Thể hiện rõ qua từng tháng, rồi dồn tích qua từng năm, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công chậm kéo dài thời qua được cho là một điểm nghẽn, cản trở đà tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Trao đổi với PV, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Chính sách Công, Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, đề cập đến nhiều nguyên nhân. Trong đó, nổi bật nhất là tâm lý "nín thở qua sông" của tổ chức/cá nhân đang thực hiện dòng chảy này.
NỀN KINH TẾ ĐÃ MẤT MỘT NGUỒN LỰC
PV: Thưa ông, báo cáo kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2019 cho thấy, giải ngân vốn đầu tư khu vực Nhà nước chỉ tăng 3%, trong đó vốn đầu tư thực hiện từ nguồn Ngân sách Nhà nước (NSNN) chỉ đạt +3,7%, tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2016 trở lại đây cho kỳ 6 tháng. Cập nhật mới nhất của tháng 7 này, tốc độ vẫn thấp.
Có ý kiến cho rằng, giải ngân vốn đầu tư công và vốn ODA đã và đang là một điểm nghẽn, cản trở đà tăng trưởng chung của nền kinh tế. Ông có đồng tình với ý kiến trên không? Vì sao?
Ông Nguyễn Xuân Thành: Chậm giải ngân vốn đầu tư công là câu chuyện kéo dài từ năm 2018 và nền kinh tế đã mất một nguồn lực tăng trưởng từ đầu tư công.
Bởi thứ nhất, trong ngắn hạn, đầu tư công thúc đẩy tăng trưởng, là khoản chi tiêu từ phía tổng cầu để thúc đẩy tăng trưởng. Vì vậy, khi tốc độ tăng vốn đầu tư công chậm lại đã và đang ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP.
Thứ hai, nhìn về dài hạn, đầu tư công hiệu quả sẽ giúp cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng, thúc đẩy tăng trưởng từ phía cung, góp phần tăng năng suất và giảm chi phí giao dịch.
Từ năm 2018, giải ngân vốn đầu tư từ các nguồn đầu tư công tăng chậm, rất chậm so với đầu tư của khu vực FDI và tư nhân trong nước. Trong 6 tháng đầu năm 2019, tính theo giá hiện hành, đầu tư của khu vực Nhà nước chỉ tăng 3%, so với của nước ngoài và tư nhân lần lượt là 9,7% và 16,5%. Nếu loại bỏ yếu tố trượt giá do lạm phát, đầu tư của khu vực Nhà nước chỉ tăng có 0,4% so với cùng kỳ.
Đặc biệt, từ năm 2018 đến nay, cả hai nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng gồm khu vực Nhà nước và khu vực ngoài Nhà nước (đầu tư theo hình thức PPP) có dấu hiệu chững lại, các dự án PPP đang tắc nghẽn. Do đó, giải ngân vốn đầu tư công chậm khiến những ách tắc về cơ sở hạ tầng không được giải quyết.
Hệ lụy của nó rất nghiêm trọng cho triển vọng tăng trưởng kinh tế trung và dài hạn, đặc biệt là ở những trung tâm kinh tế lớn.
Có thể nói tầm nhìn dài hạn và tính chiến lược trong đầu tư cơ sở hạ tầng của Việt Nam luôn là điểm yếu. Bù đắp cho điểm yếu này trong nhiều năm qua là việc Nhà nước luôn có được giải pháp tình thế để tạm thời giải quyết các điểm nghẽn hạ tầng như: làm đường tránh, cầu vượt, thêm làn xe trong giao thông; xây thêm nhà ga sân bay...
Tuy nhiên, đến giai đoạn này, có thể thấy, trước yêu cầu phát triển, những giải pháp tình thế cũng không giải quyết triệt để được các ách tắc. Đường phố mở rộng và thêm làn xe hay làm cầu vượt nhưng cũng không đáp ứng nổi lượng xe gia tăng.
Tuyến cao tốc Long Thành - Dầu Giây, lúc đầu chỉ xây 4 làn xe với tính toán rằng sang giai đoạn 2 mới mở rộng thành 6 làn, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn hoạt động, tuyến cao tốc này thường xảy ra kẹt xe vào dịp cuối tuần chứ không riêng dịp lễ tết.
Cũng cần phải nhìn nhận rằng việc đầu tư công tăng chậm lại là một phần kết quả của quá trình tái cơ cấu đầu tư công, và có nét tích cực. Trước đây, không ít ngành, địa phương sử dụng đầu tư công một cách dàn trải, kém hiệu quả. Tuy nhiên, hiện nay, do khả năng tài trợ ngày càng khó khăn, nhất là từ nguồn trái phiếu Chính phủ nên các khoản đầu tư công không hiệu quả như xây dựng tượng đài, trụ sở cơ quan đơn vị đã giảm. Đó là tín hiệu tốt.
Đầu tư của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) còn giảm về số tuyệt đối. Những dự án đầu tư khổng lồ của DNNN bị thua lỗ được báo chí đưa ra cho thấy tính phi hiệu quả rất lớn trong đầu tư của khu vực này. Tái phân bổ nguồn lực theo hướng giảm đầu tư của DNNN và dồn nguồn lực cho khu vực kinh tế tư nhân sẽ đóng góp lớn cho gia tăng năng suất của nền kinh tế.
TỪ THÁI CỰC YẾU KÉM SANG THÁI CỰC CO LẠI
PV: Theo ông, đâu là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chậm trễ tiến độ đầu tư công trong thời gian qua?
Ông Nguyễn Xuân Thành: Về nguyên nhân, nếu như trước đây trễ tiến độ đầu tư có nguyên nhân chính là do không bố trí được nguồn vốn thì nay vấn để chính lại là chậm giải ngân ngay cả khi đã bố trí được nguồn vốn.
Trước hết là nguyên nhân kĩ thuật trong việc triển khai thực thi Luật Đầu tư công. Vướng mắc trong việc đáp ứng đầu đủ quy định của luật đã khiến các chủ đầu tư dự án không thể giải ngân. Các dự án đầu tư nếu không chuẩn bị đúng theo kế hoạch đầu tư công trung hạn (5 năm) thì không thể triển khai được.
Việc sửa đổi Luật Đầu tư công vừa rồi theo hướng phân cấp nhiều hơn, làm rõ và đơn giản hóa hơn các quy trình, quy phạm là để giải quyết những trục trặc kỹ thuật này.
Tuy nhiên, đầu tư công chậm do vướng quy định pháp luật không phải là nguyên nhân chính. Vẫn là ở năng lực tổ chức triển khai đầu tư mà trục trặc đến từ chỗ tổ chức/cá nhân thực hiện nhưng thiếu động lực hay động lực bị sai lệch. Làm việc công luôn tiềm ẩn động cơ sử dụng nguồn lực sai mục đích vì lợi ích tư.
Về mặt thể chế, để phòng ngừa và ngăn chặn các hành vi sai trái trong đầu tư công thì Nhà nước ngày càng ban hành các quy định pháp luật theo hướng chặt chẽ, cố gắng giảm thiểu các lỗ hổng để tư lợi cá nhân trong đầu tư xây dựng. Nhưng khi quy định trở nên chặt chẽ quá thì nó lại cản trở sự sáng tạo và tính linh hoạt đến nỗi không ai có thể triển khai thực hiện được.
Trong bối cảnh đó, việc thực hiện dự án đầu tư công đòi hỏi người lãnh đạo, quản lý phải có tính năng động và khả năng quyết đoán rất lớn. Nói cách khác, họ phải dám chấp nhận rủi ro và dám chịu trách nhiệm.
Từ một thái cực yếu kém trước đây là nơi nơi tìm cách lấy tiền Nhà nước làm dự án đầu tư công không đúng quy định, thì bây giờ lại chuyển sang một thái cực khác là nơi nơi co lại, có tiền nhưng cũng không giải ngân dự án đầu tư vì sợ sai quy định. Tâm lý e ngại, lo sợ rủi ro bao trùm nên chỉ những dự án nào đã tuân thủ đầy đủ, toàn bộ các quy định mới được triển khai, các dự án còn lại vẫn chỉ nằm trên giấy tờ.
Điều này giải thích tình trạng từ đầu nhiệm kỳ đến nay, có nhiều dự án đầu tư công đã được bố trí vốn nhưng không giải ngân được. Từ nay đến cuối nhiệm kỳ, thêm tâm lý “an toàn”, “nín thở qua sông”, tình trạng nói trên sẽ còn kéo dài tiếp.
Còn với những dự án chưa bố trí được vốn, với tiến độ chậm đó thì sẽ lại càng chờ và chậm, theo ông thì sao?
Đối với những dự án chưa bố trí được vốn, đặc biệt là các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng mang tính hệ thống hiện có hai vấn đề trục trặc chính.
Đầu tiên, cơ quan, tổ chức chuẩn bị đầu tư tiếp tục đề xuất những dự án có tổng mức đầu tư lớn, vượt quá khả năng huy động vốn tài trợ như sân bay quốc tế Long Thành, dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Tính khả thi kinh tế - xã hội không được phân tích một cách khách quan và khoa học để chỉ rõ tính cần thiết, lựa chọn tối ưu và sự hợp lý trong phân kỳ đầu tư.
Về tính khả thi tài chính, thì dự án nào cũng có khả năng hoàn vốn và sinh lợi thấp nên đòi hỏi ngân sách nhà nước phải có khoản hỗ trợ không hoàn lại đáng kể. Không gian tài khóa hạn hẹp khiến việc tính toán triển khai các dự án này theo hình thức đầu tư công là không làm được.
Thứ hai là tình trạng đề xuất và phương án triển khai dự án đã có những không được quyết.
Gần đây, tính minh bạch trong quá trình chuẩn bị và quyết định đầu tư các dự án đầu tư công quy mô lớn có cải thiện một phần, thu hút được nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, mang tính xây dựng của các chuyên gia độc lập, ý kiến của người dân bên cạnh các thông tin tư tổ chức tư vấn và các bộ, ngành hữu quan…
Kết quả của việc minh bạch hóa quy trình, thông tin và tiếp thu ý kiến là việc sẽ có nhiều luồng thông tin trái chiều dẫn tới các đề xuất, phương án làm khác nhau. Ngay cả các cơ quan nhà nước trong hệ thống cũng trình các phương án khác nhau để triển khai cùng một dự án. Nhưng gần như không ai dám quyết, chịu trách nhiệm chính trong việc lựa chọn phương án.
Cốt lõi ở đây không phải là chọn phương án tối ưu mọi mặt mà là nhà lãnh đạo phải quyết đoán để xác định phương án khả thi nhất và chấp nhận những đánh đổi cần thiết.
NGƯỜI LÃNH ĐẠO PHẢI QUYẾT LÀM
PV: Theo ông, giải pháp chính nào hiện nay có thể giúp tháo gỡ tình trạng tắc nghẽn này?
Ông Nguyễn Xuân Thành: Để đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, trước hết là phải coi trọng khâu chuẩn bị dự án, lựa chọn phương án đầu tư (kỹ thuật, công nghệ và tài chính).
Trong khâu này, rất cần các ý kiến đóng góp, ý kiến phản biện. Và sau khi tiếp thu các ý kiến này, cần có cơ chế điều phối giữa các bộ, ngành và người lãnh đạo, phụ trách cần quyết đoán đưa ra quyết định phù hợp. Không quyết khi chưa có đầy đủ thông tin, đặc biệt là các ý kiến phản biện. Nhưng khi đã có đầy đủ thông tin thì người lãnh đạo phải quyết làm. So sánh sự khác biệt của nhiều dự án.
Không nên lấy lý do là tốn thời gian hay ít nhà đầu tư/nhà thầu quan tâm mà không tổ chức đấu thầu cạnh tranh. Đẩy nhanh tiến độ dự án đói hỏi nâng cao năng lực tổ chức đấu thầu và giám sát nhà thầu trong quá trình triển khai của cơ quan nhà nước, tổ chức đóng phải trò chủ đầu tư dự án.
Đấu thầu cạnh tranh với hợp đồng chặt chẽ và mình bạch sẽ giúp phân định rõ trách nhiệm, cơ chế chia sẻ rủi ro của các bên trong quá trình thực hiện. Thưởng phạt theo đúng pháp luật và hợp đồng đối với cả nhà thầu lẫn cơ quan nhà nước.
Việc ghi nhận thành tích, thăng chức đối với cả cá nhân lãnh đạo cấp trên trong phê duyệt cũng như người thực hiện triển khai dự án không thể chỉ là làm đúng quy định, quy trình. Một hình thức kỷ luật thích đáng phải được áp dụng khi dự án đã có đẩy đủ cơ sở và nguồn lực để triển khai mà người lãnh đạo không quyết hay người thực hiện không làm.