Aa

VN-Index giảm gần 7 điểm, VRE vẫn tăng mạnh

Thứ Năm, 23/07/2020 - 06:00

VRE là cổ phiếu vốn hoá lớn hiếm hoi tăng mạnh và phần nào giúp kìm hãm được đà giảm của VN-Index.

Thị trường chứng khoán trong ngày 22/7 vẫn diễn biến giằng co và tích lũy trong phần lớn thời gian của phiên giao dịch. Trạng thái phân hóa mạnh tiếp tục diễn ra ở nhiều nhóm cổ phiếu. Các chỉ số thị trường biến động với biên độ hẹp và có những nhịp tăng giảm điểm đan xen.

Tuy nhiên, khác với phiên trước, sau khoảng thời gian 14h, diễn biến trên thị trường chuyển sang tiêu cực khi lực bán bất ngờ dâng cao, hàng loạt cổ phiếu trụ cột bị kéo xuống dưới mốc tham chiếu đã tạo áp lực rất lớn lên các chỉ số thị trường, đà giảm của 2 chỉ số chính là VN-Index và HNX-Index vì vậy cũng bị nới rộng.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 6,61 điểm (-0,77%) xuống 855,08 điểm. Toàn sàn có 103 mã tăng, 266 mã giảm và 57 mã đứng giá. HNX-Index giảm 0,77 điểm (-0,66%) xuống 115,32 điểm. Toàn sàn có 55 mã tăng, 97 mã giảm và 59 mã đứng giá. UPCoM-Index đi ngược lại xu hướng chung khi tăng 0,21 điểm (0,37%) lên 57,57 điểm, chỉ số này giao dịch ở trên mốc tham chiếu trong hầu hết thời gian của phiên 22/7.

Các cổ phiếu có ảnh hưởng lớn nhất lên VN-Index phiên 22/7. Nguồn: Fialda.

Hàng loạt cổ phiếu trụ cột như CTG, BID, SHB, VNM, VHM… đồng loạt giảm khá sâu và tác động tiêu cực lên 2 chỉ số chính. CTG giảm đến 2,1% xuống 23.350 đồng/cp và khớp lệnh 2,7 triệu cổ phiếu, BID giảm 2% xuống 40.000 đồng/cp, VNM giảm 1,6% xuống 77.500 đồng/cp, VHM giảm 1,6% xuống 77.500 đồng/cp, SHB giảm 1,6% xuống 11.300 đồng/cp và khớp lệnh 8,5 triệu cổ phiếu.

Các cổ phiếu có ảnh hưởng lớn nhất lên HNX-Index phiên 22/7. Nguồn: Fialda.

Ở chiều ngược lại, một số cổ phiếu vẫn đi ngược được xu hướng tiêu cực của thị trường chung. Trong đó, VRE bất ngờ tăng đến 2,5% lên 26.950 đồng/cp và khớp lệnh 2,25 triệu cổ phiếu, NVL tăng 0,6% lên 62.700 đồng/cp. Đáng chú ý, các cổ phiếu ngân hàng như VIB, LPB và KLB đóng góp quan trọng giúp duy trì vững sắc xanh của UPCoM-Index trong suốt thời gian của phiên giao dịch. Trong đó, VIB tăng 3%, KPB tăng 6,9%, LPB tăng 4,6%.

Các cổ phiếu có ảnh hưởng lớn nhất lên UPCoM-Index phiên 22/7. Nguồn: Fialda.

Ở nhóm cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ, sự phân hóa vẫn diễn ra rõ nét, trong đó, LDG được kéo lên mức giá trần sau phiên giảm sâu trước đó do tác động xấu từ kết quả kinh doanh quý II. Tương tự, DXG cũng tăng trở lại 2% lên 10.350 đồng/cp. Bên cạnh đó, NTC tăng 1,9%, KOS tăng 1,6%.

Trong khi đó, cũng có khá nhiều mã bất động sản có yếu tố thị trường cao như DRH, SJS, FLC, HDG, CCL hay ITA đồng loạt giảm giá. Chốt phiên, DRH giảm 3,8%, SJS giảm 2,8%, FLC giảm 2,4%.

Thanh khoản trên hai sàn xấp xỉ so với phiên trước đó và thấp hơn mức trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 4.742 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch là 318 triệu cổ phiếu; trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm 1.051 tỷ đồng. LDG có thỏa thuận lớn với khối lượng hơn 40 triệu cổ phiếu, giá trị ước đạt 250 tỷ đồng. Các cổ phiếu bất động sản nằm trong top khớp lệnh toàn thị trường gồm HQC, FLC và LDG; trong đó, HQC khớp lệnh đứng thứ 4 toàn thị trường với 8,2 triệu cổ phiếu.

Khối ngoại tiếp tục bán ròng gần 165 tỷ đồng trên cả 3 sàn, riêng sàn HoSE, khối ngoại bán ròng gần 150 tỷ đồng, giảm gần 51% so với phiên trước. Khối ngoại bán ròng mạnh nhất mã VNM với giá trị 40 tỷ đồng. VHM, DXG, NVL, KBC và CII đều nằm trong top bán ròng của khối ngoại. Trong khi đó, VCB được mua ròng mạnh nhất với 21 tỷ đồng. Trong top 10 mã được khối ngoại mua ròng mạnh nhất chỉ có FLC thuộc nhóm bất động sản với 1,4 tỷ đồng.

Theo phân tích của Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), thị trường điều chỉnh trở lại với thanh khoản vẫn ở mức thấp hơn trung bình 20 phiên, nhưng VN-Index đã đánh mất ngưỡng hỗ trợ quan trọng quanh 860 điểm (MA20, 50) khiến cho tín hiệu kỹ thuật của chỉ số này trở nên xấu đi. Sóng 5 của chu kỳ tăng từ quanh ngưỡng 650 điểm có lẽ đã kết thúc để bước vào chu kỳ điều chỉnh mới với các sóng a-b-c. Bên cạnh đó, trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 8 giảm mạnh hơn so với chỉ số cơ sở VN30, qua đó chuyển từ basis dương sang basis âm 5,85 điểm, cho thấy nhà đầu tư phái sinh đang tiêu cực về xu hướng ngắn hạn của thị trường.

SHS dự báo trong phiên giao dịch 23/7, VN-Index có thể sẽ tiếp tục giảm điểm với ngưỡng hỗ trợ tâm lý gần nhất quanh ngưỡng 850 điểm. Nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu nên quan sát thị trường và có thể canh những nhịp hồi phục trong phiên để giảm dần tỷ trọng. Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư cầm tiền mặt nên tiếp tục đứng ngoài thị trường và chưa nên vội giải ngân ở thời điểm hiện tại do thị trường có thể đang nằm trong sóng điều chỉnh a-b-c.

Về thị trường chứng khoán châu Á, tại Trung Quốc, Shanghai Composite và Shenzhen Composite lần lượt tăng 0,4% và 0,9%. Hong Kong giảm mạnh nhất khu vực với Hang Seng mất 2,2%. Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 0,6%, Kospi của Hàn Quốc giảm 0,01%. ASX 200 của Australia giảm 1,3% trong khi NZX 50 của New Zealand giảm 0,1%. Tại Đông Nam Á, Straits Times của Singapore giảm 1,3%, SET 50 của Thái Lan giảm 1,4%, Jakarta Composite của Indonesia giảm 0,09% và KLCI của Malaysia giảm 0,5%.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top