Aa

Vốn FDI đang chững lại: Dòng chảy dường như có nhiều điểm nghẽn

Chủ Nhật, 22/09/2019 - 06:30

Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cam kết trong 8 tháng đầu năm nay trên cả nước sụt giảm mạnh.

Sự trồi sụt thất thường của vốn ngoại khiến giới chuyên gia và cơ quan quản lý Việt Nam có phần dè dặt hơn khi liên tục nhận định Việt Nam có nhiều thuận lợi tăng mạnh FDI, nhất là từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

FDI sụt giảm do đâu?

Sau 5 tháng liền liên tục tăng cao, từ tháng 6/2019 đến nay, nguồn vốn ngoại cam kết đã sụt giảm so với cùng kỳ năm 2018, trong đó đáng chú ý là nguồn vốn đầu tư trực tiếp FDI sụt giảm mạnh.

Những con số, báo cáo đã đi ngược với những dự đoán về việc Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ thương chiến Mỹ - Trung, trong việc tận dụng khoảng trống thị trường của 2 quốc gia này để xuất khẩu hàng hóa cũng như đón nhận dòng vốn FDI chuyển dịch từ Trung Quốc.

Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chỉ ra, vốn FDI vào Việt Nam sụt giảm chủ yếu do năm 2018 có nhiều dự án tỷ USD đăng ký đầu tư mới và tăng thêm vào Việt Nam, trong khi năm 2019 không có. Trong 8 tháng năm 2019 có 2.406 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới đạt 9,13 tỷ USD, tăng 25,4% về số dự án nhưng số vốn đăng ký lại giảm 32,3% so với cùng kỳ.

Sản xuất cánh tà máy bay tại Công ty TNHH MHI Aerospace Việt Nam. Ảnh: Phạm Hùng

Theo TS. Trần Toàn Thắng (Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia), hiện dòng chảy FDI từ Trung Quốc sang Việt Nam hay các quốc gia khác là không rõ ràng và chưa tạo thành một xu hướng cụ thể. Việc đầu tư vào Trung Quốc và bán tại Trung Quốc vẫn mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp FDI nên họ sẽ không dễ dàng dịch chuyển. Bản thân Trung Quốc lại nằm trong chuỗi giá trị toàn cầu, khiến đây là lực cản dịch chuyển FDI từ Trung Quốc sang các nước khác.

Ở một khía cạnh khác Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài Nguyễn Văn Toàn lưu ý, khi rủi ro tăng lên, dường như dòng vốn lại chuyển từ các nước đang phát triển sang các nước phát triển. Như vậy, vốn dịch chuyển khỏi Trung Quốc hoàn toàn có thể quay đầu trở lại Mỹ, hay bất kỳ quốc gia phát triển nào, làm thay đổi khối lượng FDI với các nước đang phát triển như Việt Nam.

Trong khi đó, Financial Times cho biết, trong nửa đầu năm 2019, số dự án đầu tư xây dựng mới tại Trung Quốc, châu Á và châu Âu đã giảm khoảng 30% so với cùng kỳ, tại Nhật Bản giảm hơn 20%. Xem ra, dòng FDI toàn cầu đang trong giai đoạn “ngập ngừng”, nói đúng hơn là cầm chừng và sự sụt giảm vốn FDI đăng ký mới vào Việt Nam cũng là dễ hiểu.

Cạnh tranh ngày càng gay gắt

Dù được đánh giá có nhiều cơ hội để đón dòng đầu tư nước ngoài, song không phải vốn đầu tư sẽ cứ thế chảy vào Việt Nam. Tình hình sẽ càng khó khăn hơn, khi nhiều quốc gia đang sẵn sàng “vợt” dòng vốn này. Mới đây, Thái Lan đã công bố chương trình ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp nước ngoài vào ngày 6/9/2019, giảm thuế doanh nghiệp lên tới 50%, cho các công ty chuyển các hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Thái Lan.

Ngoài việc giảm thuế, Chính phủ Thái Lan cũng sẽ tạo ra một cổng thông tin tư vấn cho các công ty về tiến độ xử lý thủ tục của họ và cho phép họ nộp hồ sơ đăng ký qua cổng thông tin này. Nikkei nhận xét: "Các ưu đãi thuế cho thấy Thái Lan đang chạy đua đầu tư nước ngoài, cạnh tranh với các quốc gia láng giềng như Việt Nam".

Ngay tại Mỹ, Tổng thống nước này cũng khuyến cáo các công ty Mỹ rời khỏi Trung Quốc, tìm kiếm sự thay thế, bao gồm cả việc đưa các công ty về nước. Chính phủ Mỹ cũng đã đưa ra các ưu đãi thuế để khuyến khích doanh nghiệp Mỹ mang tiền từ nước ngoài về đầu tư ở trong nước. Còn Trung Quốc, hồi tháng 3 năm nay cũng đã công bố Luật Đầu tư nước ngoài mới, chỉ sau 3 tháng xây dựng, nhằm giữ chân và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Với những thay đổi chính sách từ các quốc gia lớn, trong đó có Mỹ, thu hút trực tiếp nước ngoài FDI trong năm 2019 được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn. Những động thái này cho thấy, Việt Nam nếu muốn cạnh tranh thu hút FDI, muốn đón nhận dòng vốn FDI từ Trung Quốc chuyển sang, phải nhanh chân hơn nữa. Không phải ngẫu nhiên mà Pegatron, một đối tác của Apple, dù trước đó dự định mở nhà máy tại Việt Nam với vốn đầu tư 300 triệu USD, nhưng cuối cùng đã lựa chọn Indonesia làm điểm dừng chân.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được kỳ vọng là đòn bẩy để Việt Nam thu hút luồng vốn đầu tư từ EU. Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam Nguyễn Hải Minh nhận định, EVFTA sẽ tạo cú hích để doanh nghiệp châu Âu đầu tư vào Việt Nam sâu hơn. Đó là kỳ vọng, còn trên thực tế, các nhà đầu tư châu Âu vẫn e ngại đầu tư vào Việt Nam vì phải đối mặt với “rừng” rào cản thủ tục hành chính. Ông Minh đánh giá thủ tục hành chính ở Việt Nam còn nhiều bất cập, chi phí thực hiện ở mức cao.

“EVFTA có điều khoản tạo điều kiện thương mại, đơn giản nhất là thủ tục hải quan, kiểm soát, quản lý hải quan, quá trình thông quan hàng hóa Việt Nam phải ở mức tạo thuận lợi cho doanh nghiệp châu Âu. Lúc đó, họ mới quyết định đầu tư vào Việt Nam” - ông Minh nói.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam Amanda Rasmussen đánh giá, năm ngoái 76% vốn FDI vào Việt Nam tập trung ở 3 lĩnh vực chế tạo, bất động sản và bán lẻ. Mặc dù đó là những lĩnh vực tăng trưởng quan trọng nhưng doanh nghiệp Hoa Kỳ mong muốn nguồn vốn đầu tư nước ngoài sẽ hỗ trợ nhiều hơn vào công cuộc xây dựng cơ sở hạ tầng của Việt Nam.

Coi trọng hợp tác và chọn lọc

Việt Nam đang bắt đầu giai đoạn thu hút FDI mới, từ số lượng chuyển sang chất lượng. Theo TS Võ Trí Thành, nền kinh tế trên 90 triệu dân phải nhanh chóng thay đổi, có sự chọn lọc, gắn với chiến lược mới, để có sự phát triển như mong muốn. Giá nhân công rẻ không phải lợi thế cạnh tranh lâu dài, trong khi môi trường kinh doanh và kết cấu hạ tầng là những điểm Việt Nam còn phải cải thiện nhiều. Để thu hút vốn FDI năng suất lao động Việt Nam hiện cũng rất khiêm tốn.

Lịch sử hơn 30 năm thu hút FDI cũng đã cho thấy nhiều bài học quý báu về dòng chảy vốn ngoại trước thềm những biến động lớn trên thế giới, như hội nhập hay chiến tranh thương mại. Theo đó, các nhà đầu tư thường đi trước chứ không theo sau mỗi khi thị trường bước vào một ngưỡng cửa mới.

Chẳng hạn để đón đầu CPTPP mà trước đây là TPP, vốn FDI vào Việt Nam giai đoạn 2013 - 2014 tăng trưởng cao và thực chất hơn cả, bởi đây là những nhà đầu tư đã có tính toán làm ăn lâu dài, ổn định để tận dụng cơ hội từ hội nhập. Còn khi đã thực thi FTA, các nhà đầu tư mới vào là chậm chân. Vì vậy, đặt ra bài toán cho cơ quan quản lý cần chuẩn bị tinh thần cũng như chính sách điều chỉnh.

Theo các chuyên gia, Việt Nam cần phải có một sự thay đổi chiến lược về chính sách để duy trì khả năng cạnh tranh, bảo đảm sự bền vững của luồng vốn FDI tiếp nhận được, đồng thời đẩy mạnh FDI có giá trị gia tăng cao hơn. Thay vì chờ sóng lớn, cần khai thác mối liên kết chặt chẽ hơn giữa các doanh nghiệp trong và nước ngoài, ưu tiên đầu tư vào công nghệ, nhân lực, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ đột phá thay đổi nhanh chóng và cuộc CMCN 4.0.

Điều tích cực là Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Tuy nhiên, thực thi như thế nào, thể chế, chính sách cụ thể ra sao lại thuộc sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và việc thực thi ở các bộ, ngành, địa phương. Thời gian không còn nhiều, trước sự cạnh tranh gay gắt giữa các nước trong thu hút FDI, nếu không nhanh chân, Việt Nam có thể sẽ thực sự hụt hơi.

"Để có thu hút FDI chất lượng và hiệu quả, cần phải đưa ra hệ thống chỉ tiêu đánh giá ví dụ số lao động sử dụng trên số vốn bỏ ra, so với diện tích đất thuê, đóng góp NSNN bao nhiêu, thay vì như lâu nay chỉ quan tâm đến số vốn đầu tư bao nhiêu, vốn giải ngân thế nào… Xây dựng được các tiêu chí cụ thể, sẽ khuyến khích và lựa chọn được các nhà đầu tư bỏ vốn đúng vào những lĩnh vực mà Việt Nam cần. " - TS Nguyễn Xuân Thành - Đại học Fulbright Việt Nam


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top