Aa

Vốn dồi dào, lãi vay vẫn khó giảm

Thứ Ba, 03/09/2019 - 16:30

Các ngân hàng huy động vốn dồi dào, thanh khoản hệ thống tốt hơn nhưng lãi suất cho vay dự báo khó giảm.

Lần đầu huy động tăng vượt cho vay

Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM cho biết lần đầu tiên trong vòng 3 năm trở lại đây, tốc độ huy động vốn của các ngân hàng trên địa bàn thành phố tăng nhanh hơn cho vay.

Các ngân hàng huy động vốn trung dài hạn tăng. Ảnh: Ngọc Thắng

Cụ thể, huy động trong 8 tháng đầu năm tăng 8,6%, cho vay tăng 8,3%. Đặc biệt, nguồn vốn huy động trung dài hạn tăng khá tốt trong 3 tháng trở lại đây, với mức 6% so với trước đó. Các ngân hàng đã đẩy mạnh huy động vốn ở những kỳ hạn trên 12 tháng bằng cách tăng lãi suất và các sản phẩm dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người gửi tiền.

Thế nhưng điều quan trọng nhất là sự chuyển dịch gửi kỳ hạn ngắn sang trung dài hạn của khách hàng còn phản ánh niềm tin của thị trường vào chính sách tiền tệ, kênh gửi tiền tiết kiệm ổn định và sinh lời tốt.

Theo quy định hiện hành, trần lãi suất huy động dưới 6 tháng không được vượt quá 5,5%/năm. Các kỳ hạn trên 6 tháng không bị áp trần, lãi suất huy động nhảy vọt lên 7 - 8%/năm ở kỳ hạn dưới 12 tháng và trên 12 tháng lên hơn 9%/năm. Để tránh “cuộc đua lãi suất huy động”, NHNN vừa thổi còi các ngân hàng thương mại về việc tăng lãi suất và nếu ngân hàng nào không chấp hành sẽ hạn chế cấp mức tín dụng.

Lãi suất vay khó giảm

TS. Nguyễn Trí Hiếu, Cố vấn Hội đồng quản trị ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB), nhận xét quyết định “thổi còi” của NHNN về việc các ngân hàng tăng lãi suất huy động tiền đồng gần đây chỉ có thể làm cho cuộc đua lãi suất huy động dừng lại chứ lãi suất không thể giảm trong thời gian tới dù thanh khoản dồi dào.

Bởi với những ngân hàng cho vay vốn trung dài hạn nhiều, đặc biệt đổ vốn vào các dự án bất động sản thì nay cần huy động tăng lên để đảm bảo các tỷ lệ an toàn vốn, đáp ứng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm từ 40% xuống 30 - 35% trong năm tới. Ngoài ra, một số ngân hàng muốn tăng cho vay trung dài hạn sẽ phải tăng huy động các kỳ hạn này khi tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn đã bằng hoặc hơn 40%. Thế nên giảm lãi vay là rất khó.

Theo báo cáo hoạt động 6 tháng đầu năm của một số ngân hàng có tốc độ tăng huy động ở mức cao như VPBank tăng 15,5%, trong khi cho vay tăng 11,5%; Vietinbank cho vay tăng 2,4%, huy động tăng 2,5%. Tuy nhiên cũng có ngân hàng cho vay tăng nhanh hơn huy động nên buộc phải tăng lãi suất để có nguồn lực đáp ứng nhu cầu thị trường vào những tháng cuối năm.

Dù không ủng hộ lãi suất huy động tăng ảnh hưởng đến lãi suất vay tăng nhưng theo ông Nguyễn Trí Hiếu, tình hình kinh tế Việt Nam ổn định, về lâu dài tăng trưởng tốt nên các ngân hàng tăng cường huy động trung dài hạn. Để giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới, NHNN cần hỗ trợ nhiều hơn trên thị trường qua các công cụ, nghiệp vụ.

Theo đại diện NHNN, một số ngân hàng tăng lãi suất huy động gần đây chỉ là cục bộ để giữ thị phần, khách hàng; một số ngân hàng phát hành chứng chỉ tiền gửi nhằm cơ cấu lại nguồn vốn hoặc tăng tỷ lệ an toàn vốn. Thanh khoản hệ thống hiện nay không có vấn đề gì, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng ở mức thấp (từ 3 - 5%/năm tùy theo kỳ hạn - PV) nên vừa giảm lãi suất tín phiếu từ 3% xuống 2,75% vừa qua.

Ngân hàng Bản Việt là đơn vị có mức lãi suất huy động cao nhất trên thị trường hiện nay (10,2%/năm đối với kỳ hạn 60 tháng) có tốc độ cho vay tăng 5,7% so với đầu năm và tăng 21% so với cùng kỳ năm trước, đạt 31.031 tỷ đồng; trong khi huy động chỉ tăng 2,3%, đạt 34.278 tỷ đồng. MBBank cho vay tăng 11,6%, đạt 235.996 tỷ đồng, huy động tăng 7,9%, đạt 259.009 tỷ đồng. Vietcombank cho vay tăng 9,9%, đạt 682.809 tỷ đồng, trong khi huy động tăng 8,6%, đạt 870.860 tỷ đồng...


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top