Thống kê từ báo cáo tài chính quý III của 25 ngân hàng cho thấy, số lượng chi nhánh và phòng giao dịch tính đến cuối tháng 9 ở mức 10.580 điểm với 3.029 chi nhánh và 7.551 phòng giao dịch, tăng 30 chi nhánh nhưng giảm 206 phòng giao dịch so với cuối năm 2018.
Mạng lưới giao dịch thể hiện biên độ tiếp cận với các khách hàng của các ngân hàng. Đó là lý do nhiều ngân hàng ra sức mở rộng chi nhánh để phủ sóng tên tuổi và thu hút khách hàng.
Agribank hiện là ngân hàng có số điểm giao dịch lớn nhất, với hơn 2.233 chi nhánh và phòng giao dịch. Tiếp theo là LienVietPostBank với 1.319 điểm giao dịch. Vietinbank và BIDV là hai ngân hàng còn lại sở hữu trên 1.000 điểm giao dịch trong nước. Cụ thể, BIDV hiện có 1.060 điểm giao dịch ngân hàng. Trong khi Vietinbank hiện có tới 1.157 điểm giao dịch.
Tuy nhiên, thực tế thì không phải cứ phủ sóng nhiều thì các ngân hàng sẽ có lợi nhuận cao, nhiều ngân hàng có rất ít điểm giao dịch nhưng lợi nhuận đáng nể và ngược lại.
Đơn cử như VPBank, không nằm trong top 10 ngân hàng có nhiều điểm giao dịch nhất. VPBank chỉ có 227 điểm giao dịch nhưng tổng tài sản đến cuối tháng 9/2019, tổng tài sản của VPBank ở mức 358,2 nghìn tỷ đồng, tăng 10,8% so với đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng đạt gần 254,2 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 14,5% so với đầu năm.
Tính tới thời điểm hiện tại, trong số các nhà băng đã công bố kết quả kinh doanh thì VPBank đang nằm trong top những thành viên có lợi nhuận cao nhất, cũng là ngân hàng có tốc độ tăng trưởng thuộc top đầu.