Ngày đầu tiên chào sàn, đã có thời điểm, cổ phiếu VPB không giữ nổi giá và để trôi về mức 33.000 đồng/CP. Tuy nhiều sóng gió, nhưng đến phiên giao dịch buổi chiều, VPBank đã ngược dòng tăng trở lại và giữ được mức giá tham chiếu 39.000 đồng/CP. Chốt ngày đầu giao dịch, VPBank trở thành cổ phiếu ngân hàng có thị giá cao nhất thị trường chứng khoán
Ngược dòng ngoạn mục
Cụ thể, phiên giao dịch ngày 17/8/2017, chứng khoán Việt Nam đón nhận thêm một ngân hàng niêm yết tại HOSE là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vương - VPBank (mã VPB). Ngày đầu lên sàn của VPB không mấy suôn sẻ khi đây là thời điểm thị trường chứng khoán vừa mới lao dốc sau nửa năm tăng trưởng tốt. Gần đây, cổ phiếu nhóm ngân hàng cũng mất giá trước hàng loạt thông tin bất lợi. Nhất là vụ án Phạm Công Danh, Trầm Bê tiếp tục được điều tra và lộ ra những sai phạm của cấp lãnh đạo nhiều ngân hàng
VPB là cổ phiếu ngân hàng thứ 10 tham gia niêm yết và là cổ phiếu được chờ đợi nhất trong quý này với hơn 1,3 tỷ cổ phiếu. Trước sắc đỏ của thị trường, mặc dù xác lập được nhiều kỷ lục mới nhưng VPB vẫn có những lúc “lao đao” cùng thị trường.
Sau khi bị bán mạnh vào đầu phiên và có lúc giảm xuống chỉ còn 33.000 đồng/CP thì đến phiên buổi chiều, lực cầu bất ngờ vào mạnh đã đẩy VPBank lên đứng ở mức giá tham chiếu chào sàn là 39.000 đồng/CP.
Tính chung cả phiên, VPBank giao dịch được đến trên 58,2 triệu cổ phiếu. Khớp lệnh với mức giá giao dịch từ 33.000 - 39.000 đồng/cp, nâng tổng giá trị giao dịch cả phiên đạt hơn 2.250 tỷ đồng. Đặc biệt các lệnh mua khối lượng hàng triệu cổ phiếu vào cuối phiên đã kéo cổ phiếu này đóng cửa ở mức giá 39.000 đồng.
Riêng giao dịch của VPBank đã chiếm đến 24,4% tổng khối lượng giao dịch trên HOSE ngày 17/8/2017. Với mức giá 39.000 đồng/CP VPBank đã chính thức trở thành cổ phiếu ngân hàng có thị giá lớn nhất sàn chứng khoán Việt, vượt qua cả cổ phiếu VCB của Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam với 37.300 đồng/CP.
Thị trường chứng khoán ngày 17/8, áp lực bán mạnh đã đẩy nhiều cổ phiếu trụ cột, cổ phiếu ngân hàng trên thị trường giảm sâu. BID mất 800 đồng xuống 19.200 đồng/CP, EIB giảm sàn xuống 11.300 đồng/CP, MBB giảm 700 đồng xuống 22.050 đồng/CP. Với giao dịch đột biến của VPBank trong phiên đã giúp thanh khoản thị trường tăng vọt, với tổng khối lượng giao dịch đạt 295 triệu cổ phiếu, trị giá lên đến 6.300 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số VN-Index giảm 5,98 điểm (-0,78%) xuống còn 767,59 điểm. Toàn sàn có 64 mã tăng, 200 mã giảm và 66 mã đứng giá. Chỉ số HNX-Index giảm 1,25 điểm (-1,23%) xuống 100,49 điểm. Toàn sàn có 46 mã tăng, 121 mã giảm và 188 mã đứng giá.
VPB vẫn còn nhiều cơ hội để kỳ vọng tăng giá
Đánh giá về kỳ vọng VPB, ông Tô Hải - Tổng Giám đốc chứng khoán Bản Việt (VCSC) đơn vị tư vấn VPB cho biết, mức định giá cổ phiếu trung bình của VPBank đạt trên 50.000 đồng. Việc định giá này quá cao khi so sánh với một số ngân hàng khác như MBB của ngân hàng Quân Đội hay ACB của ngân hàng Á Châu nhưng so sánh này là khập khiễng bởi VPBank tập trung mảng tài chính tiêu dùng.
Mức vốn hóa thị trường 2,3 tỷ USD cũng do nhà đầu tư quyết định, không phải con số của VCSC định giá. VCSC và VPBank đã tiếp xúc với 80 nhà đầu tư và gần như toàn bộ các nhà đầu tư này đều tham gia đặt mua cổ phiếu VPBank. Khối lượng đặt mua gấp 4 lần số lượng chào bán, đạt kỷ lục 1,2 tỷ USD và theo ông Hải con số này chưa từng có trên TTCK Việt Nam, kể cả giai đoạn nóng 2007 và cũng khó lặp lại trong tương lai.
Theo ông Hải, thị giá cổ phiếu VPB biến động như thế nào phụ thuộc vào thị trường, nhưng lãnh đạo VCSC tin rằng giá cổ phiếu này còn dư địa tăng tiếp sau khi VPBank lên sàn. Bởi trong 4 - 5 năm tới, Việt Nam sẽ có những ngân hàng vốn hóa thị trường trên 10 tỷ USD và VPBank là một trong số ít các ngân hàng tư nhân có thể cùng với Vietcombank lọt nhóm 10 tỷ USD vốn hóa thị trường.
Xét ở chỉ tiêu tài chính, VPBank cũng được nhà đầu tư kỳ vọng khá nhiều.Tại thời điểm năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROAE) của VPBank là quanh 27 – 28%. Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) của ngân hàng này khoảng 1,7%. Ngân hàng này có quá trình tăng trưởng vài năm gần đây rất mạnh.
Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2017, thu nhập trên một cổ phiếu phổ thông (EPS) của VPBank đạt hơn 2.500 đồng, còn giá trị sổ sách trên một cổ phiếu (BVPS) là hơn 18.000 đồng. Dấu hiệu khá tích cực nữa là tỷ lệ nợ xấu của VPBank đã có chiều hướng giảm đáng kể trong 6 tháng đầu năm.
Mặc dù có tuổi đời còn trẻ và có thể sẽ phải chịu nhiều sức ép cạnh tranh trong thời gian tới, nhưng với chỉ tiêu tài chính tăng trưởng ổn định, kinh doanh có dấu ấn riêng, VPBank đang được nhà đầu tư ưu ái và mang nhiều kỳ vọng.