Aa

Vĩnh Phúc: Sẽ phát triển đô thị du lịch - nghỉ dưỡng đẳng cấp dọc chân núi Tam Đảo

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Ba, 27/02/2024 - 06:02

Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với nhiều nội dung quan trọng, trong đó định hướng khu vực phía Bắc phát triển trở thành đô thị du lịch, nghỉ dưỡng có đẳng cấp của Vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với nhiều nội dung quan trọng. Theo đó, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân của Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030 đạt khoảng 10,5 - 11%/năm. GRDP bình quân đầu người năm 2030 đạt khoảng 325 triệu đồng.

Đáng chú ý, về phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội, Vĩnh Phúc sẽ phát triển 3 hành lang kinh tế:

Đầu tiên là hành lang kinh tế động lực phía Đông Nam. Đây là hành lang kinh tế đa chức năng, động lực phát triển của tỉnh, liên kết các khu vực Vĩnh Tường - Yên Lạc - Bình Xuyên - Phúc Yên, đồng thời tăng cường liên kết hoạt động kinh tế với Hà Nội, Thái Nguyên…

Thứ hai là hành lang phát triển du lịch - đô thị nghỉ dưỡng phía Bắc. Đây là hành lang phát triển dọc theo chân dãy núi Tam Đảo, kéo dài qua khu vực hồ Vân Trục hướng ra sông Lô, kết nối các điểm du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch golf, du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện (du lịch MICE)... tạo sức hấp dẫn lớn gắn với phát triển bất động sản nghỉ dưỡng.

Cuối cùng là hành lang phát triển ven sông phía Tây. Đây là hành lang liên kết các huyện Yên Lạc - Vĩnh Tường - Lập Thạch - Sông Lô, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến, tiểu thủ công nghiệp, các trung tâm logistics, chợ đầu mối nông sản. Tập trung khai thác lợi thế của các trục sông chính trên địa bàn.

Vĩnh Phúc: Sẽ phát triển đô thị du lịch - nghỉ dưỡng đẳng cấp dọc chân núi Tam Đảo- Ảnh 1.

Vĩnh Phúc sẽ phát triển đô thị du lịch - nghỉ dưỡng đẳng cấp dọc chân núi Tam Đảo. (Ảnh minh họa: IT)

Vĩnh Phúc sẽ phân 3 vùng tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội:

Trong đó, vùng đô thị, công nghiệp trung tâm gồm thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Tường, Yên Lạc, Tam Dương; một phần thành phố Phúc Yên và huyện Bình Xuyên. Đây là khu vực có tiềm năng phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ, du lịch, trong đó có khu du lịch Đại Lải, Đầm Vạc; có hệ thống di tích lịch sử - văn hóa, có các điểm cảnh quan đẹp.

Vùng phía Tây gồm huyện Sông Lô, huyện Lập Thạch là nơi có điều kiện giao thông kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, thuận lợi thu hút các dự án công nghiệp và phát triển du lịch.

Vùng phía Bắc (huyện Tam Đảo, xã Trung Mỹ thuộc huyện Bình Xuyên và xã Ngọc Thanh thuộc thành phố Phúc Yên) được định hướng phát triển trở thành đô thị du lịch, nghỉ dưỡng có đẳng cấp của Vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Bên cạnh đó, 3 cực tăng trưởng chính của Vĩnh Phúc gồm: Vĩnh Yên là cực tăng trưởng trung tâm phát triển kinh tế, đô thị có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội đối với tỉnh và vùng; Phúc Yên là cực tăng trưởng phía Đông Nam phát triển về công nghiệp - dịch vụ (trong đó du lịch là trọng tâm); Bình Xuyên là cực tăng trưởng công nghiệp (trọng điểm là công nghiệp công nghệ cao).

Thủ tướng Chính phủ cũng phê duyệt phương án quy hoạch hệ thống đô thị, theo đó đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa của Vĩnh Phúc vào khoảng 65%, bao gồm các đô thị: 02 đô thị loại II là thành phố Vĩnh Yên và Phúc Yên; 05 đô thị loại IV gồm: Vĩnh Tường, Tam Đảo, Bình Xuyên, Tam Dương, Yên Lạc, trong đó Vĩnh Tường, Tam Đảo, Bình Xuyên được thành lập đơn vị hành chính đô thị là thị xã; 19 đô thị loại V, trong đó huyện Lập Thạch có 14 đô thị, huyện Sông Lô có 05 đô thị.

Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Vĩnh Phúc đạt các tiêu chí của đô thị loại I, làm tiền đề để thành lập thành phố trực thuộc Trung ương; sau năm 2030 Vĩnh Phúc trở thành thành phố trực thuộc trung ương. Tầm nhìn đến 2050, Vĩnh Phúc sẽ là thành phố trực thuộc trung ương, có hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, xanh, sạch đẹp, mang bản sắc riêng, xã hội phồn vinh, thịnh vượng. Tỉnh sẽ phát triển toàn diện tất cả các mặt từ kinh tế, xã hội, môi trường; người dân có chất lượng sống cao, hạnh phúc.../.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top