Phiên giao dịch 25/6 khép lại với sắc đỏ bao trùm thị trường. VN-Index đóng cửa giảm 2,72 điểm (0,28%) xuống 960,13 điểm so với phiên trước; HNX-Index giảm 0,6% xuống 104,15 điểm và chỉ có Upcom-Index tăng nhẹ 0,09% lên 55,2 điểm.
Công ty chứng khoán Công thương (CTS) cho rằng, VN-Index đang thiếu động lực để có thể bứt phá vượt lên ngưỡng kháng cự trung hạn 962 - 963 điểm của đường SMA 50 (màu xanh lá cây). Điểm đáng chú ý không phải là áp lực bán tại vùng điểm này quá lớn mà là do sự thận trọng của dòng tiền, dè dặt trong việc tham gia vào thị trường.
Thị trường chứng khoán đã đi được nửa chặng đường năm 2019 nhưng chưa nhiều bứt phá. Đánh giá về thị trường 6 tháng còn lại của năm, đa phần giới phân tích đưa ra ý kiến khá thận trọng. Về diễn biến thị trường chứng khoán, CTCK VNDirect dự báo VN-Index sẽ kết thúc năm 2019 ở mức 990 điểm, tăng 11% so với năm 2018.
P/E VN-Index có thể sẽ gặp những áp lực giảm trong năm 2019 do dòng tiền khối ngoại có thể tiếp tục rút ra từ các thị trường mới nổi và tìm đến các tài sản an toàn hơn do khả năng FED tiếp tục nâng lãi suất và triển vọng kinh tế toàn cầu xấu đi. Thứ nữa là do lợi suất trái phiếu của Việt Nam có thể tăng lên năm 2019, dù không đáng kể, cũng sẽ làm tăng chi phí vốn chủ sở hữu lên.
VNDirect kỳ vọng P/E của thị trường có thể giảm 5% về mức 14,7x, kèm với mức tăng 16,4% của lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết đưa đến dự báo tăng trưởng khoảng 11% của chỉ số VN-Index, tương ứng với mức 990 điểm vào cuối năm 2019.
Tăng trưởng kinh tế năm 2019 sẽ chậm lại, nhưng vẫn duy duy trì ở mức cao nhờ sự mở rộng mạnh mẽ của sản xuất công nghiệp và nhu cầu tiêu dùng khả quan. Dự báo tăng trưởng sẽ giảm xuống trong năm 2019 sau mức tăng mạnh trong giai đoạn 2017 - 2018. Tăng trưởng GDP thực năm 2019 ước tính đạt 6,6%, sát với kỳ vọng thị trường và thấp hơn mục tiêu của Chính phủ cho năm 2019 trong khoảng 6,8%.
Theo VNDIRECT, nhu cầu trong nước vẫn là yếu tố quan trọng trong tăng trưởng chung với sự tăng trưởng mạnh của ngành bán lẻ và du lịch.
Trong năm 2018, lạm phát được kiểm soát nhờ sự nhất quán của Chính phủ trong điều hành và giá dầu chỉ gia tăng ngắn hạn vào cuối năm. VNDirect dự báo tỷ lệ lạm phát chung năm 2019 đạt 3,9%, thấp hơn dự báo bình quân từ Bloomberg ở mức 4,0%.
Không chỉ vậy, tiền đồng sẽ mất giá khoảng 2% trong năm 2019 do mặc dù có nhiều yếu tố bên ngoài có thể ảnh hưởng đến cán cân cung - cầu trong ngắn hạn, giá trị của đồng tiền vẫn sẽ được dẫn dắt bởi yếu tố nội tại.
Năm 2019, ước tính thặng dư tài khoản vãng lai giảm xuống còn 2,5% GDP từ mức 3% trong năm 2018 do đà tăng trưởng xuất khẩu giảm xuống. Tuy nhiên, VNDirect cho rằng áp lực vốn bên ngoài sẽ giảm đáng kể do Fed trở nên ôn hòa hơn và điều này sẽ giảm bớt áp lực mất giá lên tiền đồng. Chính phủ cũng thực hiện các biện pháp để kiểm soát lạm phát và không phá giá tiền đồng để kích thích xuất khẩu. Vì vậy, tiền đồng được dự báo sẽ không mất giá mạnh trong năm 2019.
Theo VNDirect, rủi ro chính đối với triển vọng kinh tế của Việt Nam là ảnh hưởng tiêu cực đến từ các yếu tố bên ngoài, bao gồm đồng USD mạnh lên và lãi suất tiếp tục tăng, dòng vốn tiếp tục rút khỏi các tài sản rủi ro do mức ngại rủi ro toàn cầu gia tăng và chiến tranh thương mại leo thang. Về phía trong nước, chính sách tài khóa thận trọng quá mức và sự trì trệ trong cải cách DNNN có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng dài hạn và nền tảng cấu trúc kinh tế.
Ngoài ra, điều kiện tín dụng trong nước là yếu tố quan trọng cần theo dõi. Việc trì hoãn chính sách thắt chặt tiền tệ có thể dẫn đến áp lực lạm phát tăng lên và rủi ro cho tăng trưởng trong tương lai.
Quý III sẽ có thể bứt phá hơn
Chứng khoán Everest (EVS) lại có cái nhìn tích cực hơn vào thị trường cuối năm. Chỉ số P/E của VN-Index sau khi về tiệm cận mức P/E trung bình 10 năm (15x), đã có xu hướng tăng trở lại. EVS nhận định mức P/E hiện tại (16,5x) khá rẻ so với thời điểm 2007 (24x) và tháng 4/2018 (23x), đây là cơ hội cho các khoản đầu tư trung và dài hạn.
Những biến động của thị trường trong 3 tháng qua cho thấy VN-Index đã xác lập vùng đáy 940 điểm sau khi thị trường 3 lần chạm về mức này.
Dự báo thị trường sẽ tích cực trở lại khi thanh khoản bắt đầu cải thiện và nếu cộng hưởng với những thông tin tích cực tác động từ bên ngoài như Mỹ - Trung có thể đạt được thỏa thuận thương mại hay Fed tiếp tục theo đuổi chính sách lãi suất thận trọng. Kết hợp với các yếu tốt tích cực trong nước sẽ giúp thị trường xác lập trở lại xu hướng tăng điểm giai đoạn nửa cuối năm 2019.
EVS dự phóng VN-Index có thể chạm mức mục tiêu 1.068 điểm trong quý IV và kết thúc năm 2019 trên mức 1.000 điểm.
Thị trường chứng khoán trong quý III sẽ được hỗ trợ bởi dòng tiền nước ngoài tiếp tục gia tăng, khối ngoại tiếp tụ đổ vốn vào thị trường Việt Nam nhờ triển vọng dài hạn tích cực. Sự tươi mới từ sản phẩm chứng quyền có đảm bảo (Covered Warrant - CW) sẽ tạo tâm lý tích cực chung cho thị trường, đặc biệt là các cổ phiếu lớn dẫn dắt thị trường.
Các rủi ro bên ngoài gần như đỉnh điểm và sẵn sàng chờ đợi những cú hích bất ngờ như chiến tranh thương mại có thể đạt thỏa thuận hoặc tạm lắng dịu; Fed tiếp tục theo đuổi chính sách thận trọng và có thể hạ lãi suất trong năm nay sau khi một số ngân hàng trung ương giảm lãi suất.
Theo đó, EVS cho rằng nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng, tiêu dùng thiết yếu sẽ dẫn dắt thị trường. Nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhóm hưởng lợi từ chiến tranh thương mại dự báo sẽ tạo đột biến trong giai đoạn nửa cuối năm 2019.