân luôn xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên để đáp ứng được nhu cầu của Khách hàng trong thời đại mới và là xương sống để tiếp tục phát triển vững chắc trong tương lai./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top