Sau phiên giao dịch có phần giằng co ở cuối tuần trước, thị trường chứng khoán Việt Nam giao dịch bùng nổ ngay từ khi mở cửa phiên đầu tuần (8/6), dòng tiền “ồ ạt” đổ vào giúp các chỉ số bứt phá. Có thời điểm, VN-Index đã bứt phá qua mốc kháng cự “cứng” là 900 điểm. Tuy nhiên, về cuối phiên giao dịch, đà hưng phấn có phần suy giảm và khiến các chỉ số thu hẹp mức tăng điểm.
Trong nhóm VN30 chỉ có 3 mã giảm giá là VPB, HDB và CTD. Trong đó, CTD giảm mạnh nhất với 1,8%. VPB và HDB giảm nhẹ 0,2% và 0,4%.
Chiều ngược lại, các mã như MWG, BID, PNJ, VNM, GAS hay HPG đều tăng giá rất mạnh, trong đó, MWG tăng 4,6% lên 90.100 đồng/cp. Chiều 6/6, MWG họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020. Trong đó, công ty có kế hoạch mở 50 cửa hàng Điện Máy Xanh tại Campuchia để trở thành nhà bán lẻ điện máy lớn nhất ở đây. Bên cạnh đó, Bách Hóa Xanh sẽ tập trung có lãi sớm nhất, mở rộng bằng cách tăng mật độ tại một số tỉnh thay vì mở rộng ra nhiều tỉnh.
BID chốt phiên tăng 4,5% lên 44.000 đồng/cp, PNJ tăng 3,8% lên 66.100 đồng/cp, VNM tăng 3% lên 122.800 đồng/cp.
Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, đặc biệt là các mã vừa và nhỏ đã được dòng tiền hướng đến rất mạnh. Các cổ phiếu như OCH, PPI, BII, PFL, CEO, SCR, ITA, HQC hay CLG đều được kéo lên mức giá trần. Trong đó, HQC khớp lệnh được đến 24,8 triệu cổ phiếu. FLC và ITA cũng khớp lệnh lần lượt 22,3 triệu cổ phiếu và 15,5 triệu cổ phiếu. Bên cạnh đó, NVT tăng 6% lên 5.300 đồng/cp, VCT tăng 5,7% lên 11.100 đồng/cp, CRE tăng 5,4% lên 17.450 đồng/cp…
Trong khi đó, không có nhiều mã bất động sản giảm giá ở phiên này. Các mã giảm mạnh đáng chú ý có NDN (-6,8%), VRC (-3,5%), PXL (-1%)…
Còn đối với 4 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất trong nhóm bất động sản là VIC, VHM, VRE và NVL - cả 4 cổ phiếu này đều chốt phiên trong sắc xanh. Trong đó, VHM, VRE và NVL đều chỉ tăng dưới 1%, còn VIC tăng 1,1% lên 96.000 đồng/cp.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 13,7 điểm (1,55%) lên 899,02 điểm. Toàn sàn có 313 mã tăng, 77 mã giảm và 47 mã đứng giá. HNX-Index tăng 2,02 điểm (1,71%) lên 120,1 điểm. Toàn sàn có 138 mã tăng, 64 mã giảm và 45 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,87 điểm (1,54%) lên 57,3 điểm.
Dòng tiền chảy mạnh đã giúp thanh khoản thị trường tăng vọt so với các phiên trước với tổng khối lượng khớp lệnh đạt 736 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch lên đến hơn 10.140 tỷ đồng. Riêng sàn HoSE, giá trị giao dịch đã đạt đến hơn 8.400 tỷ đồng. Có đến 4 cổ phiếu bất động sản nằm trong top 10 về khối lượng khớp lệnh toàn thị trường là HQC, FLC, ITA và DLG. Trong khi đó, ROS vẫn khớp lệnh rất lớn với 44,4 triệu cổ phiếu. ROS cũng đã có 3 phiên tăng trần liên tiếp với khối lượng khớp lệnh đều trên 40 triệu cổ phiếu. Theo thông báo mới đây, ngày 1/6 và ngày 8/6, ông Trịnh Văn Quyết đã bán tổng cộng 169,5 triệu cổ phiếu ROS, giảm tỷ lệ sở hữu từ 35,98% xuống còn 7,38%.
Môt điểm tích cực nữa trong phiên đầu tuần là khối ngoại mua ròng 380 tỷ đồng trên toàn thị trường. Riêng sàn HoSE, khối ngoại mua ròng trở lại hơn 355 tỷ đồng. DXG và VHM là 2 cổ phiếu bất động sản được khối ngoại mua ròng mạnh với lần lượt 18,6 tỷ đồng và hơn 17 tỷ đồng. Trong khi đó, CII đứng đầu danh sách bán ròng của khối ngoại sàn HoSE với 41 tỷ đồng, đây cũng là mã bất động sản duy nhất lọt vào top 10 cổ phiếu bị khối ngoại sàn HoSE bán ròng mạnh nhất.
Theo Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), trên góc nhìn kỹ thuật, VN-Index đã vượt qua được vùng kháng cự trong khoảng 880 - 890 điểm (fibonacci retracement 61,8%, MA200 tuần) mở ra dư địa tăng với target gần nhất là quanh ngưỡng 910 điểm (MA200). Khối ngoại quay trở lại mua ròng với khoảng 340 tỷ đồng, trong đó mua ròng gần 200 tỷ đồng chứng chỉ quỹ FUEVFVND là tín hiệu tích cực. Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 6 tăng yếu hơn so với chỉ số cơ sở VN30, qua đó nới rộng mức basis âm lên thành 2,02 điểm cho thấy nhà đầu tư vẫn còn đôi chút thận trọng với xu hướng thị trường.
SHS dự báo, trong phiên giao dịch tiếp theo 9/6, VN-Index có thể sẽ rung lắc mạnh hơn khi chỉ số tiến tới ngưỡng kháng cự quanh 910 điểm (MA200). Nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu cao có thể tiếp tục canh bán ra khi VN-Index tiến gần đến ngưỡng kháng cự quanh 910 điểm. Ở chiều ngược lại, những nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt lớn có thể giải ngân trở lại nếu thị trường điều chỉnh về vùng hỗ trợ quanh 880 điểm.
Tại thị trường chứng khoán châu Á phiên 8/6, MSCI châu Á - Thái Bình Dương trừ Nhật Bản tăng 0,3%. Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 1,4% và Kospi của Hàn Quốc tăng 0,1%. Tại Trung Quốc, Shanghai Composite và Shenzhen Composite lần lượt tăng 0,2% và 0,3%. Hang Seng của Hong Kong tăng 0,03%. NZX 50 của New Zealand tăng 3,1%. Tại Đông Nam Á, Straits Times của Singapore tăng 1,7%, Jakarta Composite của Indonesia tăng 2,5%. Ngược lại, SET 50 của Thái Lan giảm 0,1% và KLCI của Malaysia giảm 0,3%.