Băn khoăn tính pháp lý khi thu giữ tài sản
Ngân hàng BIDV Thanh Hóa luôn khẳng định mình đúng khi thu giữ tài sản của Doanh nghiệp Hồng Phúc. Theo ngân hàng này, việc thu giữ tài sản căn cứ theo Nghị quyết 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng, Chỉ thị số 06/CT-NHNN ngày 20/7/2017 về việc thực hiện Nghị quyết 42; Điều 63, Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm và các văn bản liên quan, hợp đồng thế chấp và các biên bản làm việc giữa hai bên, BIDV Thanh Hóa đủ cơ sở pháp lý thu giữa tài sản đảm bảo để thu hồi nợ.
Thế nhưng các tài liệu có được cho thấy, vẫn còn sự hoài nghi về tính pháp lý khi Ngân hàng BIDV Thanh Hóa thực hiện việc thu giữ tài sản của doanh nghiệp Hồng Phúc.
Theo đó, tại hợp đồng thế chấp bất động sản số 01/2012/HĐ 16/2/2012 và số 01/2013/HĐ ngày 30/10/2013 giữa Ngân hàng BIDV Thanh Hóa và Công ty Hồng Phúc không có điều khoản nào nói rõ việc bên bảo đảm đồng ý cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi xảy ra trường hợp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định.
Trong khi đó, Điều 7 Nghị quyết 42/2017/QH14 về việc thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng quy định, phải đáp ứng các điều kiện, trong đó:
"b) Tại hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi xảy ra trường hợp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật;
c) Giao dịch bảo đảm hoặc biện pháp bảo đảm đã được đăng ký theo quy định của pháp luật”
Theo đó, Hợp đồng bảo đảm ký kết giữa Công ty Hồng Phúc với BIDV Thanh Hóa không có thỏa thuận như nội dung quy định tại điểm b khoản 2 Điều 7 Nghị quyết 42/2017/QH14 nêu trên.
Mặt khác, theo một số luật sư (xin không nêu danh tính), hợp đồng bảo đảm phải được công chứng, chứng thực, nếu có thỏa thuận khác thì việc sửa đổi hợp đồng phải được hai bên đồng ý sửa đổi bằng văn bản và phải được công chứng theo quy định của pháp luật.
Thế nhưng, các hồ sơ không thể hiện việc sửa đổi hợp đồng thế chấp tài sản giữa ngân hàng BIDV Thanh Hóa và doanh nghiệp Hồng Phúc. Thay vào đó, hai bên thỏa thuận bằng biên bản. Tuy nhiên, tại biên bản làm việc giữa hai bên được được lập ngày 17/4/2018 và ngày 1/11/2017, với nội dung dung xử lý tài sản bảo đảm của doanh nghiệp không có xác nhận chức danh, con dấu của hai bên.
Cụ thể, tại biên bản làm việc ngày 1/11/2017 có chữ ký của ông Trần Tiến Quân (Tổng Giám đốc Công ty Hồng Phúc), nhưng không đóng dấu của Công ty Hồng Phúc. Biên bản làm việc ngày 17/4/2018, không đóng dấu, không nêu rõ chức danh của người đại diện ngân hàng và doanh nghiệp sau khi ký biên bản.
Mặt khác, việc căn cứ theo Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm và các văn bản liên quan, hợp đồng thế chấp để cho khẳng định BIDV có đủ cơ sở pháp lý thu giữ tài sản bảo đảm để thu hồi nợ là sai. Bởi quy định thu giữ tài sản bảo đảm trong Nghị định này trái với quy định của Luật Dân sự năm 2015, nên nội dung đó đã hết hiệu lực theo quy định theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
Từ các căn cứ trên, vị luật sư cho rằng, Ngân hàng BIDV Thanh Hóa thu giữ tài sản của doanh nghiệp không thỏa mãn theo một số điều khoản của Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và một số quy định khác có liên quan.
Mặt khác, không có hồ sơ, tài liệu nào thể hiện việc các cổ đông của Công ty Hồng Phúc đồng ý cho ngân hàng thu giữ, bán tài sản cũng như ủy quyền cho Tổng Giám đốc Công ty ký kết sửa đổi hợp đồng bảo đảm.
Thực tế cũng cho thấy, Nghị quyết 42 không quy định cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế, yêu cầu buộc người đang chiếm hữu, sử dụng tài sản phải bàn giao tài sản như cơ quan thi hành án. Như vậy, việc Ngân hàng BIDV dùng lực lượng bảo vệ, vệ sỹ, khống chế, thu giữ tài sản của doanh nghiệp trong trường hợp này không đảm bảo các quy định của pháp luật?
Về việc này, vị luật sư cho rằng: "Tại thời điểm bàn giao, thu giữ tài sản đảm bảo, nhưng doanh nghiệp không đồng ý thì có thể coi là phát sinh tranh chấp trong nghĩa vụ bàn giao tài sản đảm bảo. Ngân hàng không được dùng các biện pháp cưỡng chế trong trường hợp này bởi doanh nghiệp và ngân hàng đều là hai chủ thể có tư cách pháp nhân ngang nhau, bình đẳng nhau trước pháp luật.
Thực tế, đây là hành vi cưỡng chế thu giữ chứ không phải hình thức thu giữ theo thỏa thuận. Trong trường hợp doanh nghiệp không đồng ý bàn giao tài sản thì ngân hàng được quyền khởi kiện ra tòa về tranh chấp nghĩa vụ bàn giao tài sản đảm bảo theo thủ tục rút gọn. Việc Ngân hàng không áp dụng biện pháp khởi kiện theo thủ tục rút gọn mà thực hiện thu giữ tài sản trái với ý chí của doanh nghiệp là không đúng với hướng dẫn của Nghị quyết 42 và các văn bản hướng dẫn có liên quan khác".
Đồng quan điểm trên, ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đồng quan điểm với một số ý kiến khi cho rằng, trường hợp khách hàng không hợp tác bàn giao tài sản bảo đảm, chống đối khi tiến hành thu giữ, tổ chức vẫn phải khởi kiện khách hàng ra Tòa án để được quyền xử lý tài sản bảo đảm thông qua thi hành án, chứ không được dùng lực lượng bảo vệ, vệ sỹ khống chế doanh nghiệp:
“Nếu hai bên không thỏa thuận được việc thu giữ tài sản thì hai bên phải ngồi lại với nhau hoặc nhờ cơ quan tư pháp góp ý, tháo gỡ. Nếu bên nào phạm luật thì nhờ đến cơ quan pháp luật can thiệp xử lý", ông Kiêm nói.
BIDV Thanh Hóa vi phạm pháp luật?
Theo nhận định của một số luật sư, việc Ngân hàng BIDV dùng bảo vệ - vệ sỹ khống chế chủ doanh nghiệp khi thực hiện thu giữ tài sản của Ngân hàng BIDV Thanh Hóa đã xâm phạm đến thân thể và danh dự, nhân phẩm của Tổng giám đốc Công ty; vi phạm khoản 6 Điều 7 Nghị quyết 42/2017/QH14, theo đó quy định:
“6. Tổ chức tín dụng chỉ được ủy quyền thu giữ tài sản bảo đảm cho công ty quản lý nợ và khai thác tài sản thuộc tổ chức tín dụng đó; tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu chỉ được ủy quyền thu giữ tài sản bảo đảm cho tổ chức tín dụng bán nợ, công ty quản lý nợ và khai thác tài sản thuộc tổ chức tín dụng bán nợ.
Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu, tổ chức được ủy quyền thu giữ tài sản bảo đảm không được áp dụng các biện pháp vi phạm điều cấm của pháp luật trong quá trình thu giữ tài sản bảo đảm.”.
Mặt khác, việc ngân hàng tự ý thu giữ tài sản bảo đảm trong trường hợp này có dấu hiệu trái với quy định của Bộ luật dân sự.
“Điều 301. Giao tài sản bảo đảm để xử lý:
Trường hợp người đang giữ tài sản không giao tài sản thì bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác”.
Hậu quả của việc ngân hàng thu giữ tài sản trái pháp luật và tự đem tài sản bán đấu giá làm mất đi các quyền với tài sản của Công ty Hồng Phúc và đặc biệt là các cổ đông trong Công ty Hồng Phúc trong việc xác định giá khởi điểm. Quyền này được thỏa thuận trong Hợp đồng thế chấp năm 2012 và 2013 tại Mục c Điểm 2.2 Khoản 2 Điều 8. Đồng thời cũng làm mất đi quyền ưu tiên mua lại tài sản, chuộc lại tài sản theo quy định tại Luật đấu giá và các văn bản pháp luật khác”, vị Luật sư cho hay.
Trong khi đó, ông Cao Sỹ Kiêm - Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, việc thu giữ này sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý về sau: “Nếu việc thu giữ tài sản phát sinh tranh chấp sẽ đưa đến những rủi ro pháp lý, nhất là trong việc định giá tài sản".
Trong một diễn biến khác có liên quan tới vụ việc, mới đây trong đơn gửi cơ quan có thẩm quyền, ông Trần Tiến Quân, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hồng Phúc đề nghị Ngân hàng BIDV Thanh Hóa khắc phục hậu quả; thỏa thuận hủy kết quả đấu giá giữa Ngân hàng, Trung tâm đấu giá và Công ty trúng đấu giá; thực hiện việc xử lý tài sản bảo đảm theo đúng quy định pháp luật:
"Trả lại toàn bộ tài sản cũng như quyền về tài sản cho Công ty Cổ phần Hồng Phúc, cũng như tài sản của công ty, cá nhân khác mà Ngân hàng đã thu giữ trái phép. Cùng với Công ty Hồng Phúc thỏa thuận xử lý tài sản trên tinh thần tự nguyện giảm bớt thiệt hại cho Công ty chúng tôi. Đề nghị Ngân hàng yêu cầu Tòa án là cơ quan có thẩm quyền phán quyết. Phán quyết của Tòa án là căn cứ để chúng tôi thực hiện nghĩa vụ của mình."
Văn phòng Chính phủ có ý kiến
Trước đó, ông Trần Tiến Quân, Giám đốc Công ty Cổ phần Hồng Phúc có đơn gửi Thủ tướng Chính phủ phản ánh, kiến nghị một số nội dung về việc xử lý tài sản bảo đảm thu hồi nợ của Công ty tại Ngân hàng BIDV Chi nhánh Thanh Hóa.
Sau khi nhận được đơn, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, giải quyết vụ việc theo quy định.
Reatimes sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.