Phiên giao dịch ngày 27/5 của thị trường chứng khoán Việt Nam biến động theo chiều hướng có phần tiêu cực.
HNX-Index và UPCoM-Index khởi đầu phiên giao dịch với diễn biến tích cực nhờ lực đẩy của một số cổ phiếu có yếu tố dẫn dắt. Trong khi đó, VN-Index khởi đầu khá “chật vật” khi nhiều cổ phiếu lớn chịu áp lực bán mạnh. Tuy nhiên, với sự nâng đỡ của một số cổ phiếu lớn khác mà đặc biệt là dòng ngân hàng, VN-Index biến động giằng co quanh mốc 1.300 điểm.
Diễn biến trên thị trường có phần xấu đi từ khoảng thời gian cuối phiên sáng. Sang đến phiên chiều, áp lực bán mạnh dâng cao đột ngột. VN-Index ngay lập tức giảm sâu và có thời điểm để mất mốc 1.300. Dù vậy, mức điểm quan trọng này vẫn giữ được khi kết phiên. Giao dịch trên sàn HoSE chỉ diễn ra thông suốt trong phiên sáng và khoảng nửa tiếng đầu của phiên chiều. Thời gian còn lại xảy ra tình trạng nghẽn lệnh nên gần như VN-Index không có biến động quá mạnh mà chỉ loanh quanh với mức giảm 13 - 14 điểm.
Các cổ phiếu lớn như BCM, SSI, MSN, MBB, TCB, BID, PLX, CTG… đều đồng loạt giảm sâu và gây áp lực rất lớn lên VN-Index. Rất nhiều cổ phiếu lớn đã có mức giảm trên 2,5% nên gây ra một phiên điều chỉnh tương đối mạnh của VN-Index và chấm dứt chuỗi 6 phiên tăng liên tiếp của chỉ số này. HNX-Index cũng kết phiên trong sắc đỏ khi những cái tên dẫn dắt như SHB, PVS hay VND giảm sâu.
Ở chiều ngược lại, lực đỡ hiếm hoi đến từ các cổ phiếu như LPB, VCG, NVL, MSB, GVR, VIB, BVH… nhưng sức ảnh hưởng của các mã này là còn khiêm tốn nên không thể giúp VN-Index và HNX-Index giữ được sự tích cực. LPB chốt phiên với mức tăng 3,1% lên 26.200 đồng/cp, VCG tăng 4,3% lên 48.000 đồng/cp. Trong khi đó, VBB, TID, VEF… giao dịch tích cực và giúp UPCoM-Index đóng cửa trong sắc xanh.
Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, sự phân hóa diễn ra vẫn mạnh nhưng khác với các phiên trước là sắc đỏ có phầm chiếm ưu thế hơn. Các mã vốn hóa lớn ở nhóm này là VIC, VHM, VRE hay BCM đều giảm trên 1%. Trong đó, BCM để mất đến 3,4% xuống còn 53.500 đồng/cp. VIC giảm 1,2%. Theo thông báo mới đây, VIC hoãn tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2021 do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trong cộng đồng, điều này nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho cổ đông, nhà đầu tư và các đối tác cũng như tuân thủ các quy định của Nhà nước.
NVL và THD là 2 mã bất động sản lớn duy trì được sắc xanh ở phiên 27/5. Trong đó, THD tăng 0,3% lên 197.700 đồng/cp và khớp lệnh 2,2 triệu cổ phiếu. NVL tăng 1,9% lên 136.000 đồng/cp và khớp lệnh 1,5 triệu cổ phiếu. HĐQT NVL thông báo ngày 10/6 là ngày đăng ký cuối cùng để lập danh sách chia 385,9 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ 35,68%. Sau phát hành, vốn điều lệ tăng từ 10.817 tỷ đồng lên 14.676 tỷ đồng.
Đối với nhóm cổ phiếu bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ, nhiều mã thanh khoản cao vấp phải áp lực bán mạnh. Trong đó, TCH giảm sâu 3,9% xuống 22.100 đồng/cp, BII giảm 3,6% xuống 8.000 đồng/cp, FLC giảm 3,4% xuống 11.400 đồng/cp, HQC giảm 2% xuống 3.400 đồng/cp.
Dù vậy, vẫn còn nhiều cổ phiếu bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ tăng tốt. TID gây bất ngờ khi tăng trần lên 30.000 đồng/cp, KDH tăng 5,1% lên 39.000 đồng/cp, FIT dù không giữ được mức giá trần nhưng chốt phiên vẫn tăng đến 4,1% lên 14.000 đồng/cp. Các mã như PDR, DXG, DIG… cũng đồng loạt tăng tốt. Động lực giúp PDR và KDH tăng giá chính là việc 2 cổ phiếu này được một số đơn vị dự báo có thể được thêm vào danh mục của quỹ V.N.M ETF trong kỳ cơ cấu sắp tới.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 13,13 điểm (-1%) xuống 1.303,57 điểm. Toàn sàn có 101 mã tăng, 322 mã giảm và 34 mã đứng giá. HNX-Index giảm 0,41 điểm (-0,13%) xuống 304,45 điểm. Toàn sàn có 57 mã tăng, 146 mã giảm và 61 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 1,02 điểm (1,23%) lên 84,08 điểm.
Khối lượng khớp lệnh trên hai sàn xấp xỉ so với phiên trước đó và gần mức trung bình 20 phiên với 823 triệu cổ phiếu tương ứng với giá trị khớp lệnh đạt mức cao kỷ lục mới 25.045 tỷ đồng. Trong top 10 về khối lượng khớp lệnh toàn thị trường có 2 mã bất động sản là FLC và DXG với lần lượt 26 triệu cổ phiếu và 17,4 triệu cổ phiếu.
Khối ngoại tiếp tục mua ròng hơn 250 tỷ đồng trên toàn thị trường trong phiên 27/5. Trong đó, các mã bất động sản được khối ngoại mua ròng mạnh có THD, VRE, NVL và VIC. Trong đó, THD tiếp tục được mua ròng rất mạnh với 133 tỷ đồng. Chiều ngược lại, VHM là cổ phiếu bất động sản duy nhất nằm trong top 10 về giá trị bán ròng của khối ngoại.
Theo phân tích của CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), VN-Index điều chỉnh sau sáu phiên tăng điểm liên tiếp khi mà chỉ số này đã tiếp cận khá gần với ngưỡng kháng cự 1.320 điểm. Khối lượng khớp lệnh chỉ xấp xỉ mức trung bình 20 phiên nhưng giá trị giao dịch lập kỷ lục mới với khoảng 25.000 tỷ đồng khớp lệnh trên hai sàn cho thấy áp lực bán mạnh chủ yếu tập trung ở nhóm vốn hoá lớn.
Trên góc nhìn kỹ thuật, việc VN-Index tuy giảm nhưng vẫn giữ được ngưỡng hỗ trợ tâm lý 1.300 điểm cho thấy khả năng tiếp tục đi hết sóng tăng 5 với target trong khoảng 1.320 - 1.325 điểm (fibonacci retracement 161,8% sóng điều chỉnh 4) là vẫn còn. Theo đó, trong phiên giao dịch cuối tuần 28/5, thị trường có thể sẽ tăng điểm trở lại để tiếp tục hoàn thành sóng tăng 5./.