Chủ tịch Công ty Quản lý Quỹ Dragon Capital - ông Dominic Scriven chia sẻ rằng thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam dù mới có 20 năm phát triển nhưng chặng đường đã đi qua là khá vững chắc. Ông hy vọng với sự phát triển bền vững, Việt Nam sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài hơn nhà đầu tư trong nước bởi đây là nơi xứng đáng để các nhà đầu tư ngoại đổ vốn vào đầu tư.
Dragon Capital được thành lập năm 1994 và đã gắn bó cùng TTCK Việt Nam từ những ngày đầu mở cửa. Tháng 7/2000, TTCK Việt Nam bắt đầu có giao dịch nhưng quy mô khá nhỏ với chỉ 2 công ty niêm yết, nhưng bây giờ đã có hơn 1.600 công ty, cùng với đó là các một loạt các thị trường phái sinh trái phiếu, cổ phiếu, OTC ra đời.
“Tôi cho rằng việc mà Việt Nam làm 20 năm vừa rồi là khá thành công và vai trò của thị trường vốn của Việt Nam được xác định là then chốt cho nền kinh tế, then chốt cho ngành tài chính”, ông Dominic chia sẻ.
Chủ tịch Dragon Capital cho rằng TTCK Việt Nam đã “đi từ số 0 đến số có”, tạo ra “sự sống” cho các khái niệm về TTCK. Không chỉ tạo ra sự sống, Việt Nam còn có trách nhiệm nuôi dưỡng, phát triển thị trường cả về chiều sâu và chiều rộng.
Bên cạnh hệ thống ngân hàng lâu đời, thị trường vốn cũng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế thông qua thị trường cổ phiếu, trái phiếu… Ông Dominic nghĩ quy mô thị trường vốn đã ngang bằng với quy mô của thị trường ngân hàng trong 20 năm qua. Do vậy, tiềm năng và tương lai phát triển của thị trường vốn là rất khả quan và có nhiệm vụ lớn.
Nhà đầu tư tại Việt Nam dựa nhiều vào tín dụng cầm cố
Nói về ngành quỹ, Chủ tịch Dragon Capital khẳng định quỹ đầu tư là một trong những chủ thể ban đầu và là thành viên phát triển của TTCK. Tuy nhiên đã có giai đoạn các công ty quản lý quỹ (CTQLQ) hơi quá mức, vượt quá 50 đơn vị. Qua các giai đoạn tái cấu trúc và đảo thải, hiện thị trường chỉ còn một số công ty tương đối mạnh.
“Nhưng điều tôi muốn nói là quy mô của các CTQLQ nói chung chưa phù hợp với yêu cầu. Hay nói cách khác là nhìn vào hoạt động giao dịch chứng khoán hàng ngày, chẳng hạn như trên thị trường trái phiếu thì ngân hàng thương mại vẫn là thành phần tham gia chính và vai trò của các quỹ hầu như là không có. Hay như đối với hoạt động giao dịch cổ phiếu, các thành phần tham gia đầu tư kinh doanh chính gồm có chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư Việt Nam mà chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân (có cả cá nhân lớn) và thành phần này dựa nhiều vào tín dụng cầm cố. Còn các nhà đầu tư nước ngoài chiếm một phần nhất định nhưng chưa phải lớn do nhiều lý do. Do đó chúng ta cũng thấy vai trò của các quỹ trong hoạt động giao dịch chứng khoán hàng ngày là không nhiều”, ông Dominic cảm nhận.
Ông còn cho rằng nếu muốn có một thị trường đủ các đối tượng tham gia, đặc biệt có những dạng nhà đầu tư chuyên nghiệp, có chuyên môn, có quy mô thì không thể không có các CTQLQ. Đây phải là các CTQLQ của Việt Nam, ở trong nước chứ không phải ở nước ngoài.
Để thu hút sự quan tâm đối với CTQLQ, Chủ tịch Dragon Capital đưa ra 2 luận điểm chính để có thể thuyết phục nhà đầu tư.
Đầu tiên là nền kinh tế phải có một mức phát triển nhất định thì người dân mới có nhu cầu để đầu tư vào các công cụ tài chính. Còn nếu mức phát triển vẫn thấp thì người dân chưa có nhu cầu trên vì họ còn phải lo cho những nhu cầu cấp bách hơn như ăn uống, nhà cửa…
Tiếp theo là các CTQLQ phải có nhiệm vụ chào bán những sản phẩm phù hợp với nhu cầu của nhà đầu tư với các loại phí hợp lý. Đặc biệt, các CTQLQ cần phải tạo được một bề dày kinh nghiệm, sự chuyên nghiệp và uy tín trong giới đầu tư, nhưng điều này là không dễ.
“Bên cạnh sự nỗ lực của các quỹ đầu tư, với Luật Chứng khoán mới vừa được ban hành và có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2021, tôi và những người quan tâm tới lĩnh vực này mong cơ quan quản lý sớm ban hành những Nghị định, Thông tư hướng dẫn để Luật sớm đi vào hoạt động. Đây là điều quan trọng nhất, còn những việc khác thì việc gì tới sẽ tới”, ông Dominic nói thêm.