Aa

VNREA - điểm tựa của doanh nghiệp BĐS Việt Nam

Thứ Năm, 10/08/2017 - 11:02

Theo nhận định của một số chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp, Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) đã có đóng góp lớn khi đưa ra các kiến nghị chính sách giúp giải cứu thị trường BĐS trong giai đoạn khó khăn nhất, với việc phản biện, đề xuất các chính sách, Hiệp hội đã góp phần vào việc kiến tạo một môi trường kinh doanh minh bạch tại Việt Nam.

Hiệp hội BĐS Việt Nam là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, mà tiền thân là Hiệp hội BĐS nhà đất Việt Nam được thành lập căn cứ vào quyết định số 37/2002/QĐ-BTCCBCP ngày 13/08/2002 của Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ. Với quyết định số 673/QĐ-BNV ngày 18/06/2010 của Bộ Nội Vụ đã cho phép đổi tên Hiệp hội Bất động sản nhà đất Việt Nam thành Hiệp hội BĐS Việt Nam.

Trải qua 15 năm hoạt động, Hiệp hội BĐS Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò to lớn của mình bằng các hoạt động, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của lĩnh vực BĐS trên cả nước.

Thực hiện chức năng phản biện xã hội, Hiệp hội đã tiếp cận hệ thống pháp luật về BĐS ngay từ bước soạn thảo các văn bản quy phạp pháp luật và phối hợp với các hoạt động thực tiễn của cộng đồng doanh nghiệp BĐS, cùng với các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là Bộ Xây dựng đưa ra các chính sách cho thị trường BĐS một cách đúng đắn, hợp lý, hiệu quả nhất, góp phần kiến tạo một môi trường kinh doanh minh bạch.

Ngày 1/4 vừa qua, Hiệp hội BĐS Việt Nam đã vinh dự đón nhận cờ thi đua của Chính phủ vì có nhiều đóng góp tích cực, hiệu quả và tiêu biểu trong sự phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường BĐS.

Thứ trưởng Bùi Phạm Khánh trao cờ thi đua của Chính phủ cho Hiệp hội BĐS Việt Nam.

Thứ trưởng Bùi Phạm Khánh trao cờ thi đua của Chính phủ cho Hiệp hội BĐS Việt Nam.

Chúc mừng những nỗ lực cố gắng của Hiệp hội BĐS Việt Nam đã thu được hiệu quả, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh tuyên dương vai trò của Hiệp hội BĐS Việt Nam – tổ chức xã hội nghề nghiệp có nhiều đóng góp trong phản biện chính sách, phổ biến triển khai các luật quan trọng trong lĩnh vực BĐS, làm tốt công tác kết nối các thành viên của Hiệp hội với các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan nghiên cứu; tổ chức các hội nghị, hội thảo - kênh thông tin quan trọng để cơ quan nhà nước lắng nghe, nắm bắt các kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp từ đó điều chỉnh bố sung các chính sách phát triển thị trường BĐS.

Trước đó, ngày 12/8/2016, trong buổi làm việc với Hiệp hội BĐS Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã đánh giá cao kết quả về phản biện và tư vấn chính sách của Hiệp hội. Trên thực tiễn, Hiệp hội đã phối hợp rất chặt chẽ trong quá trình thiết kế chính sách. Đóng góp của Hiệp hội giúp cho Bộ Xây dựng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước được tốt hơn, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của thị trường.

Dưới đây, Reatimes trân trọng giới thiệu nhận định của một số chuyên gia, đại diện doanh nghiệp về vai trò của VNREA:

Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Khánh Hòa: VNREA là cầu nối giữa doanh nghiệp BĐS và chính quyền

Tôi cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc có một tổ chức như Hiệp hội BĐS Việt Nam là một điều rất tốt đối với các doanh nghiệp. Hiệp hội BĐS Việt Nam góp phần rất lớn vào việc tạo ra một môi trường và một cơ chế để có thể liên kết một cách chặt chẽ các doanh nghiệp BĐS tham gia hoạt động và để đảm bảo hiệu quả lợi ích chung của các thành viên cũng như lợi ích quốc gia.

Trải qua một quá trình hoạt động, Hiệp hội BĐS Việt Nam đã tạo được sự đồng thuận của các thành viên, nâng cao tính chuyên nghiệp trong các hoạt động kinh doanh BĐS trên cơ sở nắm vững luật lệ trong nước và quốc tế để có thể trợ giúp cho các doanh nghiệp hội viên một cách có hiệu quả.

Ông Trần Đình Quý, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Khánh Hòa.

Ông Trần Đình Quý, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Khánh Hòa.

Với vai trò là "cầu nối" giữa doanh nghiệp BĐS và chính quyền các cấp, đại diện cho quyền lợi doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng, Hiệp hội BĐS Việt Nam đã tổ chức huấn luyện, đào tạo; tổ chức, hội thảo, hội nghị chuyên đề; mở rộng quan hệ kinh doanh, thu thập và cung cấp thông tin về những vấn đề có tác động đến hội viên.

Hiệp hội BĐS Việt Nam cũng góp phần duy trì đối thoại với các cơ quan quản lý các cấp nhằm phản ánh kịp thời những vướng mắc trong cơ chế chính sách có ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường BĐS cùng như phản biện những dự thảo, chủ trương chính sách có liên quan trước khi các cấp có thẩm quyền phê chuẩn. Các hoạt động xúc tiến, hỗ trợ các thành viên như thâm nhập và phát triển các thị trường quốc tế thời gian qua đã đước Hiệp hội BĐS Việt Nam, Hội môi giới BĐS Việt Nam… tổ chức hết sức thành công. Tiếng nói của Hiệp hội BĐS Việt Nam nhận được sự tin tưởng cao của các đồng nghiệp trên thế giới.

Hiệp hội BĐS Việt Nam trong những năm vừa qua đã làm rất tốt vai trò cầu nối giữa các nhà đầu tư trong cả nước về lĩnh vực BĐS. Đặc biệt trong những năm khó khăn, khi thị trường đóng băng, kinh tế sa sút, với vai trò là nơi tập trung các nhà đầu tư BĐS cả nước, Hiệp hội đã có những hoạt động phản biện, tư vấn, đưa ra những giải pháp thúc đầy thị trường, giúp cho thị trường BĐS Việt Nam đạt được những thành tựu đáng kể, từ cuối năm 2014 đến thời điểm hiện nay.

Ngoài ra trong vai trò của mình, Hiệp hội đã tuyên truyền, phổ biến chính sách, giúp cho thị trường BĐS các tỉnh, địa phương đi vào quỹ đạo phát triển ổn định, bền vững.

Góp phần kiến tạo một môi trường kinh doanh minh bạch

Luật su Trần Tuấn Anh - Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch (Đoàn Luật sư Hà Nội)br class=

Luật sư Trần Tuấn Anh - Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch (Đoàn Luật sư Hà Nội)

Nhận định về thị trường BĐS Việt Nam thời gian qua, Luật sư Trần Tuấn Anh - Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch - đánh giá, tình trạng “bong bóng”, “đầu cơ, lướt sóng” và việc chủ đầu tư tham gia thị trường theo cách làm ăn chộp giật đã được hạn chế, BĐS đang đi về giá trị thực của nó.

"Theo cá nhân tôi, kết quả đó tạo động lực cho thị trường, đồng thời cũng thấy được vai trò, vị trí của Hiệp hội BĐS Việt Nam trong việc điều tiết, định hướng và làm minh bạch thị trường, bên cạnh các chính sách của các cơ quan quản lý Nhà nước.

Theo tôi, thời gian tới, các cơ quan quản lý Nhà nước nên giao một phần công tác tham mưu, góp ý xây dựng chính sách pháp luật cho các tổ chức xã hội nghề nghiệp có chuyên môn sâu, bởi khi đó sẽ tận dụng được chất xám của xã hội và quan trọng hơn, những kiến nghị, đề xuất xây dựng pháp luật thường xuất phát từ thực tiễn hoạt động ngay từ chính các tổ chức này.

Những khó khăn, vướng mắc của thị trường sẽ dễ dàng được tháo gỡ. Việc này giúp hạn chế được rất nhiều những “quy định trên trời”, những quy phạm pháp luật chưa ban hành đã "chết yểu", các chính sách ban hành nhưng không được thực thi trên thực tế" - Luật sư Trần Tuấn Anh khẳng định. 

Dưới góc nhìn của một luật sư, ông Trần Tuấn Anh đánh giá, Hiệp hội BĐS Việt Nam ra đời trong bối cảnh thị trường bước vào thời kỳ thời kỳ “sôi sục” nhất. Lúc này, xu thế thị trường đòi hỏi bên cạnh sự quản lý của Nhà nước, rất cần có một tổ chức xã hội nghề nghiệp tham gia vào thị trường BĐS, điều tiết và định hướng sự phát triển của nó.

Với đội ngũ lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược, có tâm với thị trường BĐS và sự năng nổ, nhiệt tình của các hội viên, Hiệp hội BĐS Việt Nam đã có nhiều đóng góp to lớn trong việc góp ý xây dựng hệ thống pháp luật của Việt Nam liên quan đến hoạt động BĐS.

Không chỉ góp ý xây dựng, đề xuất các chính sách bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho các thành viên, Hiệp hội còn có những đề xuất, kiến nghị, sáng kiến nhằm làm trong sạch thị trường BĐS, bảo vệ tối đa quyền và lợi ích của khách hàng khi tham gia vào lĩnh vực này và góp phần vào việc kiến tạo một môi trường kinh doanh minh bạch tại Việt Nam.

Đầu mối chính thống phản ánh tâm tư nguyện vọng của doanh nghiệp BĐS

Ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, Giám đốc Công ty CP Thanh Bình Hà Nội nhận định:

Hiệp hội BĐS Việt Nam là đầu mối chính thống, ghi nhận tất cả các ý kiến cũng như tâm tư nguyện vọng, vướng mắc của các nhà đầu tư BĐS. Có thể thấy, từ khi thành lập, nhất là trong giai đoạn gần đây, Hiệp hội BĐS Việt Nam đã thể hiện tốt vai trò tư vấn, phản biện những nội dung liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Hiệp hội cũng như đại diện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của hội viên trong các hoạt động liên quan đến ngành, lĩnh vực hoạt động của Hiệp hội theo quy định của pháp luật và Điều lệ Hiệp hội.

Đơn cử như, trên thị trường BĐS Việt Nam đang xuất hiện một số loại hình BĐS mới như Condo-tel hoặc Office-tel… phù hợp với xu thế của thời đại và nhu cầu của người dân. Tuy nhiên hiện nay, các loại hình này đều đang bị chênh vênh về mặt pháp lý.

Ông Nguyễn Chí Thanh - Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, Giám đốc Công ty CP Thanh Bình Hà Nội.

Ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, Giám đốc Công ty CP Thanh Bình Hà Nội.

Trên cơ sở những quy định hiện hành của pháp luật cũng như quá trình thực hiện có lộ ra một số vướng mắc, bởi Condo-tel hoặc Office-tel đều là những sản phẩm mới của Việt Nam.

Dựa trên những vướng mắc từ phía doanh nghiệp, Hiệp hội BĐS Việt Nam đã tập hợp ý kiến và phản ánh lại với các cơ quan quản lý Nhà nước. Từ đó, có cơ chế phối hợp, tìm ra những vấn đề tồn tại khách quan để giúp cho các sản phẩm đã được phát triển ở các nước trên thế giới cũng sẽ có những bước tiến phù hợp với quy định của luật pháp, điều kiện của Việt Nam.

Đặc biệt, động thái tích cực của Hiệp hội trong việc tháo gỡ các khó khăn cho các chủ đầu tư sản phẩm Condo-tel hoặc Office-tel sẽ tránh được tình trạng lãng phí trong quá trình đầu tư xây dựng.

Thời gian qua, Hiệp hội BĐS Việt Nam đã hợp tác chặt chẽ với các cơ quan truyền thông, giúp cho các nhà đầu tư và khách hàng có nhiều thông tin chính xác, minh bạch và cực kỳ hữu ích, quan trọng về thị trường BĐS.

Những thông tin đó đã phản ánh kịp thời tình hình thị trường cũng như các xu hướng phát triển khác nhau của từng phân khúc BĐS. Điều này đã giúp cho chủ đầu tư cũng như khách hàng có những bước đi chắc chắn khi “đổ tiền” vào một dự án hay phân khúc nào đó.

Do vậy, theo tôi trong thời gian tới, Hiệp hội BĐS Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa việc hợp tác chặt chẽ với cơ quan truyền thông, báo chí. Ngoài việc cập nhật những thông tin hữu ích về thị trường còn nhằm mục đích truyền tải những khó khăn, vướng mắc, nguyện vọng của thị trường, doanh nghiệp và người dân đến cơ quan quản lý Nhà nước, để từ đó, có những hướng dẫn, điều chỉnh kịp thời, thúc đẩy thị trường BĐS Việt Nam phát triển ổn định, bền vững.

Giải cứu thị trường trong giai đoạn khó khăn nhất

Ông Tạ Trọng Tấn - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hud.

Ông Tạ Trọng Tấn - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hud.

Đánh giá về vai trò của Hiệp hội BĐS Việt Nam với doanh nghiệp, cũng như thị trường BĐS Việt Nam, ông Tạ Trọng Tấn - Phó Tổng giám đốc, Tổng công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị (Hud) -  cho rằng, trong những năm qua, Hiệp hội BĐS Việt Nam đã hoạt động tích cực, phát huy tốt vai trò "cầu nối" của mình.

Cụ thể: Hiệp hội BĐS Việt Nam đã có đóng góp lớn khi đưa ra các kiến nghị chính sách giúp giải cứu thị trường BĐS trong giai đoạn khó khăn 2011-2012. Gần đây nhất là kiến nghị Ngân hàng Nhà nước thay đổi nội dung điều chỉnh Thông tư 36 liên quan đến tín dụng bất động sản, góp phần giảm nguy cơ thị trường bị chặn dòng vốn một cách đột ngột.

Hiệp hội BĐS Việt Nam cũng có những đóng góp tích cực cho chính sách phát triển NƠXH. Trong giai đoạn ban đầu khi chương trình phát triển NƠXH còn manh nha, Hiệp hội đã tổ chức các hội thảo tập hợp ý kiến của các nhà phát triển, kiến nghị chính sách rất cụ thể để thúc đẩy việc tạo quỹ đất và đề ra các cơ chế chính sách ưu đãi về thuế, tài chính cho cả bên tạo lập lẫn người mua nhà là các đối tượng chính sách.

Đặc biệt, Hiệp hội đã đóng góp tiếng nói tích cực cho việc xúc tiến thành lập quỹ 30.000 tỷ cũng như cho việc kéo dài thời hạn giải ngân của quỹ này.

"Cầu nối" hữu ích nhất cho DN BĐS Việt Nam

Bà Nguyễn Ngọc Mỹ - Phó Tổng Giám đốc, thành viên Hội đồng quản trị Tập đoàn Alphanam

Bà Nguyễn Ngọc Mỹ - Phó Tổng Giám đốc, thành viên Hội đồng quản trị Tập đoàn Alphanam

Là một thành viên của Hiệp hội BĐS Việt Nam, bà Nguyễn Ngọc Mỹ - Phó Tổng Giám đốc, thành viên Hội đồng quản trị Tập đoàn Alphanam - cho biết: "Trước khi gia nhập ngôi nhà lớn này, tôi chỉ biết Hiệp hội là nơi hội tụ nhiều doanh nghiệp, là “điểm tựa” hỗ trợ DN, kết nối DN với nhà nước. Sau khi bước chân vào Hiệp hội, tôi mới thực sự hiểu vai trò của tổ chức. Hiệp hội đã có bước phát triển bền vững trong một thời gian. Đây là “cầu nối” hữu ích nhất cho DN Việt Nam khi kết nối các DN BĐS Việt Nam với tất cả Hiệp hội BĐS trong Đông Nam Á như: Philippin, Malaysia, Thái Lan…

Riêng với Công ty Cổ phần Đầu tư Alphanam, điều thiết thực nhất mà tôi thấy là Hiệp hội BĐS Việt Nam đã tạo cơ hội cho DN gặp gỡ các Hiệp hội BĐS trên thế giới, kết nối được với nhiều nhà đầu tư, được lắng nghe những chia sẻ kinh nghiệm quý về đầu tư, áp dụng công nghệ mới của các nước bạn… Đối tác của Alphanam tăng số lượng nhờ một phần vào điều này".

Theo Phó Tổng Giám đốc Alphanam, khi có Hiệp hội BĐS “đứng ra” bảo trợ thì thông tin về thị trường BĐS ở Việt Nam càng ngày càng minh bạch - đó là điều cực kì hữu ích với các DN BĐS. 

Chỉ khi các nhà đầu tư nước ngoài nắm được thông tin minh bạch về pháp lý, điều lệ… thì hình ảnh về DN mới minh bạch, sản phẩm của mỗi DN sẽ là “minh chứng” cho tiềm năng của công ty. Thị trường BĐS trong nước có uy tín, tất yếu sẽ tạo môi trường đầu tư tốt, hấp dẫn đối với chủ đầu tư nước ngoài. Đây là điều vô cùng hữu ích cho DN mà Hiệp hội đã và đang nỗ lực thực hiện./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top