Aa

Vốn ngoại vào bất động sản tăng trưởng ấn tượng

Thứ Tư, 09/04/2025 - 17:19

3 tháng đầu năm 2025, ngành bất động sản Việt Nam hút gần 2,4 tỷ USD từ dòng vốn FDI, tăng 46% so với cùng kỳ năm ngoái.

Vốn ngoại vào bất động sản tăng trưởng ấn tượng- Ảnh 1.

 Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý I do Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản trong ba tháng đầu năm 2025 đạt gần 2,4 tỷ USD, tăng 46% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dấu ấn mạnh mẽ

Trong đó có 1,1 tỷ USD vốn đăng ký mới, tương đương 26% tổng vốn đầu tư. Khi cộng thêm phần vốn điều chỉnh, con số này lên đến gần 2,3 tỷ USD – một mức tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái.

Về đối tác đầu tư, Singapore tiếp tục giữ vị trí số một với tổng vốn đăng ký cấp mới đạt hơn 1,3 tỷ USD, chiếm gần 31% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong quý I. Các quốc gia và vùng lãnh thổ khác như Trung Quốc, Đài Loan và Nhật Bản cũng nằm trong nhóm dẫn đầu về quy mô đầu tư.

Theo các chuyên gia trong ngành, con số tăng trưởng mạnh mẽ trong FDI vào bất động sản phản ánh niềm tin của nhà đầu tư quốc tế vào tiềm năng dài hạn của thị trường Việt Nam.

Hãng dịch vụ tư vấn bất động sản Avison Young nhận định rằng, dòng vốn FDI dồi dào là minh chứng rõ nét cho sức hút của thị trường bất động sản trong mắt nhà đầu tư nước ngoài. Theo Avison Young, Việt Nam sở hữu nhiều lợi thế cạnh tranh như nguồn nhân lực trẻ và dồi dào, chi phí lao động thấp, cùng vị trí địa lý chiến lược trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, giúp nâng cao vai trò trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Savills Việt Nam – đơn vị chuyên nghiên cứu thị trường bất động sản cũng cho rằng quá trình đô thị hóa nhanh chóng ở Việt Nam đang mở ra nhiều cơ hội đầu tư. Theo Savills, nhu cầu vượt cung hiện nay xuất hiện ở hầu hết các phân khúc như bất động sản công nghiệp, logistics, nhà ở, văn phòng và bán lẻ. Điều này khiến Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư đang tìm kiếm thị trường mới với tiềm năng sinh lời cao.

Savills cũng ghi nhận rằng quy mô và hình thức đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam ngày càng đa dạng. Tuy nhiên, các nhà đầu tư thường có xu hướng lựa chọn các dự án phát triển bền vững, có pháp lý rõ ràng và đáp ứng được nhu cầu thực tế của thị trường nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và trải nghiệm người dùng.

Pháp lý vẫn là yếu tố then chốt

Một điểm đáng chú ý là pháp lý vẫn là tiêu chí ưu tiên hàng đầu đối với nhà đầu tư nước ngoài. Đại diện Savills cho biết, vấn đề pháp lý ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ dự án, cấu trúc giao dịch cũng như kế hoạch tài chính dài hạn của các nhà đầu tư. Bất kỳ rủi ro nào liên quan đến pháp lý cũng có thể khiến nhà đầu tư trì hoãn hoặc rút lui khỏi thị trường.

Bên cạnh những tín hiệu tích cực, thị trường cũng đang đối mặt với một số thách thức nhất định. Gần đây, thông tin về việc Mỹ áp thuế đối ứng 46% lên một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam khiến giới đầu tư không khỏi lo ngại về khả năng dòng vốn FDI sẽ bị ảnh hưởng.

Các chuyên gia cho rằng một số phân khúc như hạ tầng khu công nghiệp, bất động sản thương mại – dịch vụ và nhà ở có thể chịu tác động trong ngắn hạn. Ngoài ra, các kênh đầu tư ngách như căn hộ dịch vụ, lưu trú du lịch cũng có thể bị ảnh hưởng do lượng chuyên gia nước ngoài và lao động có thu nhập cao giảm nhu cầu thuê-mua.

Tuy nhiên, ông David Jackson – Tổng Giám đốc Avison Young cho rằng còn quá sớm để đưa ra kết luận về mức độ ảnh hưởng của chính sách thuế mới đến thị trường bất động sản Việt Nam. Ông cho biết, các nhà đầu tư FDI hiện nay đều có tầm nhìn dài hạn và luôn xây dựng các phương án dự phòng trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu liên tục thay đổi. "Bài học từ đại dịch Covid-19 đã giúp doanh nghiệp trở nên thận trọng hơn trong việc quản lý tồn kho và kiểm soát sản lượng, từ đó tránh được những cú sốc lớn khi chi phí logistics tăng đột biến", ông nói.

Thích ứng linh hoạt

Đối với các doanh nghiệp bất động sản trong nước, ông Đinh Minh Tuấn – Giám đốc Batdongsan khu vực miền Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng chiến lược linh hoạt để thích ứng với mọi biến động thị trường. Ông cho rằng doanh nghiệp cần nhanh chóng tối ưu hóa tài chính, cơ cấu lại danh mục sản phẩm, tập trung vào những phân khúc phục vụ nhu cầu ở thực và vừa túi tiền – đây là các sản phẩm ít chịu ảnh hưởng từ sự biến động của dòng tiền đầu tư.

Theo ông Tuấn, trong bối cảnh thị trường toàn cầu còn nhiều bất định, những doanh nghiệp bất động sản biết "liệu cơm gắp mắm", ưu tiên sự bền vững, minh bạch và phù hợp với thực tế nhu cầu người dân sẽ là những đơn vị trụ vững và phát triển lâu dài.

Dù còn tồn tại một số rủi ro, bức tranh toàn cảnh của thị trường bất động sản Việt Nam trong quý đầu năm 2025 vẫn cho thấy nhiều điểm sáng. Dòng vốn FDI tiếp tục đổ vào với quy mô lớn, đặc biệt là từ các đối tác quen thuộc như Singapore, Trung Quốc, Đài Loan và Nhật Bản – những nền kinh tế có kinh nghiệm và tiềm lực đầu tư mạnh mẽ.

Trong thời gian tới, nếu Việt Nam tiếp tục duy trì ổn định vĩ mô, cải thiện khung pháp lý và nâng cao tính minh bạch trong quá trình phê duyệt dự án, thị trường bất động sản hứa hẹn sẽ tiếp tục là "đích đến" hấp dẫn của dòng vốn ngoại, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động trong nước./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top