Ông Đoàn Văn Linh, trung tá công an đã nghỉ hưu, kể rằng cách đây hơn chục năm, Sở ăn uống Hà Nội đã định đền bù cho gia đình ông Tân một cửa hàng bán cà phê gần đây, nhưng ông Tân không chịu. Ông muốn trở về đúng mảnh đất cha ông để lại xưa kia. Nhưng hồi đó, cửa hàng ăn uống 27 Yên Phụ đang làm ăn khấm khá, có gần 100 cán bộ, công nhân viên, nên việc thương lượng không thành.
Ông Đặng Văn Mẹo, người cùng số nhà 27 với gia đình ông Tân khi còn "mặc quần thủng đít"- như ông nói. Ông Mẹo dắt chúng tôi lên mái nhà, chỉ vào những vết đạn lỗ chỗ và vết cháy sém con sơn của ngôi nhà cổ bên cạnh:
- Hồi về tiếp quản, làng này có 6 ngôi nhà chưa cháy hết, trong đó có nhà ông Tân. Ông Vũ Văn Phong không về thì đã đành - Giọng ông Mẹo nghẹn ngào, nước mắt rơm rớm - Còn ông Tân, ông Tiến theo sự phân công của Nhà nước, không về được. Giờ tôi biết ông Tân ốm lắm rồi. Chúng tôi chỉ mong ông ấy được về đây. Nếu có chết thì chết ở mảnh đất chôn rau cắt rốn này, anh em chúng tôi còn đưa ông ấy đi được một đoạn - Ông Mẹo lau nước mắt - Chứ chết ở trên đấy, anh em làng xóm làm gì có ai...
Thấy cứ kéo dài cảnh kể lể như thế này thì đến ngay như chúng tôi cũng mất hết thăng bằng về tâm cảm. Chúng tôi đề nghị các cụ, các ông vui lòng làm chứng cho gia đình ông Tân. Ông Đoàn Văn Linh nói: "Cả làng Yên phụ này sẵn sàng làm chứng cho ông Tân chứ riêng gì chúng tôi". Và ông cầm bút viết ngay bên mâm cơm trưa đã đợi ông hơn tiếng đồng hồ.
Hà Nội, 6-3-1992
Giấy xác nhận
Chúng tôi có tên dưới đây đều là người sinh ra ở làng Yên Phụ, huyện Hoàn Long tỉnh Hà Đông cũ, nay là quận Ba Đình, Hà Nội:
- Đoàn Văn Linh, 70 tuổi, nguyên cán bộ Bộ Nội Vụ, nghỉ hưu tại số nhà 33 phố Yên Phụ.
- Đặng Văn Mẹo, 63 tuổi, công nhân đá hoa granito, đã nghỉ hưu, hiện ở số nhà 27 phố Yên Phụ.
- Đặng Thị Hải, 69 tuổi, bán hàng nước tại số nhà 8 phố Yên Phụ.
Xác nhận
Trước cách mạng tháng 8- 1945, cụ Vũ Văn Xuân thân sinh ra các ông Vũ Văn Phong, Vũ Hùng Tân, Vũ Văn Tiến có ngôi nhà lá phía mặt đường, bên trong là một ngôi nhà toóc-xi. Phía bên trong nữa là nhà cụ Vũ Văn Hữu.
Kháng chiến toàn quốc, gia đình ông Tân, Tiến ra ngoài kháng chiến. Đến khi tiếp quản năm 1954, ngôi nhà lá đã bị đốt cháy, còn lại ngôi nhà gạch bên trong, hiện công ty ăn uống Ba Đình sử dụng thửa đất này.
Chúng tôi bảo đảm những lời xác nhận trên và cùng ký tên dưới đây để làm bằng chứng cho gia đình ông Vũ Văn Tân hiện trú tại thị xã Vĩnh Yên.
Đoàn Văn Linh
Đặng Văn Mẹo
Đặng Thị Hải.
Đến lúc này, trong tay chúng tôi đã có nhiều bằng chứng và nhân chứng giúp cho gia đình ông Tân có căn cứ để đề nghị UBND thành phố Hà Nội trả lại quyền sở hữu ngôi nhà và quyền sử dụng mảnh đất bố mẹ ông để lại. Tòa soạn có tiếp công văn gửi đồng chí Đinh Hạnh, Phó chủ tịch UBND thành phố, người cầm cân nảy mực trong sự việc này.
Khi ấy, màn ảnh truyền hình Việt Nam vừa chiếu bộ phim "Papillon - người tù khổ sai". Xem xong, chúng tôi ngẫm rằng, chỉ một sai sót nhỏ của Nhà chức trách , con người có thể bị đẩy tới tận cùng của sự đau khổ.
Chúng tôi mong điều này không xảy ra ở bất cứ nơi nào trên mảnh đất đã quá nhiều đau thương này. Và cũng cầu mong cho gia đình ông Tân ngày một ngày hai được trở về nơi chôn rau cắt rốn của mình. Lúc đó, biết đâu có một sức mạnh tinh thần nào đó lại trỗi dậy trong ông. Ông sẽ khoẻ mạnh và trở về quê hương. Ở đấy, làng xóm, anh em và bạn bè đang chờ đón ông...
Kỳ sau : Những chứng cứ trái ngược nhau