Aa

VinaCapital chỉ ra 6 nguyên nhân khiến cổ phần hoá bị tắc nghẽn

Thứ Tư, 13/06/2018 - 14:00

Nhiều nhà đầu tư đã bất ngờ khi hoạt động kiểm toán của Nhà nước làm giảm giá trị sổ sách của công ty sau cổ phần hoá. Không nhà đầu tư nào mong muốn điều này, theo VinaCapital.

Nền kinh tế giảm phụ thuộc vào khu vực Nhà nước

Đại diện cho Tập đoàn VinaCapital, ông Vương Tuấn Dương, Phó Giám đốc điều hành đã có một số góp ý liên quan đến vấn đề cổ phần hoá DNNN.

Ông Dương cho biết, nhìn chung cổ phần hoá các DNNN trong thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực. Điều này nhìn chung đã giảm sự tập trung của nền kinh tế vào khu vực Nhà nước, tăng hiệu quả của các doanh nghiệp này.

"Đối với nhà đầu tư, đây là điều rất quan trọng", ông Dương nói. Bởi quan điểm của nhà đầu tư là muốn rót tiền vào những nền kinh tế có tính thị trường cao, ít phụ thuộc vào Nhà nước mà "cổ phần hoá là tiêu chí đầu tiên họ nhìn vào".

Nhờ vào cổ phần hoá, hiệu quả hoạt động của các DNNN đã được tăng lên. Nguyên nhân, các DNNN sau cổ phần sẽ hoạt động minh bạch hơn, giảm lãng phí và thúc đẩy sự thích nghi với thị trường.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Lấy ví dụ nước Anh những năm 1980, ông Dương cho rằng nhờ vào cổ phần hoá, nước này đã đánh thức được những "gã khổng lồ đang ngủ gật". Theo đó, đây là bài học để Việt Nam tích cực thực hiện quá trình này.

Đại diện VinaCapital cũng cho rằng các đợt thoái vốn tiếp theo sẽ có giá trị cao hơn sau cổ phần hoá. Ông Dương nói rằng điều này đã từng xảy ra trên thị trường chứng khoán Việt Nam, là câu chuyện win – win giữa các bên tham gia.

Ngoài ra, thời gian vừa qua, việc cổ phần hoá DNNN đã giúp phát triển thị trường vốn cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Các doanh nghiệp nhờ vào đó có thể gọi vốn thuận lợi hơn thông qua phát hành trái phiếu, cổ phiếu, giảm phụ thuộc vào nguồn vốn vay ngân hàng. Nhờ đó, cơ cấu tổng thể của nền kinh tế cân bằng hơn.

6 vấn đề trong cổ phần hoá DNNN

Dù vậy, Phó Giám đốc điều hành VinaCapital cũng chỉ ra nhiều điểm cần cải thiện đối với công tác cổ phần hoá các DNNN.

Thứ nhất, ông Vương Tuấn Dương nói rằng hiện chưa có một quy trình cổ phần hoá thống nhất, khiến nhà đầu tư dù muốn cũng không dám đầu tư vào doanh nghiệp.

"Một nhà đầu tư nói với tôi rằng cách đây vài năm, họ muốn mua một công ty nhưng công ty đó lại không có bản cáo bạch bằng tiếng Anh. Họ cũng không thể gặp được lãnh đạo công ty đó. Đến khi công ty này thông tin đấu giá, thời gian được đưa ra cũng không rõ ràng lại rất ngắn. Cuối cùng, nhà đầu tư đành bỏ cuộc", ông Dương kể lại.

Do vậy, ông cho rằng cần phải chuẩn hoá quy trình cổ phần hoá DNNN, tránh bỏ qua những nhà đầu tư thực sự tốt, có thiện ý muốn mua công ty.

Thứ hai, vị đại diện VinaCapital cho rằng ban điều hành doanh nghiệp đang thiếu động lực. Ông cho rằng để thúc đẩy quá trình cổ phần hoá hiệu quả, cần gắn liền lợi ích của ban lãnh đạo với công ty, ví dụ ưu đãi về cổ phần, cổ phiếu.

Theo ông Dương, điều này rất quan trọng với nhà đầu tư nước ngoài. Ông cho biết khi nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào công ty, họ thường muốn rằng lãnh đạo công ty đó có sở hữu cổ phần, vì chỉ khi có lợi ích cá nhân ở đấy, ban lãnh đạo này sẽ hoạt động hiệu quả hơn.

Thứ ba, hiện giá chào bán của nhiều DNNN không thực tế khiến cho các thương vụ không thành công, khiến nhà đầu tư mất niềm tin. Mấu chốt ở đây, ông Dương cho rằng cần phải tăng cường khâu tư vấn.

"Các nhà tư vấn là người hiểu rõ nhu cầu và khẩu vị nhà đầu tư trên thị trường", ông nhấn mạnh. Vì vậy, ông đề xuất những đánh giá định giá về công ty phải được xem xét thực sự, không qua loa.

Ông Dương cũng cho biết trong nhiều trường hợp, ban lãnh đạo muốn giảm định giá để mua rẻ cổ phiếu hoặc định giá cao để cổ phần không bán được nhằm giữ ghế. Theo đó, cần có biện pháp khuyến khích ban điều hành lắng nghe đề xuất của các nhà tư vấn, nhằm có định giá hợp lý.

Thứ tư, Chính phủ cần phải bám sát các kế hoạch đã đề ra, không nên thay đổi dù thị trường có biến động. Bởi nhà đầu tư thường đánh giá tổng thể quá trình cổ phần hoá thay vì nhìn nhận trong ngắn hạn. Kết quả nhìn chung như cổ phần hoá được bao nhiêu doanh nghiệp trong thời gian bao nhiêu năm, sẽ khiến cho nhà đầu tư quyết định rót vốn hay không.

Bên cạnh đó, đối với các thương vụ lớn, Chính phủ, DNNN cần lên kế hoạch từ sớm để thực hiện dần từng bước, tránh thị trường không hấp thụ kịp.

Thứ năm, đại diện VinaCapital lưu ý về một trường hợp rất quan trọng, khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài bị mất niềm tin. Do thời gian gần đây, một số DNNN sau cổ phần hoá được Nhà nước kiểm toán lại, làm giảm giá trị sổ sách của công ty.

Ông Dương nhấn mạnh đây là bất ngờ mà không nhà đầu tư nào mong muốn. Nguyên nhân họ luôn nghĩ rằng công việc kiểm toán phải hoàn tất trước khi cổ phần hoá, họ mua cổ phần với niềm tin là giá trị sổ sách và lợi nhuận của doanh nghiệp tại thời điểm họ mua là chính xác.

Nếu không làm tốt khâu này, ông Dương cho biết nhà đầu tư sẽ có cảm giác bị hớ và mất niềm tin. Điều này khiến không chỉ doanh nghiệp đó không phát triển được, các lần thoái vốn tiếp theo cũng bị ảnh hưởng mà còn khiến cho các nhà đầu tư khác nghi ngờ mỗi khi DNNN mới chào bán.

Thứ sáu, hiện có trường hợp cổ đông mới bị phân biệt đối xử. Như ông Dương dẫn ra, nhiều cổ đông mới không được biết tình hình, kế hoạch làm ăn của công ty, khiến họ tự hỏi "tại sao mình lại chọn mua cổ phần". Theo đó, ông khuyến nghị cần đối xử bình đẳng, ban lãnh đạo công ty nên chia sẻ thông tin một cách nhiệt tình, không nên hời hợi với cổ đông.

Bên cạnh đó, đại diện VinaCapital cũng cho rằng theo định kỳ 6 tháng đến 1 năm, Chính phủ nên cung cấp cho cộng đồng nhà đầu tư thông tin cơ bản về kế hoạch cổ phần hoá, thoái vốn trong giai đoạn đó, những kết quả đạt được cũng như các biện pháp khắc phục nếu có vấn đề.

"Thị trường cần được biết rõ về tiến độ chương trình", ông Vương Tuấn Dương nói.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top