Đang có thu nhập ổn định với khoản tiền lương 10 triệu mỗi tháng nhưng Quốc Lân vẫn cảm thấy tự ti mỗi khi ngồi cạnh những người bạn của mình. Cùng học chung một lớp đại học, bằng tốt nghiệp cũng chỉ ở mức khá như nhau nhưng chỉ sau hai năm ra trường Lân đang tụt lại khá xa nếu so sánh về thu nhập với chúng bạn đang làm nghề môi giới bất động sản.
Không chỉ vượt trội về thu nhập, những đứa bạn “hai lúa” ngày nào giờ đã có tác phong tự tin, ăn nói lưu loát, kỹ năng mềm phong phú và kiến thức lĩnh vực nào cũng nói được. Mỗi khi xuất hiện quần áo tinh tươm, đầu tóc bóng mượt sực nức mùi nước hoa cùng loạt phụ kiện toàn đồ hiệu.
Đó là động lực để Lân quyết định nhảy việc vào đầu năm 2020. Đầu quân cho một công ty môi giới có trụ sở ở quận Bình Thạnh, Lân nhanh chóng được nhận vì đầu vào không quá cao. Mức lương thử việc 5 triệu đồng không làm Lân buồn vì anh biết nghề này chủ yếu đến từ tiền hoa hồng sau mỗi giao dịch.
Do đã tìm hiểu kỹ và được bạn bè “truyền lửa” nên Lân biết trước những gì mình sắp phải đối diện. Đó là những buổi trưa nắng cháy phải đứng giữa đường phát tờ rơi, là những lần bị khách chửi không kịp vuốt mặt, khách cho “leo cây” như cơm bữa hay đấu đá tranh giành khách giữa môi với với nhua. Tuy nhiên, có một thứ Lân không hề biết trước là biến số mang tên Covid-19.
Trước khi dịch đến, dù chưa có giao dịch nhưng Lân vẫn đầy quyết tâm với nghề. Tuy nhiên, đợt dịch đầu tiên, thứ hai rồi thứ 3 cùng nhiều lần giãn cách xã hội đã tàn phá “sức khoẻ” của các công ty môi giới. Công ty Lân ban đầu cắt giảm lương, rồi cắt giảm nhân sự và cuối cùng phải tạm ngưng hoạt động những tháng cuối năm 2020.
Sang năm 2021, mọi thứ hứng khởi hơn khi công ty nhận được thêm nhiều hợp đồng phân phối. Tuy nhiên lần dịch thứ 4 bùng phát với mức độ lớn hơn rất nhiều đã khiến kế hoạch phải tạm ngừng.
Lân cho biết, trong công ty không chỉ mình anh mà còn nhiều tân binh khác lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan. Muốn cầm cự với công việc nhưng không có thu nhập. Trong giai đoạn này, những môi giới này phải cậy nhờ vào sự hỗ trợ của người thân, bạn bè để cố gắng bám trụ, một số lượng lớn khác chuyển nghề khác hoặc tạm ngừng về quê trốn dịch.
Việt Anh, một trưởng nhóm của công ty môi giới có trụ sở ở quận 1, TP.HCM chia sẻ, môi giới bất động sản thu nhập chủ yếu là hoa hồng nhờ các giao dịch. Với tình hình hiện nay, chỉ những môi giới đã làm nghề lâu năm và có tài sản tích luỹ thì mới có thể cầm cự để qua mùa dịch. Nhưng với những môi giới mới nhập nghề hoặc những người trước giờ không có thói quen tiết kiệm tích luỹ sẽ rất chật vật.
Với nhóm của Việt Anh, để hỗ trợ những đồng nghiệp mới vào những người đi trước có nguồn tích luỹ hỗ trợ cho các bạn mới vay tiền để ăn uống, hỗ trợ chi phí chạy quảng cáo, giới thiệu khách hàng.
Môi giới này chia sẻ thêm, nếu dịch bệnh vẫn kéo dài thì ngay cả người lâu năm cũng khó sống vì không có giao dịch trong khi vẫn phải bỏ chi phí quảng cáo để duy trì các mối quan hệ, tìm kiếm khách.
Kể từ khi xuất hiện dịch bệnh Covid-19 đang để lại nhiều hậu quả nặng nề cho thị trường bất động sản. Báo cáo của Bộ Xây dựng mới đây cho biết, trong quý I/2021, theo tổng hợp số liệu từ Sở Xây dựng các địa phương có báo cáo, có 25.386 giao dịch bất động sản thành công; tổng lượng giao dịch giảm chỉ bằng khoảng 86% so với Quý IV/2020. Riêng tại tại Hà Nội có 5.571 giao dịch thành công, tại TP.HCM có 3.449 giao dịch thành công.
Ông Nguyễn Văn Hậu, CEO Asian Holding chia sẻ, đại dịch Covid-19 kéo dài từ đầu năm 2020 đến nay đang để lại hệ luỵ lớn cho các doanh nghiệp môi giới bất động sản. Trong đợt dịch thứ 4 với diễn biến phức tạp và nặng nề đang làm kiệt sức nhiều doanh nghiệp. Chỉ có một số ít doanh nghiệp bất động sản lớn có tiềm lực tài chính, nguồn hàng phong phú để giúp nhân viên môi giới có thể bám trụ. Phần lớn các doanh nghiệp môi giới nhỏ lẻ phải tạm ngừng hoạt động, thậm chí là phá sản sau những khó khăn tới tấp của dịch bệnh.
Còn theo giám đốc công ty môi giới bất động sản tại TP. Thủ Đức, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 tác động đến mọi nghành nghề chứ không riêng gì bất động sản. Đặc biệt, với những môi giới vừa mới vào nghề chưa có tích luỹ, thiếu kiến thức, kinh nghiệm, chưa có khách hàng… đây sẽ là giai đoạn rất thử thách, quyết định có thể tồn tại với nghề hay không.
Với những môi giới lâu năm hơn, khó khăn cũng không nhỏ khi thu nhập bị tụt giảm 70% - 80% so với trước, trong khi những chi phí quảng cáo vẫn phải duy trì, thậm chí là cao hơn trong mùa dịch.
Mặc dù vậy, bất chấp dịch bệnh hiện cũng có không ít môi giới vẫn sống khoẻ nhờ thành tựu từ sự nỗ lực trước đó. Những môi giới này vẫn duy trì công việc với hệ thống mạng lưới khách hàng cũ thân thiết. Có được nềm tin của khách hàng nên dù chỉ ngồi ở nhà làm việc online họ cũng có thể tiến hành các giao dịch ban đầu cho khách như đặt cọc, giữ chỗ…
Theo vị giám đốc này, dịch bệnh Covid-19 là thử thách nhưng cũng là cơ hội để mọi người nhìn lại. Chỉ những môi giới làm việc có tâm, chiếm trọn được niềm tin của khách hàng thì trong hoàn cảnh nào họ cũng có thể tìm ra hướng đi. Ngược lại, nếu chỉ làm việc chụp giựt, khi nào cũng chỉ nghỉ đến tiền hoa hồng thì rất khó bền trong nghề này.