2 năm trở lại đây, bất động sản luôn trở thành ngành dẫn đầu về thu hút vốn FDI. Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 20/6, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào bất động sản là 1,32 tỷ USD. Trong số các ngành, vốn vào bất động sản vẫn chiếm vị trí thứ hai với tỷ trọng 7,2%.
Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng, trong quý I/2019, Việt Nam đã thu hút 1,1 tỷ USD vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản. Nguồn tiền đang đổ vào 2 lĩnh vực chính là bất động sản công nghiệp và dùng để mua bán, sáp nhập (M&A) các dự án.
Nhiều đánh giá cho rằng, trong bối cảnh thị trường bất động sản Việt Nam đang đối mặt với tình trạng thắt chặt tín dụng, vốn FDI sẽ tạo ra bệ đỡ sôi động cho thị trường. Chưa kể sự đổ bộ của các doanh nghiệp nước ngoài góp phần làm gia tăng tính cạnh tranh và sự thanh lọc thị trường.
Nhận định về cơ hội mà vốn FDI mang lại, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM Lê Hoàng Châu cho rằng, vốn FDI không chỉ trở thành nguồn vốn hỗ trợ, bổ sung cho lĩnh vực bất động sản mà còn tạo ra nhiều cơ hội và giá trị cho các doanh nghiệp địa ốc.
Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, tại Hội nghị Ban chấp hành VNREA lần thứ III nhiệm kỳ IV, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính – tiền tệ Quốc gia lại cho rằng, nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài đang khiến doanh nghiệp địa ốc gặp nhiều thách thức.
Theo đó, TS. Lê Xuân Nghĩa phân tích, đầu tư nước ngoài tăng, đặc biệt là nguồn đầu tư từ Trung Quốc. Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng.
Thị trường bất động sản giai đoạn 2018 - 2019 bắt đầu cân bằng. Sau 2019, cầu sẽ tăng hơn cung. Sau giai đoạn này, cần hết sức cảnh giác trước tình trạng bong bóng bất động sản: “Giá lên bao nhiêu cũng không bán”, “giá lên cao không bán dù có cung”...
Trong các phân khúc, đất nền dễ gây ra tình trạng này nhất. Do đó, cần có những khảo sát, phân tích kỹ càng và có kiến nghị phù hợp để điều chỉnh.
Thời gian tới và thậm chí là hiện nay, các doanh nghiệp đang và sẽ phải đối mặt với những khó khăn như tín dụng thắt chặt, luật lệ khắt khe hơn, chậm giải ngân đầu tư công... Đây là những tín hiệu bất lợi cho các doanh nghiệp thiếu vốn, vướng mắc pháp lý...
Trong bối cảnh kinh tế số phát triển mạnh mẽ, đặt ra những lo ngại cho doanh nghiệp Việt, nhất là khi các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu trên thế giới “nhảy” vào thị trường Việt Nam. Họ chờ doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn, khó “sống” nổi, sẽ tiến hành thâu tóm. Hoặc họ chờ bong bóng bất động sản “nổ tung” để chớp lấy cơ hội.
“Chúng ta cần cảnh giác trước một số khuynh hướng: Thị trường tài chính toàn cầu mong manh. Phần lớn là vốn vay ngân hàng, thủ tục phức tạp nên rất dễ “bày cỗ” cho doanh nghiệp nước ngoài”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Trong bối cảnh đó, ông Nghĩa cho rằng, ở điều kiện tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp bất động sản cần chủ động và nhận diện được những dấu hiệu và diễn biến của kinh tế toàn cầu và có định hướng kinh doanh phù hợp.
Theo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho rằng, những thông tin mà TS. Lê Xuân Nghĩa cung cấp đều là thông tin quan trọng trong việc hoạch định các chiến lược phát triển lâu dài cho doanh nghiệp. Có thể thấy đây là giai đoạn "phòng thủ", không phải giai đoạn "tiến công xông lên".
Nhận định về vấn đề này, ông Phan Hữu Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng chia sẻ, làn sóng đầu tư nước ngoài sẽ ngày càng gia tăng. Nhưng đối với thị trường bất động sản, cần phải đặt câu hỏi, có cần thiết kêu gọi đầu tư nước ngoài nữa hay không, nếu có thì kêu gọi vào lĩnh vực nào, lĩnh vực nào đã làm được, lĩnh vực nào chưa làm được và cần tập trung kêu gọi đầu tư.
"Chúng ta cần có đánh giá sớm năng lực của doanh nghiệp Việt Nam, từ nhỏ đến lớn, để thấy doanh nghiệp nội có thể làm đến đâu, còn đâu thì gọi vốn đầu tư nước ngoài", ông Thắng nêu quan điểm.