Ngành hàng không Việt Nam đang đứng trước bài toán khi nhu cầu di chuyển, vận tải bằng đường không tăng trưởng cực mạnh trong thời gian gần đây, trong khi tốc độ nâng cấp, mở rộng của hạ tầng hàng không tạm thời chưa theo kịp.
Tăng trưởng “nóng”
Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới năm 2018, trong giai đoạn 2016 – 2021, tăng trưởng khách du lịch hàng không tại Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á với mức tăng trưởng hai con số là 17,4% so với mức trung bình của toàn khu vực là 6,1%.
Theo dự báo của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), trong thời gian tới, với dân số gần 100 triệu người, hàng không nội địa của Việt Nam sẽ tăng trung bình 15%/năm, sản lượng vận chuyển ước đạt 131 triệu lượt hành khách/năm vào năm 2030. Cũng theo IATA, Việt Nam sẽ trở thành thị trường hàng không tăng trưởng mạnh thứ 5 thế giới về lượng khách quốc tế và hàng hóa được vận chuyển.
Hiện tại, Việt Nam có 5 hãng hàng không chính đang hoạt động là Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines, VietJet Air, VASCO và “tân binh” Bamboo Airways. Mức cạnh tranh giữa các hãng được đánh giá ngày càng gay gắt không chỉ trong thị trường nội địa mà cả với thị trường quốc tế.
Ảnh 1: Hãng hàng không Bamboo Airways vừa gia nhập bầu trời Việt vào tháng 1/2019
Với những con số báo cáo cụ thể trên, nhiều chuyên gia khẳng định Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển ngành hàng không.Tuy nhiên tốc độ phát triển hạ tầng hàng không hiện nay tạm thời chưa theo kịp lực cầu tăng, dẫn đến việc nhiều sân bay bị “nghẽn” trong những giai đoạn cao điểm.
Tại thời điểm này, không chỉ các sân bay lớn như sân bay Nội Bài (Hà Nội), Tân Sơn Nhất (TP. HCM), mà một số sân bay địa phương lớn tại Đà Nẵng, Cam Ranh, Quy Nhơn hay Quảng Bình… cũng quá tải cục bộ khi lượng khách đột ngột tăng vọt.
Theo báo cáo năm 2018, sân bay Tân Sơn Nhất công suất 28 triệu hành khách/năm nhưng đã đón hơn 38,3 triệu hành khách, sân bay Cam Ranh công suất khoảng 6,5 triệu hành khách/năm nhưng đã đón 8,2 triệu hành khách, sân bay Đồng Hới công suất 400 nghìn hành khách nhưng đã thông qua gần 800 nghìn lượt hành khách. Tình trạng này tạo ra áp lực đến hạ tầng hàng không nói chung, có thể dẫn đến nhiều vấn đề như chậm chuyến, hủy chuyến..., khiến hành khách gặp phiền toái.
Xã hội hóa nguồn vốn: Lối đi tốt của phát triển hạ tầng?
Theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 mới được Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030, thị trường hàng không Việt Nam sẽ đứng trong nhóm 4 quốc gia hàng đầu ASEAN về sản lượng vận chuyển.
Để bắt kịp với sự phát triển nhanh chóng nói trên, quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, chính phủ Việt Nam phê duyệt sẽ có 26 sân bay với tổng mức đầu tư 10,5 tỷ USD.
Nâng cao công suất các cảng hàng không và nới quy mô phát triển đội tàu bay trong vòng 3 năm tới là hai điều kiện cần để mở ra cơ hội cho thị trường hàng không phát triển.
Riêng với hạ tầng hàng không, trong khi nguồn vốn ngân sách còn hạn hẹp, một trong những giải pháp đang được xã hội quan tâm là xã hội hóa đầu tư cảng hàng không, huy động vốn từ các nguồn lực xã hội, nhất là nguồn lực từ doanh nghiệp tư nhân.
Trên thế giới, việc xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng hàng không đã được nhiều nước triển khai. Hiện nay, trên thế giới có 14% sân bay có sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân, chuyên chở đến 41% lượt khách trong và ngoài nước.
Theo một chuyên gia về kết cấu hạ tầng đô thị, tại Việt Nam, đến năm 2020, nguồn vốn nhà nước cho lĩnh vực hàng không mới chỉ đạt từ 30 – 35%, vì vậy để phát triển hạ tầng hàng không đồng bộ, Việt Nam cần 65 – 70% vốn từ doanh nghiệp tư nhân.
Tuy nhiên, đây không phải là điều đơn giản bởi đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng hàng không được cho là khó thu hồi lợi nhuận, hoặc việc thu hồi diễn ra trong thời gian dài. Để thu hút doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư vào hạ tầng hàng không, Nhà nước cần có những chính sách hợp lý để đảm bảo sự thuận lợi cho doanh nghiệp trong khi xây dựng và khi đưa công trình vào khai thác thương mại.
Hiện cả nước có 22 cảng hàng không hoạt động trong đó có 9 cảng hàng không quốc tế và 13 cảng hàng không nội địa. Với sự tạo điều kiện của Nhà nước, làn sóng đầu tư tư nhân vào lĩnh vực cảng hàng không và hạ tầng hàng không đang diễn ra mạnh mẽ.
Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, hiện nay có ít nhất 5 dự án hạ tầng cảng hàng không có sự góp vốn của các nhà đầu tư tư nhân bao gồm các cảng hàng không Vân Đồn (Quảng Ninh), Phan Thiết (Bình Thuận), Cam Ranh (Khánh Hòa), Cát Bi (Hải Phòng) và Chu Lai (Quảng Nam).
Một số ý kiến đánh giá rằng hạ tầng hàng không Việt Nam đang có sự thay đổi tích cực, sẵn sàng đón nhận thêm nhiều chuyến bay trong nước và quốc tế mới. Bên cạnh đó, doanh nghiệp tư nhân cũng đóng góp cho Nhà nước một khoản tiền lớn khi chuyển nhượng, mua lại các cảng hàng không và góp phần giảm áp lực cho ngân sách Nhà nước. Chính vì thế, các chuyên gia kinh tế cho rằng tư nhân hóa đầu tư sân bay là giải pháp hiệu quả vì nó có thể khắc phục những hạn chế trong chất lượng dịch vụ hàng không hiện nay.
Để đi tìm giải pháp giải quyết điểm “nghẽn” hạ tầng, giải bài toán khó cho ngành hàng không nước nhà, Báo Giao thông sẽ tổ chức Tọa đàm trực tuyến "Giải pháp thúc đẩy hàng không Việt tăng trưởng bền vững" tại FLC Quy Nhơn, Bình Định vào chiều 11/4. Khách mời tại buổi toạ đàm là các đại diện đến từ Bộ GTVT, Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại DN, Bộ KH&ĐT, tỉnh Bình Định, Quảng Ninh, Cục Hàng không VN, các chuyên gia hàng không, chuyên gia kinh tế, đại diện các hãng hàng không, nhà khai thác cảng hàng không, các hãng lữ hành… Các đại biểu sẽ tập trung thảo luận để tìm ra giải pháp giải quyết vấn đề về cơ sở hạ tầng hàng không, xây dựng ngành vận tải hàng không Việt Nam theo hướng phát triển bền vững. Nội dung hội thảo sẽ được tường thuật trực tiếp trên Báo Giao thông. |