Aa

Vinaconex: Nhà đầu tư "ôm" trọn lô 57,7% từng là “người nhà”

Thứ Sáu, 23/11/2018 - 06:00

Một công ty gia đình đã chấp nhận trả thêm 2.000 tỷ đồng so với giá khởi điểm để có thể ôm trọn toàn bộ lô 57,7% vốn Vinaconex. Đây là lô cổ phiếu đem lại quyền lực cao nhất tại tổng công ty xây dựng lừng lẫy một thời.

Đây được cho là phiên đấu giá quá thành công khi người trúng thầu chấp nhận trả giá cao hơn 2.000 tỷ đồng để ôm trọn lô

Đây được cho là phiên đấu giá quá thành công khi người trúng thầu chấp nhận trả giá cao hơn 2.000 tỷ đồng để ôm trọn lô

Chiều ngày 22/11 đã diễn ra phiên đấu giá cổ phần Vinaconex (VCG) của SCIC và Viettel. Kết quả đấu giá 254,9 triệu cổ phần VCG, tương đương 57,71% của SCIC đã được công bố. Có một nhà đầu tư đã rút lui trước phiên đấu giá. Theo đó, có 3 nhà đầu tư đã đăng ký mua trọn lô cổ phần với mức giá lần lượt là 21.300 đồng/cổ phiếu,  22.300 đồng/cổ phiếu và cao nhất là 28.900 đồng/cổ phiếu.

Công ty TNHH An Quý Hưng là nhà đầu tư đấu giá thành công khi bỏ ra giá 28.900 đồng/cổ phiếu cho lô cổ phần mà SCIC rao bán. Như vậy, mức giá trúng thầu cả lô cao hơn 35,6% giá khởi điểm và cao hơn 50% thị giá VCG đang giao dịch trên sàn. Tại mức giá này, An Quý Hưng đã phải bỏ ra 7.367 tỷ đồng, cao hơn gần 2.000 tỷ đồng so với giá khởi điểm SCIC công bố.

Được biết, trước ngày 4/12/2018, An Quý Hưng sẽ phải trả cho SCIC 7.366,6 tỷ đồng trong khi các nhà đầu tư khác không trúng giá sẽ được hoàn trả tiền đặt cọc sau 5 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức đấu giá.

Sự thành công của phiên đấu giá này có lẽ đã được dự báo trước đó. Giới phân tích vẫn cho rằng có một sự sắp xếp ngầm khi cả 4 nhà đầu tư đăng ký mua lô lớn đều là doanh nghiệp không có tên tuổi trên thị trường, cũng không có thương hiệu trong lĩnh vực xây dựng.

Trong khi đó, Vinaconex đang được quan tâm đặc biệt khi sở hữu và quản lý quỹ đất vàng khổng lồ. Vinaconex ước có khoảng 3,2 triệu mét vuông đất, bao gồm 131,786m2 được giao tại 9 công trình và 3 triệu mét vuông đất thuê đang thực hiện đầu tư tại 7 dự án khác. Khu đất lớn nhất của Vinaconex có diện tích hơn 2,7 triệu mét vuông nằm tại Khu CN CNC2 Hòa Lạc. Bên cạnh đó, Vinaconex cũng sở hữu khu đất hơn 356.171m2 tại Khu Công nghiệp Công nghệ cao 1 (Quốc Oai, Thạch Hòa), được cho thuê mặt bằng và hạ tầng.

Cùng giờ này năm ngoái, SCIC từng chào bán 96,2 triệu cổ phần Vinaconex, tương đương 22% vốn của tổng công ty này nhưng kết quả không được như mong muốn. Đợt đấu giá đó, SCIC chỉ bán được 5,3 triệu cổ phần, tương đương 1,2% vốn điều lệ.

Công ty tư nhân trúng thầu từng là Thành viên HĐQT công ty con của Vinaconex

Theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty TNHH An Quý Hưng được thành lập năm 2001, vốn điều lệ 360 tỷ đồng. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi 2 cá nhân gồm ông Nguyễn Xuân Đông và vợ là bà Đỗ Thị Thanh. Cá nhân ông Đông cũng đứng ra đấu thầu trọn lô 57,7% vốn SCIC và có trả giá thấp hơn công ty ông sở hữu.

Công ty TNHH An Quý Hưng có tổng tài sản xấp xỉ 1.000 tỷ đồng. Năm 2017, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 956 tỷ đồng và 62,4 tỷ đồng. An Quý Hưng hoạt động trong lĩnh vực xây dựng nhà xưởng công nghiệp tại khu vực miền bắc, đầu tư bất động sản,...

3 công ty thành viên của An Quý Hưng là Công ty công nghệ vật liệu mới, công ty cổ phần truyền thông I-LanD, công ty bất động sản AQH-LAND. Một số công trình xây dựng khu công nghiệp được An Quý Hưng thực hiện như cụm công nghiệp Nam Tiến Xuân tại huyện Chương Mỹ, Hà Tây, nhà xưởng cho Tiger beer, Toyota.

Ông Nguyễn Xuân Đông - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc An Quý Hưng đang là nhân vật được đặc biệt quan tâm. Vì sau khi mua trọn lô 57,7% vốn tại Vinaconex, ông Đông sẽ là người có quyền lực cao nhất tại tổng công ty xây dựng lớn này. 

Dù chưa từng lãnh đạo một doanh nghiệp lớn như Vinaconex, ông Đông từng quản lý công ty nhỏ như làm cán bộ tại Nhà máy bê tông tại Xuân Mai, Chỉ huy trưởng tại Công ty XDPT Nông thôn 8, quản lý công ty gia đình. Đặc biệt, ông Đông có khoảng 3 năm (2014 - 2017) là Thành viên HĐQT Công ty cổ phần Vimeco (công ty con trước đây của Vinaconex) và cũng từng là thành viên độc lập HĐQT Công ty cổ phần đầu tư Hải Phát. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top