Aa

VN-Index mất gần 11 điểm phiên 20/7, cổ phiếu BĐS khu công nghiệp đi ngược

Thứ Ba, 21/07/2020 - 06:00

Hàng loạt cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp đi ngược lại xu hướng giảm mạnh của thị trường chung như ITA, KBC, SIP, SNZ...

Ngày 20/7, tại TP.HCM diễn ra Lễ kỷ niệm 20 năm hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam và Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE). Tưởng chừng trong ngày kỷ niệm này, thị trường chứng khoán sẽ có diễn biến tích cực hay ít nhất cũng là một phiên tăng điểm, tuy nhiên những gì diễn ra trong suốt phiên giao dịch lại không cho thấy điều đó.

Các chỉ số chỉ có được khoảng thời gian rất ngắn “lóe” xanh ở đầu phiên, ngay sau đó, áp lực bán bị đẩy lên mức cao và khiến hàng loạt cổ phiếu trụ cột lùi sâu xuống dưới mốc tham chiếu. Các chỉ số thị trường đều biến động tiêu cực, trong đó, VN-Index đóng cửa ở mức giá thấp nhất phiên.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 10,62 điểm (-1,22%) xuống 861,4 điểm. Toàn sàn có 112 mã tăng, 282 mã giảm và 35 mã đứng giá. HNX-Index giảm 1,09 điểm (-0,93%) xuống 115,72 điểm. Toàn sàn có 62 mã tăng, 81 mã giảm và 57 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,28 điểm (-0,49%) xuống 57,29 điểm.

Toàn bộ các cổ phiếu trong nhóm VN-Index đều giảm giá trong phiên 20/7. Các cổ phiếu như CTD, BVH, VRE, PLX, MSN… đều giảm rất sâu. CTD giảm 4,3% xuống 81.000 đồng/cp, BVH giảm 2,6% xuống 47.100 đồng/cp, ROS giảm 2,4% xuống 2.900 đồng/cp, PLX giảm 2,3% xuống 46.400 đồng/cp.

Các cổ phiếu có ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index phiên 20/7. Nguồn: Fialda.

Bộ đôi cổ phiếu bất động sản là VIC và VHM là 2 mã gây áp lực lớn lên VN-Index, trong đó, VIC giảm 1,4% xuống 107.500 đồng/cp và lấy đi của VN-Index 1,28 điểm (-0,15%), VHM giảm 1,6% xuống 79.200 đồng/cp và cũng lấy đi của chỉ số này 1,24 điểm (-0,14%). Ngoài ra, VRE cũng giảm 2,4% xuống 26.200 đồng/cp.

Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, các mã như LDG, DTA, SJS, DIG, DXG, KOS, HAR… đều chìm trong sắc đỏ với mức giảm lớn. LDG, THG và DTA đều bị kéo xuống mức giá sàn. Bên cạnh đó, SJS giảm 6,1%, DIG giảm 4,1%, DXG giảm 4%...

Trong khi đó, các cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp như ITA, KBC, SZC đều đi ngược lại so với thị trường chung và có đóng góp quan trọng vào việc kìm hãm đôi chút đà giảm của VN-Index. ITA tăng 4,5%, KBC tăng 2,4%, SNZ tăng 6,2%, SIP tăng 1,8%, D2D tăng 1,5%.

Thanh khoản trên hai sàn cải thiện so với phiên cuối tuần trước và xấp xỉ mức trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 5.292 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch là 330 triệu cổ phiếu, trong đó giao dịch thỏa thuận chiếm 1.098 tỷ đồng. Có đến 4 cổ phiếu bất động sản lọt vào top 10 về khối lượng khớp lệnh toàn thị trường, trong đó, ITA đứng đầu với 13,8 triệu cổ phiếu.

Các cổ phiếu có giá trị mua (bán) ròng của khối ngoại lớn nhất phiên 20/7. Nguồn: Fialda.

Khối ngoại gia tăng bán ròng với khoảng 240 tỷ đồng trên hai sàn HoSE và HNX. Dẫn đầu danh sách bán ròng của khối ngoại là HPG với 78,8 tỷ đồng. VHM, DXG, VRE hay VIC đều nằm trong top 10 mã bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất. Chiều ngược lại, SAB được mua ròng mạnh nhất nhưng giá trị chỉ là 6,8 tỷ đồng. Không có cổ phiếu bất động sản nằm trong top 10 mã được khối ngoại mua ròng mạnh nhất.

Theo Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), thị trường giảm khá mạnh trong phiên đầu tuần với thanh khoản cải thiện lên mức trung bình 20 phiên cho thấy áp lực có sự gia tăng so với các phiên giảm của tuần trước. Rất may là ngưỡng hỗ trợ quanh 860 điểm (MA20-50) vẫn được giữ vững nên kịch bản về việc hoàn thành sóng 5 với target quanh ngưỡng 890 điểm (MA200) vẫn có khả năng sẽ xảy ra trong thời gian tới. Bên cạnh đó, trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 8 giảm mạnh hơn so với chỉ số cơ sở VN30, qua đó nới rộng mức basis âm lên thành 6,86 điểm, cho thấy nhà đầu tư phái sinh vẫn tiêu cực về xu hướng của thị trường.

SHS dự báo trong phiên giao dịch 21/7, VN-Index có thể sẽ hồi phục trở lại để hướng dần đến ngưỡng kháng cự gần nhất quanh 890 điểm (MA200). Nhà đầu tư đang cầm cổ phiếu tiếp tục quan sát thị trường và có thể canh bán ra nếu như VN-Index đánh mất ngưỡng hỗ trợ 860 điểm (MA20-50) trong các phiên tiếp theo. Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư cầm tiền mặt nên tiếp tục đứng ngoài thị trường và chưa nên vội giải ngân do đây đã là sóng tăng cuối của chu kỳ hồi phục từ quanh ngưỡng 650 điểm đến nay.

Về thị trường chứng khoán châu Á, Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 0,09% trong khi Kospi của Hàn Quốc giảm 0,1%. ASX 200 của Australia và NZX 50 của New Zealand lần lượt giảm 0,5% và 0,3%. Tại Đông Nam Á, Straits Times của Singapore giảm 0,1%, SET 50 của Thái Lan giảm 0,08%, Jakarta Composite của Indonesia giảm 0,5% và KLCI của Malaysia giảm 0,4%. Tại Trung Quốc, Shanghai Composite và Shenzhen Composite lần lượt tăng 3,1% và 2,5%. Hang Seng của Hong Kong mất 0,1%.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top